Tăng cường các giải pháp đủ mạnh để xử lý các hành vi vi phạm giao thông

Thứ sáu, 06/07/2018 13:10

Đây là chỉ đạo của ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia tại hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả TTATGT 6 tháng đầu năm 2018. Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó giám đốc CATP chủ trì hội nghị tại đầu cầu Đà Nẵng.

Lực lượng CSGT CATP Đà Nẵng kiểm tra và xử lý xe quá tải.

Mức giảm TNGT chưa đạt yêu cầu

Theo báo cáo của UBATGT quốc gia, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể trong việc thực hiện các giải pháp cấp bách, tình hình TTATGT cơ bản được thiết lập lại trật tự, có nhiều chuyển biến tốt, TNGT tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí, trong đó giảm 6,19% số vụ; 0,7% số người chết và 11,44% số người bị thương (cả nước xảy ra 8.999 vụ tai nạn, làm chết 4.103 người, bị thương 7.027 người). Trên địa bàn cả nước, có 35 địa phương số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ 2017, trong đó 9 địa phương giảm 20% số người chết. Tuy nhiên, vẫn có 26 địa phương có số người chết vì TNGT gia tăng so với cùng kì. Qua phân tích, phần lớn các vụ tai nạn xảy ra từ khoảng 12 giờ – 24 giờ, chủ yếu trên các tuyến quốc lộ và do xe máy gây ra.

Đạt được những kết quả trên, theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGT phải kể đến sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các Bộ ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền mỗi địa phương; thực hiện giải pháp đưa vào khai thác các công trình kết cấu giao thông trọng điểm; công tác xử lý vi phạm được tăng cường, trong đó có sự tăng cường của những lực lượng khác như  CSTT, cơ động, CAX, phường.

Lực lượng CSGT CATP Đà Nẵng kiểm tra và xử lý xe quá tải.

TNGT có giảm, nhưng theo ông Hùng vẫn còn diễn biến phức tạp, mức giảm TNGT chưa đạt yêu cầu, mục tiêu UBATGTQG đặt ra, cụ thể số người chết do TNGT chỉ giảm 0.75%. Trong khi đó, trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải vẫn xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về nguời và tài sản, đặc biệt TNGT đường sắt xảy ra tới 62 vụ, làm chết 53 người, bị thương 28 người, nhất là các vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trong những ngày cuối tháng 5, gây bức xúc trong dư luận.

Hiện nay, vẫn còn 4.200 lối đi tự mở bất hợp pháp, không có gác chắn. Tình hình xe ô-tô kinh doanh hợp đồng sai quy định, “xe dù, bến cóc” có xu hướng tăng mạnh tại nhiều địa phương; tỷ lệ xe quá tải vẫn còn 10-12%, tiếp tục là nguyên nhân gây tai nạn và hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông. Hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tai nạn với hơn 60% nạn nhân bị tai nạn khi vào cấp cứu có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn.

Đà Nẵng triển khai mạnh các giải pháp đảm bảo TTATGT

Báo cáo với hội nghị tại đầu cầu Đà Nẵng, Đại tá Nguyễn Văn Chính cho biết, thời gian qua các ngành, các cấp của TP đã triển khai mạnh các giải pháp đảm bảo TTATGT, nhất là xử lý vi phạm theo chuyên đề như xử lý xe quá tải, xử phạt nguội qua camera, đậu đỗ xe theo ngày chẵn lẻ, nồng độ cồn, đi không đúng phần đường, làn đường… Nhờ đó, TTATGT có nhiều chuyển biến. Đặc biệt, công tác đảm bảo TTATGT cho các lễ hội, sự kiện lớn như lễ hội pháo hoa, Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 diễn ra an toàn, được bạn bè quốc tế và du khách khen ngợi. Đà Nẵng cũng đã thực hiện cấm xe sơ-mi rơ-moóc và xe kéo rơ-moóc lưu thông từ 16 giờ 30 đến 18 giờ 30; tổ chức ký cam kết đối với lái xe của hàng trăm doanh nghiệp không chở hàng quá tải, vận động cắt giảm chiều cao thành thùng 112 xe ô-tô tự đổ; khảo sát và kịp thời khắc phục 43 khu vực, vị trí tiềm ẩn gây TNGT.

