Tăng cường công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động

Thứ ba, 30/06/2020 18:00

Thời gian qua, trên địa bàn Đà Nẵng liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) dẫn đến chết người được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong đó, phải nhắc đến 2 vụ TNLĐ xảy ra gần đây nhất vào ngày 24-5, khiến anh H.T.D (39 tuổi, trú TT- Huế) tử vong do bị rơi từ công trình nhà cao tầng và vụ TNLĐ ngày 12-6 khiến ông N.H.S (1973, trú P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) tử vong do bị rơi giàn giáo tại công trình xây dựng. Có thể nói, sau những ngày giãn cách xã hội, khi mọi hoạt động trở lại bình thường thì vấn đề an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trở thành tâm điểm của dư luận khi những vụ tai nạn chết người có chiều hướng tăng đột biến.

Công nhân thi công tại tầng 32 khu tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp duyên hải Miền Trung được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ nhằm đảm bảo an toàn.

Ghi tại các công trình xây dựng

Theo ghi nhận tại một số công trình xây dựng cao tầng trên địa bàn Q. Sơn Trà, Q. Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) trong những ngày gần đây có thể thấy rằng hoạt động xây dựng diễn ra nhưng với mức độ, quy mô không rầm rộ bằng những năm trước. Lượng công nhân trên các công trường có phần thưa thớt và được nhiều người nhận định có thể là do đại dịch Covid-19 chưa kết thúc. Có mặt tại một công trình xây dựng khu tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp duyên hải miền Trung nằm trên đường Võ Nguyên Giáp (P. Phước Mỹ, Q. Sơn Trà) vào sáng 26-6, khi phóng viên đến liên hệ công việc, ngay từ khâu vào cổng đã được bảo vệ hướng dẫn nội quy công trường cũng như trang bị mũ bảo hộ. Qua quan sát ban đầu, các công nhân có mặt trên công trường đều được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ như nón bảo hộ, áo phản quang, giày chống đinh...

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề ATVSLĐ, phóng viên đã liên hệ với anh Mai Thanh Tân (1985)- Trưởng bộ phận an toàn của Cty TNHH Dịch vụ Du lịch và Thương Mại Minh Đông đang trực tiếp giám sát tại công trình. Anh Tân cho biết, vấn đề ATVSLĐ tại công trường là một trong những việc được ưu tiên tại công trình xây dựng, nhất là đối với các công trình lớn. Trước khi vào làm việc tại công trình, các công nhân phải trải qua các khóa đào tạo bắt buộc về ATVSLĐ, riêng quần áo, giày, mũ bảo hộ là 3 tiêu chí bắt buộc. Tuy nhiên, tùy theo tính chất công việc mà mỗi công nhân làm việc ở độ cao trên 1,8 mét sẽ được trang bị dây an toàn 2 móc. Khi hoàn thành khóa học về ATVSLĐ, các công nhân mới được ra công trường thi công.

Anh Ngô Văn Nghiêm (1973, trú Quảng Bình) công nhân đang làm việc tại đây cho hay: "Sau khi đảm bảo được tất cả các yêu cầu về ATVSLĐ, chúng tôi mới được làm tại đây. Hằng ngày, tư vấn giám sát an toàn vẫn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở. Trước đây, Cty có quy định cho phép hút thuốc tại một khu vực nhất định, nhưng nay thì nghiêm cấm để PCCC. Công nhân cũng quen dần, đồng lòng ủng hộ".

Còn anh Nguyễn Hà Đông- tư vấn giám sát an toàn thuộc Cty TNHH APAVE Châu Á- Thái Bình Dương chia sẻ, đối với mỗi công trình, vấn đề ATVSLĐ phải đặt lên hàng đầu, đội ngũ tư vấn, giám sát phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở công nhân của mình về vấn đề ATLĐ, VSMT, PCCC... để đảm bảo tuyệt đối tính mạng, tài sản.

