Tăng cường giám sát dự án nhà máy thép Việt- Pháp
(Cadn.com.vn) - Sau khi UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) Dự án đầu tư Nhà máy thép Việt - Pháp tại thôn Hoa (TT Thạnh Mỹ, H. Nam Giang), ngày 22-12, Hội đồng thẩm định công nghệ dự án này tổ chức cuộc họp lắng nghe ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học. Đây được xem là dự án "nhạy cảm" nên người dân ở cả hai địa phương Quảng Nam và TP Đà Nẵng đặc biệt quan tâm.
Khu vực dự kiến triển khai Nhà máy thép Việt - Pháp tại thôn Hoa. |
Tại buổi thẩm định, PGS-TS Dương Việt Dũng (Trưởng khoa Cơ khí Giao thông, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) đề nghị chủ đầu tư cần làm rõ thêm quy trình xử lý nguồn phế liệu như thế nào trước khi đưa vào lò luyện cán thép. Theo PGS-TS Dũng, phế liệu đưa vào nhà máy chắc chắn nhiều nguồn gốc, doanh nghiệp có phân loại được không, xử lý bằng hình thức thủ công hay máy móc hiện đại? Lượng bùn lắng xuống có kim loại nặng bao lâu thì đem xử lý?...
Còn ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng thẩm định công nghệ dự án này cho rằng chủ đầu tư cần làm rõ thêm một số nội dung như: Lượng bùn thải là chất thải nguy hại có chứa kim loại nặng (đồng, chì...) sau này xử lý đảm bảo không; tính toán lượng bùn thải ra và hợp đồng với cơ quan nào để tham gia xử lý. Bên cạnh đó, ông Phạm Viết Tích cũng cho rằng không loại trừ những nguồn phóng xạ vô chủ lẫn lộn trong sắt thép phế liệu. Chiếm đến 80% nguồn nguyên liệu sắt thép phế liệu từ nước ngoài nhập vào nhà máy, vậy Cty có dự lường được sự cố bức xạ không? Trong khi đó, PGS-TS Phùng Chí Sỹ (nguyên Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường), Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định công nghệ dự án này, lưu ý doanh nghiệp cần đảm bảo tính ổn định nguyên liệu đưa vào lò sản xuất, xử lý dứt điểm xỉ sắt thải ra...
Trước những ý kiến trên, bà Võ Thị Hạnh, Giám đốc Cty TNHH Thép Việt - Pháp, cho rằng: Nguồn thải chính của nhà máy chủ yếu là bụi và khí thải. Sản xuất ra 1 tấn sản phẩm thép sinh ra 1kg bụi. Riêng về chất thải nguy hại, cứ 3 tháng một lần doanh nghiệp hợp đồng với Công ty môi trường xanh Đà Nẵng mang đi xử lý đảm bảo môi trường, Sở TN&MT Quảng Nam cũng theo dõi, giám sát thường xuyên. Nhà máy nhập phế liệu vào có địa chỉ nguồn gốc rõ ràng. Hàng hóa qua cảng được kiểm duyệt nên mới cho thông quan. Nếu có chất phóng xạ trộn lẫn vào sắt phế liệu chắc chắn bộ phận chức năng ở cảng Đà Nẵng sẽ gác cổng ngay. Bà Hạnh cũng cho biết, đầu năm 2017, nhà máy sẽ chính thức đầu tư với kinh phí hơn 975 tỷ đồng. Cty cam kết thực hiện đầy đủ các quy định đã được phê duyệt trong báo cáo ĐTM, cũng như các quy định hiện hành của pháp luật, sử dụng công nghệ tiên tiến của Châu Âu.
Tại buổi thẩm định dự án, hầu hết các chuyên gia, nhà khoa học đều ủng hộ công nghệ sản xuất và báo cáo đánh giá ĐTM của Nhà máy thép Việt - Pháp. Tuy nhiên, hội đồng thẩm định cũng yêu cầu chủ đầu tư cần hoàn thiện, thực hiện đúng, đầy đủ những cam kết với UBND tỉnh Quảng Nam, đừng để khi vận hành xảy ra sai phạm. "Vấn đề ở đây là trách nhiệm của doanh nghiệp và sự giám sát của cơ quan chức năng nhà nước trong quá trình triển khai dự án cũng như khi nhà máy đi vào hoạt động", ông Phạm Viết Tích nói.
Bão Bình