Tân Thủ tướng Tsipras - ánh sáng cho Hy Lạp?

Thứ bảy, 07/02/2015 10:24

(Cadn.com.vn) - Alexis Tsipras, lãnh đạo đảng Liên minh cánh tả Syriza, tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng thứ 186 của Hy Lạp hôm 26-1, trở thành người đứng đầu chính phủ liên minh sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử bước ngoặt trước đó. Thủ tướng trẻ nhất Hy Lạp là người hứa hẹn sẽ mang lại thay đổi cần thiết và hy vọng cho cuộc khủng hoảng Hy Lạp.

Tham gia chính trị rất sớm

Tân Thủ tướng Tsipras sinh năm 1974 - 5 ngày sau sự sụp đổ của chính quyền quân sự 7 năm ở Hy Lạp. Ông xuất thân từ gia đình khá giả. Cha ông, Pavlos Tsipras là nhà thầu các công trình công cộng lớn, ngay cả trong thời kỳ quân đội cai trị.

Ông Tsipras lớn lên trong khu phố Ampelokipi, sân nhà của đội bóng yêu thích Panathinaikos. Giống như nhiều thanh niên Hy Lạp thời kỳ đó, tình hình chính trị sớm ảnh hưởng đến ông Tsipras, từ những năm niên thiếu. Ông trở thành thành viên tích cực của đảng Thanh niên Cộng sản Hy Lạp (KNE).

Tại trường trung học, ông là lãnh đạo các phong trào phản đối cải cách giáo dục giai đoạn 1990-1991. Ở đó, ông gặp Peristera Betty Baziana, người sau này trở thành vợ của ông. Sau khi học trung học, ông vào học trường Đại học Kỹ thuật Quốc gia Athens, ngành xây dựng dân dụng. Một lần nữa, chính trị lại ảnh hưởng đến ông, và ông trở thành thành viên tích cực của hội sinh viên cánh tả. Sau đó, ông gia nhập đảng Synaspismos.

Ở đó, ông giữ chức thư ký chính trị của thanh niên và là thành viên  của Ủy ban trung ương. Năm 1999, ông được bầu làm Bí thư đảng Thanh niên Synaspismos, và giữ nguyên vị trí này cho đến Hội nghị lần III vào tháng 3-2003. Đầu năm 2008, ông Alavanos thôi giữ chức lãnh đạo đảng Synaspismos, lúc đó được đổi tên thành Syriza, và ông Tsipras lên kế nhiệm. Giờ đây, ông giành mọi tâm huyết cho đảng và nền chính trị quốc gia.

Ông Alexis Tsipras mừng chiến thắng.  Ảnh: Greekreporter.

Người mang nhiều hy vọng

Năm 2008 cũng là thời điểm Hy Lạp rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị và khủng hoảng kinh tế.

Trong suốt cuộc bạo động của thanh niên vào tháng 12-2008, sau khi cảnh sát bắn một học sinh ở Athens dẫn đến 3 tuần bạo động, Syriza tích cực đấu tranh huy động đường phố. Mặc dù nhiều người trẻ bắt đầu xác định đi theo đảng, sự ủng hộ của cử tri vẫn còn thấp: trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2009, Syriza chỉ giành được 4,6% số phiếu của cử tri. Nhưng điều này thay đổi khi chính phủ của ông George Papandreou vào đầu năm 2010 thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt để đổi lấy các gói cứu trợ tài chính.

Một bộ phận lớn của cử tri từ đảng Xã hội Hy Lạp (Pasok) và nhiều nghị sĩ chuyển sang ủng hộ Syriza, đảng chủ trương phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Sau 5 năm trải qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt, cắt giảm lương và lương hưu, con số thất nghiệp rất lớn, người dân Hy Lạp chọn ông Tsipras với hy vọng thoát khỏi tình trạng hiện tại.

Tuy nhiên, những cam kết của ông Tsipras cũng xuất hiện nhiều mâu thuẫn, có khả năng trong tương lai, ông sẽ phải chịu trách nhiệm những cam kết như vậy. Chẳng hạn như, ông tuyên bố, Hy Lạp sẽ ở lại trong khu vực đồng EUR, nhưng đồng thời ông nói ông sẽ phản đối Thủ tướng Đức Angela Merkel và EU về các chương trình cứu trợ tài chính. Ông tuyên bố rằng ông sẽ cắt giảm thuế nhưng đồng thời ông sẽ đánh thuế người giàu cao hơn.

Trong vài tháng tới sẽ chứng minh nhà lãnh đạo mới của Hy Lạp có đưa đất nước thoát khỏi suy thoái và mang ánh sáng mặt trời trở lại với cuộc sống của người dân Hy Lạp, như ông hứa trong bài phát biểu chiến thắng của mình hay không.

An Bình
(Theo Greekreporter)