Tăng cường công tác phòng ngừa tai nạn đuối nước

Thứ bảy, 27/05/2023 10:56
Chỉ trong thời gian ngắn, Nghệ An đã xảy ra 11 vụ tai nạn đuối nước, làm chết 13 người. Với dự báo thời tiết tiếp tục có nắng nóng kéo dài, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đang tích cực tăng cường công tác phòng ngừa, hạn chế thấp nhất tai nạn đuối nước.
Các đơn vị thuộc Công an tỉnh Nghệ An tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước.
Các đơn vị thuộc Công an tỉnh Nghệ An tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước.

Báo động tình trạng đuối nước

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước, nhất là đuối nước ở trẻ em, làm chết nhiều người. Theo số liệu từ ngày 1-4 đến nay, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra 11 vụ tai nạn đuối nước, làm chết 13 người. Trong đó, chỉ trong 5 ngày (từ 21-5 đến 25-5), toàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ đuối nước khiến 6 em học sinh tử vong. Các vụ đuối nước thương tâm chủ yếu ở độ tuổi học sinh các trường tiểu học, THCS, do thời điểm này các em đã bắt đầu nghỉ hè. Thời tiết nắng nóng, các em đã tìm đến các khu vực sông, suối, ao hồ… để tắm mát, để rồi đã xảy ra tai nạn thương tâm…

Đơn cử gần đây nhất (trưa 25-5), 2 học sinh L.T.B.A. (2012) và L.T.B.T. (2014) cùng trú xã Xá Lượng, huyện Tương Dương ra khu vực sông Nậm Mộ để tắm mát, không may bị nước cuốn trôi, mất tích. Sau khi phát hiện sự việc, người thân cùng chính quyền địa phương đã nỗ lực tìm kiếm nạn nhân. Hiện lực lượng chức năng tìm thấy thi thể em T. và đang tiếp tục tìm kiếm nạn nhân còn lại. Cùng ngày, người thân anh Nguyễn Tất Th. (19 tuổi, trú xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu) bàng hoàng nhận hung tin anh Th. bị đuối nước mất tích trên sông Lam. Thời gian qua, anh Th. xuống huyện Thanh Chương ôn thi đại học. Chiều 25-5, thời tiết nắng nóng oi bức, anh Th. cùng hai người bạn rủ nhau ra sông Lam đoạn qua xóm Tường Dinh, xã Đại Đồng tắm thì không may bị đuối nước và mất tích.

Trước đó (chiều 22-5), hai anh em ruột B.H.N. (2007) và B.H.Đ. (2009), trú tại xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương) là con của anh Bùi Hữu T. (1978), đi cắt cỏ rồi xuống sông tắm cũng không may bị đuối nước, tử vong. Được biết, hoàn cảnh gia đình anh T. đặc biệt khó khăn. Vợ anh T. đi nước ngoài thời gian dài ít liên hệ về nhà, bản thân anh T. đi làm thuê để chăm người mẹ già hơn 80 tuổi và 2 con trai hiện đang học lớp 8 và lớp 10…

Theo báo cáo, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra khoảng 50 vụ đuối nước trẻ em với hơn 30 em bị tử vong; trong đó nhóm 5-16 tuổi chiếm nhiều nhất.

Nhiều giải pháp tăng cường phòng chống đuối nước

Nhằm tăng cường công tác phòng ngừa tai nạn đuối nước và để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, khách du lịch trong mùa hè, mùa mưa bão năm 2023, Công an Nghệ An đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó chú trọng công tác phòng ngừa, hạn chế thấp nhất tai nạn đuối nước.

Cụ thể, Công an các huyện, thành, thị tổ chức rà soát, bổ sung, cập nhật các địa điểm, vị trí nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước như bãi biển, bãi tắm, sông, hồ, khu vực nước sâu, công trình chứa nước…Cùng với đó, tham mưu UBND cấp huyện chỉ đạo gắn trách nhiệm đối với các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong việc triển khai các giải pháp phòng ngừa tai nạn đuối nước trên địa bàn…

Đối với các bến đò chở khách ngang, dọc sông, bến khách du lịch, các điểm du lịch trên sông, biển, khe, hồ… có các hoạt động tập trung đông người, hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước bằng mô tô nước, các nhà hàng nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống, Công an Nghệ An đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, quản lý chặt chẽ hoạt động những nơi này để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tồn tại, sai phạm; đồng thời hướng dẫn, yêu cầu khắc phục ngay theo quy định. Tổ chức rà soát các khu vực, điểm du lịch tập trung đông người để cần phải bố trí lực lượng cảnh giới thường xuyên, nhất là trong thời gian cao điểm tập trung nhiều người dân đến tham quan, du lịch và có các hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước.

Đối với các địa bàn có các khu vực hố nước, hồ, ao khe, sông ngòi, vùng nước sâu nguy hiểm thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, Công an cấp xã tham mưu cấp ủy, chính quyền cấp xã chỉ đạo huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể. Qua đó nghiên cứu, xây dựng các biển cảnh báo nguy hiểm, biển cấm bảo đảm trực quan, sinh động; đồng thời khảo sát, lựa chọn gắn tại các địa điểm dễ thấy, dễ chú ý.

Về công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT.

Để hạn chế tình trạng đuối nước, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cũng đã phối hợp tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện, hướng dẫn kiến thức về cứu nạn, cứu hộ, các kỹ năng cần thiết khác cho lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành, dân phòng và người dân để sẵn sàng tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ khi cần thiết…Bên cạnh đó, các phòng chức năng liên quan và Công an các địa phương đã thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng chống tai nạn đuối nước dưới nhiều hình thức đa dạng…

Về phần mình, Sở GD-ĐT Nghệ An đã ban hành Kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh (HS) trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Phòng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục, của HS, gia đình và cộng đồng về phòng, chống tai nạn thương tích đặc biệt là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông. Xây dựng các thông điệp, tài liệu truyền thông về phòng, chống tai nạn thương tích đuối nước cho trẻ em, nhằm trang bị những hiểu biết, kiến thức, kỹ năng phòng, chống đến các cơ sở giáo dục, cán bộ, giáo viên, phụ huynh, trẻ em và HS… Sở GD-ĐT Nghệ An cũng chỉ đạo các đơn vị, trường học cần phối hợp với Ban đại diện cha mẹ HS tổ chức, hướng dẫn HS tham gia các lớp học bơi phù hợp trong, ngoài nhà trường; đưa tỷ lệ HS phổ thông được học bơi, biết bơi cao hơn những năm trước.

Dương Hóa