Tản mạn về sư tử đá

Thứ tư, 20/08/2014 07:53

(Cadn.com.vn) - Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, du khách đến Đà Nẵng tham quan, khi tìm mua các sản phẩm lưu niệm tại địa phương, thường nói đùa: “Đà Nẵng đi đâu cũng gặp sư tử đá! Sao không thấy có gì khác hơn, ngoài sư tử đá?”. Thật ra, nói như vậy cũng không oan. Bởi Đà Nẵng là nơi có làng nghề đá Non Nước truyền thống nổi tiếng. Sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước ngày nay được ưa chuộng và đã có mặt nhiều nơi, xuất khẩu sang cả các thị trường các nước... Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn: bên cạnh những tượng vũ nữ Chăm, Phật Thích ca, Phật Di Lặc..., con sư tử đá ngày một cách điệu xa rời bản sắc văn hóa Việt, đang dần lấn át và gần như trở thành một biểu tượng mỹ nghệ của thành phố bên bờ sông Hàn.

Sư tử đá mang dáng dấp mỹ nghệ Trung Hoa chiếm lĩnh không gian dọc bờ sông Hàn.

TỪ SẢN PHẨM SƯ TỬ ĐÁ NON NƯỚC...

Dạo quanh một vòng các cơ sở sản xuất ở Làng đá mỹ nghệ Non Nước, chúng tôi nhận thấy, những con sư tử đá với nhiều kích cỡ đang là một mặt hàng chiếm vị trí quan trọng nhất. Đáng chú ý là phần lớn hình dạng những con sư tử bây giờ khá khác biệt với con sư tử của những thập kỷ trước, mà mang mô típ con sư tử của Trung Hoa.

Bày tỏ sự băn khoăn này với một nghệ nhân, chúng tôi được trả lời: “Ở đây chúng tôi làm theo yêu cầu khách hàng. Tức là thực hiện theo mẫu mã của khách hàng đưa đến, hoặc làm sẵn để bày bán thì cũng chọn những mẫu mã hút hàng nhất. Thời ông cha chúng tôi, thường thấy người ta chuộng tượng sư tử kiểu Châu Âu. Khoảng mười mấy năm nay, người ta chuộng mẫu sư tử này. Đầu tiên, là theo yêu cầu của khách hàng Đài Loan, Trung Quốc... Về sau, thấy khách trong nước cũng ưa chuộng, nhất là các chùa chiền, công sở, khách sạn, nhà hàng... Vì nhiều người cho rằng, có sư tử đá án ngữ sẽ bảo vệ gia chủ, sư tử đá giúp phát tài phát lộc...”.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi, hiện nay, ngành văn hóa đang khuyến cáo những con sư tử đá, cũng như những sản phẩm mỹ nghệ tương tự mang dáng dấp ngoại lai, đang tràn ngập các chùa chiền, các khu di sản, nơi công cộng... phá hủy bản sắc văn hóa dân tộc, thì những người sản xuất ra nó có suy nghĩ thế nào? Hầu hết những nghệ nhân ở Non Nước đều tỏ ra ngạc nhiên cho biết, ở Đà Nẵng, chưa nghe ai nói chuyện này, thậm chí sản phẩm của làng nghề Non Nước (trong đó có sư tử đá) rất được thành phố tôn vinh, xem là niềm tự hào của địa phương, thường được các đơn vị, ban ngành Nhà nước đặt mua tặng cho các đối tác.

