Tăng cường hơn nữa công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp mạnh các loại tội phạm

Thứ bảy, 01/11/2014 11:48

(Cadn.com.vn) - Đã thành quy luật, vào mùa mưa bão, nhất là thời điểm cuối năm, tình hình tội phạm hình sự sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm trộm cắp, cướp giật, bảo kê, đòi nợ thuê, giết người..., ảnh hưởng không tốt đến đời sống người dân và ANTT. Ngày 30-9, Giám đốc CATP Đà Nẵng ban hành Kế hoạch 354/CATP-PV11 về việc mở đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm nhằm huy động lực lượng CA các đơn vị, địa phương vào cuộc quyết liệt, chủ động triệt phá các đường dây, ổ nhóm trộm cắp, cướp giật và tiêu thụ tài sản.

Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng có cuộc phỏng vấn Đại tá Trần Mưu, Trưởng phòng CSĐTTPVTTXH CATP Đà Nẵng, người trực tiếp chỉ huy lực lượng CSHS trong công tác tấn công trấn áp tội phạm và TNXH xung quanh vấn đề này.

Đại tá Trần Mưu, Trưởng phòng CSĐTTPVTTXH CATP Đà Nẵng. 

P.V: Xin Đại tá cho biết tình hình phạm pháp hình sự (PPHS) hiện nay trên địa bàn TP Đà Nẵng?

Đại tá Trần Mưu: Nhìn chung, tình hình PPHS trên địa bàn TP Đà Nẵng từ đầu năm 2014 đến nay cơ bản được kiểm soát. Hầu hết các loại tội phạm đã được kiềm chế, không nảy sinh phức tạp làm ảnh hưởng, xâm hại nghiêm trọng đến đời sống người dân địa phương và du khách. Lực lượng CSHS toàn thành phố đã chủ động bám sát địa bàn, tập trung đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và TNXH, giữ vững được tình hình. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại nhất hiện nay là tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, bảo kê, đòi nợ thuê vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, vấn nạn trộm cắp vẫn còn nhiều, chưa được kiềm chế một cách căn bản.

P.V: Đâu là nguyên nhân chính làm gia tăng 2 loại tội phạm trộm cắp và giết người, thưa Đại tá?

Đại tá Trần Mưu: Về tội phạm giết người, từ đầu năm 2014 đến nay, toàn thành phố xảy ra 9 vụ, trong đó có 2 vụ đặc biệt nghiêm trọng là giết người cướp tài sản. Với loại tội phạm này, trong 4 năm qua (từ 2010 đến 2014), lực lượng CSHS đã điều tra khám phá thành công 100%, truy tố xét xử nghiêm minh theo quy định pháp luật. Có nhiều vụ với khung hình phạt rất nghiêm khắc, phải loại hung thủ ra khỏi đời sống xã hội.

Qua phân tích chung nhận thấy, loại tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội có liên quan đến tình ái còn nhiều diễn biến phức tạp khó lường, hầu hết đối tượng gây án sử dụng xăng, dao, thuốc trừ sâu... sát hại bạn tình rồi tự sát. Nguyên nhân cơ bản xuất phát từ ghen tuông mù quáng, vô cớ trong quan hệ nam nữ. Hầu hết bi kịch xảy ra đối với đối tượng trẻ tuổi, hiểu biết pháp luật hạn chế. Loại tội phạm này xảy ra ở đối tượng thiếu sự kiềm chế, không nhận được sự giáo dục đầy đủ của gia đình, xã hội. Hơn nữa, đối tượng gây án phần lớn vi phạm lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự, rất khó phòng ngừa từ phía cơ quan CA.

Về tội phạm trộm cắp tài sản, thời gian qua, mặc dù Giám đốc CATP Đà Nẵng đã triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp đấu tranh, nhưng tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, nhất là trộm cắp xe máy, trộm đột nhập xảy ra tại các khu dân cư, nhà thuê trọ... gây bức xúc trong nhân dân.

Các đối tượng trộm cắp liên kết với nhau thành những đường dây tội phạm hoạt động theo quy trình khép kín với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, hoạt động liên tỉnh, đã gây ra nhiều vụ trộm cắp, thiệt hại lớn, ảnh hưởng xấu đến ANTT trên địa bàn TP Đà Nẵng. Nguyên nhân cơ bản của loại tội phạm này là do không có việc làm hoặc có nhưng không ổn định, số đối tượng từ các nơi khác đến, số sinh viên bị đuổi học không về gia đình, số có tiền án, tiền sự không tu chí làm ăn, ham chơi bời, bỏ nhà đi qua đêm, thiếu sự giáo dục từ nhiều phía dẫn đến hoạt động phạm tội. 