Trong khi đó, việc quản lý, giám sát thi công tại một số công trình xây dựng vừa và nhỏ trong khu dân cư trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Đa phần các hộ dân sinh chọn các nhà thầu xây dựng ít kinh nghiệm, nhân lực không được đào tạo ATVSLĐ, thiếu thiết bị bảo hộ, không đảm bảo VSMT vẫn thường xuyên diễn ra. Theo anh Hồ Hoàng Vũ (trú P. Hòa Khánh Nam) là chủ thầu nhiều công trình nhà ở dân dụng chia sẻ, đã nhiều lần trang bị bảo hộ lao động cho công nhân, nhưng công nhân thường chỉ mặc vài hôm đầu rồi lấy lý do vướng víu không mặc nữa. Bên cạnh đó, việc đầu tư bảo hộ lao động rất tốn kém nên các chủ thầu cũng không mặn mà, thường chỉ sắm một lần lúc ban đầu.

Điển hình tại một số công trình xây dựng dân sinh nằm trên đường Tôn Đức Thắng, Nam Cao (Q. Liên Chiểu) và một số quận, huyện khác gần như không được che chắn cẩn thận, các công nhân không được trang bị đồ bảo hộ nên dễ dẫn đến TNLĐ đáng tiếc và đây cũng chỉ là một trong hàng vạn công trình xây dựng tại các KDC trên toàn TP.

Tư vấn giám sát công trình thường xuyên nhắc nhở công nhân đảm bảo ATLĐ.

Tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát

Theo ông Phan Thanh Thúy- Phó chủ tịch UBND P. Phước Mỹ (Q. Sơn Trà), đặc thù của địa phương là địa bàn có nhiều công trình xây dựng dày đặc, chính vì thế UBND P. Phước Mỹ thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh việc tuyên truyền ATVSLĐ; phối hợp với Phòng LĐ- TB&XH tiến hành kiểm tra các công trình xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng dân sinh nằm trong KDC cũng còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Nhường- Phó chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu, các ngành chức năng của quận cũng thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra giám sát nhằm đảm bảo vấn đề ATVSLĐ lại các công trình xây dựng trên địa bàn. Sắp tới, UBND Q. Liên Chiểu sẽ tổ chức hội nghị và mời tất cả các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn cũng như một số ngành liên quan đến tham dự, từ đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đảm bảo ATVSLĐ trong lĩnh vực xây dựng nói chung và các lĩnh vực khác.

Theo Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, Sở thường xuyên thực hiện công tác hướng dẫn, đôn đốc và theo dõi việc thực hiện quy định pháp luật về ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; thực hiện nghiêm các báo cáo ATVSLĐ, báo cáo tai nạn lao động; tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật; thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nguy cơ xảy ra TNLĐ... Trong tháng 5 vừa qua, Sở cũng đã phối hợp với Sở Xây dựng tiến hành thanh tra, kiểm tra 24 công trình xây dựng quy mô lớn trên địa bàn đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở đối với các chủ thầu công trình xây dựng nhằm thực hiện tốt vấn đề ATVSLĐ trên công trường. Trước những diễn biến hết sức phức tạp về vấn đề an toàn lao động, Sở tiếp tục triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra thêm 8 công trình trong tháng 6-2020.

Sở LĐ- TB&XH TP Đà Nẵng nhận định, tình hình TNLĐ trở nên phức tạp ngay sau thời điểm giãn cách xã hội, khi các công trình xây dựng bắt đầu tái khởi động thì số vụ TNLĐ tăng lên đột biến. Tính đến ngày 15-6, trên toàn TP Đà Nẵng đã xảy ra 7 vụ tai nạn chết người (5 vụ tại nạn liên quan đến xây dựng, 2 vụ sản xuất nhỏ). Đồng thời, các vụ TNLĐ chết người thường xảy ra ở các công trình thi công nhỏ, thiếu tính chuyên nghiệp nên dễ dẫn đến rủi ro.

Xuất phát từ thực tế, trong thời gian đến, Sở sẽ tăng cường công tác kiểm tra và rà soát, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động đồng thời tiến hành tổ chức các lớp tập huấn ATVSLĐ, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về ATVSLĐ như: tổ chức treo, gắn băng rôn, phướn, pa-nô, áp phích tuyên truyền tại các đường chính, cụm công nghiệp...

NGUYỄN QUANG

Trong năm 2019 trên địa bàn toàn Đà Nẵng xảy ra 60 vụ TNLĐ làm 6 người chết (giảm 53,8% so với cùng kỳ năm 2018) và 27 người bị thương nặng (tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2018).