...ĐẾN SƯ TỬ ĐÁ  BÊN BỜ SÔNG HÀN

    Ngay ở trung tâm TP Đà Nẵng, rải rác dọc các đường Yên Báy,  Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh, Trần Phú, Bạch Đằng... hàng loạt cơ quan, xí nghiệp phô bày cặp sư tử đá đứng chầu trước cổng. Ở các chùa chiền, nhất là các chùa mới xây, hoặc mới được tôn tạo cũng đều đặt sư tử đá chầu theo kiểu dáng mới. Dọc theo hành lang bờ sông Hàn đường Bạch Đằng, từ nhiều năm nay đã trở thành công viên tượng đá mỹ nghệ Non Nước (dù không chính thức đặt tên). Bên cạnh nhiều loại tượng đá mỹ nghệ, cứ vài chục mét lại có một cổng chào bằng một cặp sư tử đá khổng lồ kiểu Trung Hoa. Những con sư tử này đã trở thành quen mắt, đến mức người ta dễ lầm tưởng đây chính là biểu tượng chào mời du khách của thành phố bên sông Hàn.

Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Đà Nẵng cho biết: “Nhiều năm trước, khi thành phố triển khai trưng bày các sản phẩm mỹ nghệ Non Nước dọc theo bờ sông Hàn, phần lớn ai cũng nghĩ, việc đó chỉ diễn ra vài ngày lễ tết rồi thôi. Thế nhưng nó không những kéo dài năm này qua năm khác, mà mức độ quy mô ngày càng dày đặc hơn. Tại nhiều cuộc họp, những người làm công tác văn hóa đã không ngớt nêu ý kiến, cho rằng đa phần các tác phẩm mỹ nghệ trưng bày tại vườn tượng Bạch Đằng lại là phiên bản của các tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng thế giới, như vậy là chúng ta vi phạm công ước Berne về bản quyền... Riêng về con sư tử đá, rõ ràng nó chẳng có trong bản sắc văn hóa Việt. Tuy nhiên, bao nhiêu lần phản ảnh, ngành văn hóa thành phố cũng chỉ ghi nhận, rồi để đấy...”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện khảo cổ học,  sư tử đá bắt nguồn từ các nước Tây Á cống nạp sư tử cho các triều đình phong kiến Trung Quốc. Từ đó, Trung Quốc du nhập sư tử đá vào lãnh thổ và biến nó thành linh vật để canh mộ (duy nhất đôi sư tử đá trước điện Thái Hòa là biểu tượng cho quyền uy của các vua chúa Minh–Thanh). Đặc điểm chung của sư tử đá canh mộ của Trung Quốc có nét mặt dữ dằn, gân guốc. Trong khi sư tử đá ở Việt Nam xuất hiện từ thời Lý, là một linh vật biểu trưng cho sức mạnh Phật giáo. Sư tử đá của Việt Nam có tạo hình rất nuột nà, mềm mại, trang trí cực kỳ tinh mỹ, mang nhiều nét dân gian, có phần gần giống hổ hoặc lân, là những con sư tử dạng cách điệu.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng khẳng định, trong văn hóa truyền thống của mình, người Việt không có lệ đặt sư tử đá dập khuôn kiểu Trung Quốc trong chùa. Về phía Phật giáo sẽ có ý kiến với các ban chức năng của Giáo hội Phật giáo các tỉnh về hiện tượng này. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nêu rõ: “Chùa chiền ở Việt Nam, ngoài 4 con vật linh là Long, Ly, Quy, Phượng thì không nên xuất hiện những linh vật khác không phù hợp với văn hóa truyền thống”.

Được biết hiện nay, trước thực trạng nhiều địa phương trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật  theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa, công sở cơ quan, đơn vị gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên vừa ký Văn bản số 2662/BVHTTDL-MTNATL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết,  Ủy ban sẽ có văn bản kiến nghị với các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra và khuyến nghị những cơ sở, đơn vị thờ tự hay chùa chiền... có đặt những con sư tử đá ấy thì nên bỏ, thay vào đó là những linh vật Việt Nam. Bên cạnh đó, các địa phương cần có kế hoạch quảng bá để các nghệ nhân, những người đang trực tiếp sản xuất những sản phẩm sư tử đá ngoại lai hiểu và phân biệt được đâu là sư tử đá Trung Quốc linh vật canh mộ và đâu là sư tử đá Việt Nam biểu trưng cho sức mạnh Phật giáo.

Trần Trung Sáng