Tăng cường các giải pháp đấu tranh với tội phạm mua bán người
(Cadn.com.vn) - Sáng 7-3, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Báo cáo của BCĐ 138 Chính phủ tại Hội nghị cho thấy, trong năm 2016 toàn quốc đã xảy ra 383 vụ mua bán người với 523 đối tượng, 1.128 nạn nhân. Số vụ việc này giảm 6% so với năm 2015 nhưng lại tăng 12,8% số lượng nạn nhân, điều này gây ra sự bất an rất lớn đối với người dân cả nước. Thủ đoạn của các đối tượng mua bán người là lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc ít người để lừa phụ nữ bán qua khu vực biên giới ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Một số đối tượng tổ chức xem mặt chọn vợ, kết hôn giả tại các tỉnh phía Nam rồi đưa ra nước ngoài bán làm vợ, đẻ thuê hoặc bán cho nhà hàng ép hoạt động mại dâm. Ngoài phụ nữ Việt Nam, trong năm qua, các lực lượng chức năng của Việt Nam cũng phát hiện một số phụ nữ, trẻ em người Campuchia bị lừa đưa qua Việt Nam để bán sang Trung Quốc.
Không chỉ có tình trạng mua bán phụ nữ, tình trạng mua bán trẻ em (trong đó có học sinh, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú) cũng diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường rồi thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook... tiếp cận, rủ rê, lôi kéo các em đi du lịch, mua quà tặng, làm thuê thu nhập cao rồi đưa các em gái về thành phố bán cho các nhà hàng, quán karaoke hoặc masage ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven các tuyến quốc lộ để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động... Để xử lý vấn đề này, nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như các ban, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, từ đó góp phần hạn chế các vụ việc xảy ra. Tuy nhiên vì lợi nhuận, các đối tượng vẫn lén lút thực hiện bằng nhiều thủ đoạn, phương thức tinh vi hơn. Trong năm 2016, lực lượng chức năng đã điều tra khám phá 234 vụ, bắt 308 đối tượng. Riêng trong 3 tháng thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người, lực lượng công an, biên phòng đã điều tra, khám phá 70 vụ, bắt 133 đối tượng, giải cứu được 138 nạn nhân...
Về tình hình tội phạm, năm 2016, toàn quốc xảy ra 54.511 vụ phạm pháp hình sự (giảm 4,4% so với năm 2015). Nổi lên là hoạt động của tội phạm có tổ chức, các hoạt động bảo kê, cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê.Trong đó, lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã điều tra, khám phá 42.558 vụ phạm pháp hình sự, bắt hơn 80.000 đối tượng. Các tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm, công nghệ cao, môi trường... vẫn diễn biến phức tạp.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình biểu dương kết quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống mua bán người của các Bộ, ngành trong năm qua, đồng thời nhấn mạnh các nhiệm vụ trong năm 2017 cũng như chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với các Ban, ngành khác tăng cường các giải pháp đấu tranh với tội phạm mua bán người, các loại tội phạm khác trong thời gian tới.
Đặc biệt, các ngành chức năng phải nghiêm chỉnh tổ chức thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác xử lý người nghiện ma túy trong buổi làm việc cuối tháng 2-2017. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, phát triển thêm các loại thuộc cai nghiện để hỗ trợ, giúp người nghiện cắt cơn. Đồng thời chỉ đạo TAND Tối cao sớm xem xét, thành lập Tòa ma túy để xử lý những đối tượng ma túy, ngáo đá...
Nguyễn Tuấn - Hồ Sen