Tản mạn chuyện pháo hoa

Thứ ba, 02/05/2017 09:14

(Cadn.com.vn) - Những ngày cuối tháng 4 này, khi Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017 (DIFF 2017) cận kề, tôi lại nhớ đến câu chuyện của ông Huỳnh Văn Chính – Chủ tịch HĐQT Công ty Dệt may 29-3.

Năm 2008, lần đầu tiên Đà Nẵng tổ chức pháo hoa quốc tế, ngay sáng hôm sau, trên trang báo hiển hiện bài thơ “Bất ngờ Đà Nẵng” của ông: “Tôi không nén được lòng mình xúc động/ Giữa dòng người trẩy hội đêm pháo hoa/ Thôi gạt bỏ chuyện giàu nghèo danh phận/ Hãy nhìn lên... cả thành phố vỡ òa”. Gặp tôi, ông Chính kể: “Cái chữ vỡ òa mà tớ dùng có nhiều ý nghĩa lắm đấy. Bởi ý tưởng tổ chức cuộc thi pháo hoa quốc tế có từ trước nhưng anh Nguyễn Bá Thanh (nguyên là Chủ tịch, Bí thư Đà Nẵng, Trưởng ban Nội chính Trung ương) dặn phải biết im lặng ấp ủ thực hiện để có thêm một sản phẩm du lịch độc đáo riêng có của Đà Nẵng. Khi cuộc thi này được tổ chức vào dịp 29-3-2008 thì ý tưởng ấy cũng vỡ òa trong niềm vui chung của người dân TP...”.

Ai cũng hiểu, câu chuyện pháo hoa quốc tế không phải chỉ để vui chơi, mà xuất phát từ ý tưởng muốn tạo cho Đà Nẵng có thêm một sản phẩm du lịch độc đáo. Để hiểu rằng từ hơn 10 năm trước, Đà Nẵng không chỉ tìm cách xây dựng cơ sở hạ tầng để TP ngày càng rộng mở, khang trang, hiện đại mà lãnh đạo TP còn trăn trở tìm kiếm sản phẩm du lịch mới để “kéo” du khách về với Đà Nẵng.

Pháo hoa những năm đầu được tổ chức vào dịp 29-3 nhưng hầu như  năm nào cũng gặp lúc thời tiết không thuận lợi. Xem pháo hoa mà phải trùm áo mưa hay che dù thì rất phiền toái và ít nhiều ảnh hưởng đến sự thành công của đại tiệc. Vậy nên các đợt pháo hoa sau này đã tính toán dời về dịp 30-4 là hợp lý. DIFF 2017 do Sungroup thực hiện được tổ chức mỗi năm một lần, đã tỏ rõ tính chuyên nghiệp, kéo dài trong gần 2 tháng, phù  hợp với cao điểm du lịch tại TP biển. Và đêm khai “Hỏa” đầu tiên, cách thức tổ chức được đánh giá là bài bản, sân khấu rực rỡ sắc màu và độc đáo, mới lạ  hơn mọi năm.

Đi xem pháo hoa mới vỡ ra nhiều điều ngỡ mình đã hiểu hết. Tình cờ nghe mọi người trò chuyện về tình người, về cách ứng xử của người Đà Nẵng, ai cũng lâng lâng cảm xúc tự hào. Mọi người nói đến cách cư xử lịch thiệp của người Đà Nẵng ở nơi công cộng, quán xá, và hầu như không có chuyện “làm khó, chặt chém” du khách. Người dân ai cũng có ý thức mong đợi du khách đến Đà Nẵng, yêu Đà Nẵng và mong họ có dịp quay trở lại. Đi xem pháo hoa, mặc dù ngõ ngách TP tôi đã thuộc làu, vậy mà cũng thích hỏi người dân ven đường: “Bác ơi, còn bao xa thì đến khán đài pháo hoa?”. Người đàn ông đang ngồi chơi cùng bạn bè vui vẻ ra tận lề đường, ân cần bảo: “Em cứ đi thẳng khoảng 300m là tới”. Chợt nhớ đến câu thơ của một người xa xứ trở về quê hương: “Em gái nơi đây là chốn nào/ Mỹ Tho, ừ nhỉ dễ nghe sao/ Biết rồi vẫn hỏi thương là thế”...

Trong đêm pháo hoa, chịu khó quan sát cũng thấy thêm nhiều điều thú vị. Chương trình ca nhạc hoành tráng với nhiều nghệ sĩ, diễn viên lặng lẽ làm việc để làm tròn bổn phận tạo ra đêm diễn rực rỡ sắc màu. Rồi lực lượng bảo vệ đứng quay mặt về phía khán giả, mặc cho tiếng hò reo thưởng ngoạn pháo hoa; CA, quân đội, BVDP nối tay thành hành lang bảo vệ tại khu vực khán đài, ở ngã ba ngã tư để phân luồng giao thông hay bảo vệ ANTT tại những kiệt, hẻm khuất vắng. Cán bộ, nhân viên các Cty Điện lực, VSMT...,  tất cả đều căng sức, hy sinh niềm vui đời thường để phục vụ cho đêm pháo hoa thành công. Tôi hình dung họ là bông hoa nhỏ với vẻ đẹp bình dị, vô tư, hòa lẫn trong rừng hoa muôn sắc màu. Mỗi người cần mẫn làm một việc mà không cần biết ai nghĩ gì, có ai quan tâm họ không, và tôi chợt nghĩ bữa đại tiệc pháo hoa liệu có thành công mỹ mãn như vậy hay không nếu không có họ?

Đà Nẵng dịp pháo hoa 30-4 năm nay trời quang, mây tạnh, tạo cho mỗi người sự bình yên đến lạ. Trong cảm giác ấy, mỗi người thêm hiểu về giá trị của tình yêu thương và mong muốn được góp sức tạo dựng, bồi đắp cho Đà Nẵng một hình ảnh, một điểm đến tràn ngập niềm vui. Nơi đó, mỗi người có thể tự hào rằng mình đã có phần đóng góp, có thể lớn lao như khát vọng, như quyết sách, như niềm mong mỏi giữ gìn sự đồng thuận để phát triển; để đấu tranh ngăn ngừa cái ác, cái xấu; hay chỉ bình dị như sự niềm nở tận tình với du khách để họ còn lưu luyến quay trở lại TP biển xinh đẹp này mỗi khi có dịp...

Nguyễn Đức Nam