Tăng cường bảo vệ "thương hiệu" sâm Ngọc Linh
(Cadn.com.vn) - Sự quý hiếm của sâm Ngọc Linh một lần nữa được tái chứng minh trong buổi gặp mặt đồng hương Quảng Nam tại TPHCM đầu tháng 3 vừa qua, khi củ sâm Ngọc Linh chỉ nặng 1,5gam nhưng được mua qua đấu giá với 350 triệu đồng... Giá trị mà loại sâm này mang trên mình khiến nhiều người phải chú ý, trong đó có cả những kẻ có dụng tâm. Vậy nên, việc ngăn chặn những vụ việc đối tượng xấu đột nhập vào "thủ phủ" sâm Ngọc Linh (thôn 2, xã Trà Linh, H. Nam Trà My, Quảng Nam) nhổ trộm hàng chục ký sâm Ngọc Linh... đặt ra cho người dân và cơ quan chức năng thách thức trong việc vừa phòng chống trộm vừa bảo vệ "thương hiệu" của loại sâm quý hiếm này.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh ký xác nhận sản phẩm củ sâm Ngọc Linh |
Đặt chông, cài máy báo động chống trộm sâm
Trò chuyện với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Hồ Văn Thể - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho biết, từ năm 2014 đến nay trên địa bàn xã xảy ra 8 vụ trộm sâm Ngọc Linh, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Những đối tượng thực hiện ra các vụ trộm hầu hết đều được CAH vào cuộc điều tra, bắt giữ xử lý. "Để ngăn chặn tình trạng mất trộm sâm, người dân Xê Đăng có những cách làm riêng của mình. Bên cạnh việc rào lưới thép, họ còn áp dụng phương pháp truyền thống cắm bẫy chông quanh vườn sâm. Đây là loại vũ khí được cha ông sử dụng trong chiến tranh nay áp dụng để bảo vệ những vườn sâm có giá trị tiền tỷ. Thế nhưng nhiều đối tượng vẫn bất chấp nguy hiểm để lẻn vào nhổ trộm", ông Thể bộc bạch.
Mới đầu tháng 3 vừa qua, người dân nóc Tăk Ngo (thôn 2, xã Trà Linh) phát hiện vườn sâm bị kẻ gian đào bới, trộm đi gần 500 gốc sâm có trọng lượng hơn 10kg, thiệt hại ước tính trên 300 triệu đồng. Sau khi nhận tin báo, CAH đã triển khai lực lượng khám nghiệm hiện trường, vào cuộc khoanh vùng, rà soát các đối tượng nghi vấn. Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, chỉ vài ngày sau đó, CQĐT đã lần lượt bắt giữ 4 đối tượng trộm sâm gồm: Nguyễn Bá Nguyệt (30 tuổi, trú xã Trà Dương, H. Bắc Trà My), Phan Quốc Duân (28 tuổi, trú cùng quê Nguyệt), Lê Trình Ý Đạt (25 tuổi, em vợ của Nguyệt) và Phan Quốc Duyên (30 tuổi, anh ruột của Duân), qua đó thu hồi hơn 4 ký sâm Ngọc Linh.
Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND H. Nam Trà My cho biết, huyện đang tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân cách bảo vệ vườn sâm của mình 24/24 bằng cách lập các chốt canh gác. Những hộ trồng sâm phải phối hợp cùng nhau để phân chia lịch trực, trong đó phải chú ý quan sát cảnh giác với các đối tượng lạ mặt vào rừng và vào những vùng mình trồng sâm Ngọc Linh. Khi phát hiện có dấu hiệu mất trộm sâm là phải báo ngay cho cơ quan chức năng huyện vào cuộc điều tra.
"Để tăng cường khả năng chống trộm cho những vườn sâm giá trị hàng chục tỷ đồng giữa đại ngàn, gần đây nhiều hộ dân còn đầu tư cả máy chống trộm. Mỗi khi có người xuất hiện hoặc thú rừng đi qua thì hệ thống máy báo trộm phát ra tín hiệu cảnh báo nên chủ vườn sâm dễ dàng nhận biết có kẻ đột nhập"- ông Bửu cho biết thêm.
|
Ngoài việc rào lưới B40, các hộ dân trồng sâm còn lắp đặt cả máy chống trộm. |
Xử lý nghiêm những kẻ buôn sâm giả
Theo tìm hiểu của P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, hiện tại do "cầu vượt cung" nên sâm Ngọc Linh rất khan hiếm và có giá rất cao. Tại "thủ phủ" sâm Ngọc Linh H. Nam Trà My, giá sâm loại 10 củ/1 kg trên 70 triệu đồng; loại 20 củ/1 kg giá trên 60 triệu đồng; loại 30 củ/1 kg giá trên 50 triệu đồng và loại 1 kg 40 củ giá trên 40 triệu đồng. Đặc biệt, trong buổi gặp mặt đồng hương Quảng Nam tại TPHCM đầu tháng 3 vừa qua có sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, H. Nam Trà My đã gửi tặng Hội đồng hương tỉnh Quảng Nam củ sâm Ngọc Linh 25 năm tuổi, nặng 1,5gam để tổ chức đấu giá, tạo ngân sách trao học bổng cho sinh viên khó khăn xa quê và xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách tại Quảng Nam. Kết quả buổi đấu giá, một doanh nhân nguyên quán H. Thăng Bình (Quảng Nam) đã đấu giá thành công củ sâm với mức 350 triệu đồng.
Giá sâm cao như vậy, thế nhưng trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều nơi rao bán sâm Ngọc Linh với giá chỉ từ 20 đến 30 triệu đồng/1 kg. Theo ông Hồ Quang Bửu, đó là điều không thể, bởi hầu hết những "củ sâm Ngọc Linh" đó là củ tam thất hoang. Hiện tại, các đơn vị trồng sâm trên địa bàn Nam Trà My chưa xuất bán trên thị trường vì chỉ mới trồng vài năm gần đây. Nguồn sâm chủ yếu đang bảo tồn, nhân giống và phát triển thêm diện tích. Nguồn sâm thỉnh thoảng có trên thị trường là do người dân bản địa lâu lâu cần tiền nên nhổ vài lạng đem bán, còn nguồn sâm Ngọc Linh tự nhiên gần như đã cạn kiệt... "Sâm Ngọc Linh là một trong 5 loại sâm quý nhất thế giới, do vậy việc sâm giả trà trộn vào thị trường là điều khó tránh. Hệ quả của việc trên không những ảnh hưởng đến thương hiệu sâm quốc gia Ngọc Linh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do vậy chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng buôn bán sâm Ngọc Linh giả trên"- ông Bửu nhấn mạnh.
Trần Tân