Tăng cường đấu tranh với tội phạm làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả
Mới đây, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ triệt phá một đường dây làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả, thu giữ hơn 1,3 tỷ đồng tiền giả. Đây là chiến công xuất sắc của lực lượng Công an TP trong đợt cao điểm ra quân tấn công trấn áp các loại tội phạm, bảo vệ an toàn dịp Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023 nhưng cũng báo hiệu rằng, tình trạng tiền giả diễn biến rất khó lường.
Nhận thức tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ, an ninh trật tự, Công an TP Đà Nẵng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, triệt phá. Từ tin báo của người dân, các trinh sát tiếp cận hai đối tượng sử dụng 10 triệu đồng tiền giả mua điện thoại Iphone. Bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, cơ quan An ninh điều tra Công an TP Đà Nẵng xác định và bắt giữa Đoàn Văn Dương (33 tuổi) và Hồ Văn Tiện (32 tuổi, cùng trú tỉnh Quảng Nam). Đấu tranh mở rộng, Dương và Tiện khai nhận đã mua tiền giả từ một đối tượng tại TPHCM. "Chúng tôi lập tức lên đường vào Nam, không để đường dây này bị đánh động. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phương thức hoạt động của các đối tượng hết sức tinh vi, xảo quyệt, manh động liên quan đến nhiều tỉnh thành. Trong quá trình điều tra, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn chủ yếu ở TPHCM. Tuy nhiên, các thành viên tham gia phá án đều quyết tâm phải đưa các đối tượng ra ánh sáng", Thượng tá Đỗ Hùng Cường- Trưởng phòng An ninh điều tra Công an TP Đà Nẵng nói.
Những nỗ lực của lực lượng Công an đã được đền đáp. Nguyễn Như Phú (51 tuổi) và Nguyễn Thị Cẩm Duyên (34 tuổi, cùng trú huyện Bình Chánh, TPHCM) bị bắt khẩn cấp. Khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng, lực lượng phá án thu giữ toàn bộ máy móc, phương tiện dùng để in và 1,3 tỷ đồng tiền giả, loại mệnh giá 500 nghìn đồng, 3 gói ni lông chứa tinh thể màu trắng nghi là ma túy cùng 3 cây súng ngắn tự chế, đạn và lựu đạn. Ngay trong đêm, các đối tượng này đã được di lý về Đà Nẵng để phục vụ cho công tác điều tra.
Theo Thượng tá Đỗ Hùng Cường, đối tượng phạm tội làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả thường là những nam thanh niên có độ tuổi từ 20- 40 tuổi, là lao động tự do hoặc không có nghề nghiệp ổn định, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Loại tiền giả mà các đối tượng mang đi tiêu thụ thường là tờ tiền mệnh giá 500.000đ được mua thông qua mạng Internet hoặc do đối tượng tự in ấn. Do tiền giả được in ấn bằng nhiều cách khác nhau nên có những đặc điểm khác với tiền thật mà bằng mắt thường có thể nhận biết được như: Các tờ tiền có cùng số sê ri, màu sắc nhạt hơn và mỏng hơn so với tiền thật; hoa văn trơn tuột và không có độ ma sát như tiền thật; không có hình bóng chìm, không có nét in nổi…
Thời gian đến, để giúp người dân nắm được những dấu hiệu cơ bản phân biệt tiền thật, tiền giả và cách xử lý khi phát hiện tội phạm tiền giả, Thượng tá Đỗ Hùng Cường khuyến cáo: "Tiền giả thường có mệnh giá lớn, 200 ngàn và 500 ngàn đồng. Chúng ta có thể phân biệt tiền thật, tiền giả bằng một số cách đơn giản như: vò tờ tiền nếu là tiền thật sẽ trở lại hình dạng gần như ban đầu, nếu là tiền giả sẽ bị nhăn nhúm rõ rệt; màu sắc của tiền giả thường đậm hơn hoặc nhạt hơn tiền thật, các chi tiết in ấn không sắc nét; các tờ tiền trùng số seri là tiền giả. Khi phát hiện tiền giả phải báo ngay cho cơ quan Công an. Tuyệt đối không được sử dụng những tờ tiền này, nếu sử dụng sẽ bị cấu thành tội danh lưu hành tiền giả".
"Để tiếp tục phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm in tiền giả đang nổi lên, lực lượng An ninh điều tra sẽ tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, Công an các đơn vị địa phương để phát hiện, xử lý các hành vi lưu hành tiền giả trên địa bàn", Thượng tá Đỗ Hùng Cường khẳng định. Bên cạnh đó, lực lượng Công an cơ sở cũng đã và đang tham mưu cho UBND các quận, huyện tổ chức thông tin trên hệ thống thông tin đại chúng, facebook về âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng in tiền giả này và tuyên truyền thông qua các buổi họp tại khu dân cư, tổ dân phố. Ngoài ra, lực lượng Công an còn tổ chức tuyên truyền trực tiếp, phát tờ bướm cho người dân tại các chợ dân sinh, tiệm tạp hóa, hộ gia đình và các tiểu thương buôn bán trên địa bàn để hướng dẫn người dân cách nhận biết tiền giả và nắm được phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về tiền giả.
VIỆT THÀNH