Tuy nhiên, TNGT xảy ra trên địa bàn dù giảm về số vụ, người bị thương, song số người chết lại tăng 1 người (xảy ra 42 vụ, làm chết 29 người, bị thương 32 người). Nguyên nhân dẫn đến TNGT giảm chưa ổn định, theo Đại tá Nguyễn Văn Chính là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn hạn chế, chủ quan. Tình trạng vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường còn xảy ra, nhất là khi không có lực lượng chức năng, vì vậy Ban ATGT TP sẽ chỉ đạo các ngành chức năng xử lý quyết liệt hơn trong những tháng cuối năm.

* Cùng ngày, tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo TTATGT 6 tháng đầu năm, Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng CSGT đã khen thưởng cho 3 CBCS có hành động đẹp trong lúc làm nhiệm vụ, gồm: Trung úy Nguyễn Hữu Nhật Nam (cán bộ đội Tuần tra dẫn đoàn); chiến sĩ Mai Phước Thiện (học viên Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân V) và Đại úy Nguyễn Phan Ngọc Tiến (Trạm Cảnh sát giao thông cửa ô Hòa Phước). Theo Đại tá Ngọc, trong tháng 2 và 6-2018, 3 CBCS này trong lúc làm nhiệm vụ bảo đảm ATGT trên địa bàn đã nhặt được tài sản đánh rơi gồm điện thoại di động, ví da, túi xách (bên trong có nhiều tài sản) của du khách trong và ngoài nước nên tìm mọi cách liên lạc để trao trả lại cho người bị mất. Hành động đẹp đó đã được nhân dân và du khách trong và ngoài nước cảm kích, khen ngợi.

Đại tá Lê Ngọc khen thưởng các cá nhân.

Đề xuất tăng mức xử phạt đối với người vi phạm

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan, ban, ngành trực tiếp tham gia tuyên truyền, xử lý vi phạm giao thông để đạt được kết quả giảm cả 3 tiêu chí về TNGT trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương để xảy ra những vụ TNGT nghiêm trọng, TNGT tăng cả 3 tiêu chí và tai nạn giao thông đường sắt liên tục xảy ra, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ngành phải mổ xẻ tìm ra nguyên nhân và có giải pháp mới, nhất là việc chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các cấp ngành, địa phương.

Theo Phó Thủ tướng, năm 2018 ủy ban ATGTQG đã đặt ra quy chế để xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, nên phải kiểm tra và xử lý nghiêm đối với sự buông lỏng trong quản lý, cơ chế xin cho, bao che, bao biện cho các hành vi vi phạm. Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành, các địa phương, cả hệ thống chính trị đều phải vào cuộc với tinh thần quyết liệt, cầu thị nhất trong nhiệm vụ đảm bảo TTATGT, phấn đấu đạt mục tiêu giảm 5-10% TNGT trên cả 3 tiêu chí trong năm 2018.

Bên cạnh công tác quản lý nhà nước, đầu tư xóa các điểm đen nhiều nguy cơ gây TNGT, nhiệm vụ TTKS, xử lý vi phạm phải được tăng cường các giải pháp đủ mạnh để xử lý  các hành vi vi phạm luật, nhất là những đơn vị kinh doanh vận tải, tài xế vì chạy theo lợi nhuận, xem nhẹ tính mạng con người. Trong quá trình xử lý, cần nghiên cứu xây dựng các thể chế để xử lý các hành vi vi phạm giao thông như các lỗi là nguyên nhân gây TNGT, hành vi chống người thi hành công vụ, nếu lỗi nặng cứ theo luật khởi tố theo quy định của pháp luật. “Tôi yêu cầu các địa phương phải tăng cường trách nhiệm, đóng góp ý kiến, giải pháp để đảm bảo TTATGT thời gian tới. Về Luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thời gian qua, dường như chưa đủ mức răn đe, vì vậy, tôi đề nghị Bộ Tư pháp cần xem xét đề xuất, sửa đổi từ đó tăng mức xử phạt đối với người vi phạm, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

CÔNG HẠNH