CATP Đà Nẵng lấy lời khai hung thủ giết người, cướp tài sản Hoàng Văn Hậu.

P.V: Vậy theo Đại tá, đâu là giải pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với 2 loại tội phạm này?

Đại tá Trần Mưu: Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, hầu hết các vụ trộm cắp tài sản và giết người cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng đều do đối tượng ngoại tỉnh đến Đà Nẵng gây án. Về trộm cắp, lực lượng CSHS CATP Đà Nẵng đã lập chuyên án đấu tranh, bắt giữ 2 “siêu trộm” Đặng Ngọc Tân (quê Quảng Trị) và Nguyễn Tuấn Vũ (trú Bắc Ninh) gây ra hàng loạt vụ trộm đột nhập trên khắp các tỉnh, thành phố cả nước, chiếm đoạt tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng.

Về án giết – cướp, có thể đơn cử như vụ Bùi Văn Tuân (1986) từ Thanh Hóa vào P. Hòa Phát (Q. Cẩm Lệ) sát hại người tình cướp ĐTDĐ và trang sức (năm 2011); Hoàng Trọng Huy (1983, trú H. Thọ Xuân, Thanh Hóa) vì nợ nần đã giết xe ôm tại địa bàn Q. Liên Chiểu năm 2013; Phan Văn Sơn (28 tuổi, trú H. Quế Sơn, Quảng Nam) giết thai phụ tại Q. Liên Chiểu cướp tài sản năm 2014. Mới đây nhất vào tháng 9-2014, Hoàng Văn Hậu (1990, trú H. Diễn Châu, Nghệ An) đến P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà giết người, cướp tài sản trị giá trên 200 triệu đồng...

Từ thực tế này, theo tôi giải pháp phòng ngừa quan trọng nhất vẫn là cần phải quản lý chặt chẽ người ngoại tỉnh đến Đà Nẵng lưu trú, nhất là số đối tượng không có công ăn việc làm ổn định, số sinh viên bị buộc thôi học không về địa phương, số đối tượng có tiền án tiền sự không chịu tu chí làm ăn, ham chơi bời thường bỏ nhà đi qua đêm.

Trách nhiệm chính trong việc này là lực lượng CA, trong đó CSKV và Tổ trưởng dân phố cần phải bám sát quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo ANTT. Cần phải nắm đầy đủ, chính xác từng hộ, từng người thực tế cư trú nơi mình quản lý; phát hiện và kịp thời phản ánh về những hành vi, biểu hiện nghi vấn đối với số người tạm trú, lưu trú trên địa bàn, lưu ý tổ chức tốt Quyết định 7661 của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Đối với lực lượng CSHS toàn thành phố cần phải thể hiện tinh thần tấn công trấn áp tội phạm quyết liệt hơn nhằm hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt do Giám đốc CATP Đà Nẵng đã phát động. Cần phải tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch chuyên đề số 807/KHCĐ-CATP của Giám đốc về phòng chống tội phạm cướp giật, trộm cắp tài sản.

Tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa CA các đơn vị, địa phương trong phòng, chống tội phạm trộm cắp tài sản và Kế hoạch số 562 về đấu tranh tội phạm có tổ chức, hoạt động lưu động, bảo kê, đòi nợ thuê. Kịp thời phát hiện, trao đổi thông tin liên quan đến các đối tượng trộm cắp, tiêu thụ tài sản để có biện pháp phối hợp, tổ chức đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm trộm cắp, tiêu thụ tài sản trên địa bàn.

Phối hợp với các ngành nội chính khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị truy tố đưa ra xét xử lưu động nhằm răn đe giáo dục tội phạm. Về phía người dân cũng cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác trong việc quản lý, bảo vệ tài sản của chính mình. Đáng lưu ý là hết sức đề phòng mất cắp xe máy nơi công cộng, không để tài sản có giá trị trong cốp xe, khi ngủ phải đóng cửa cẩn thận và không nên để quá nhiều tài sản trong nhà khi đi vắng. Khi tham gia giao thông bằng mô-tô, đối với phụ nữ không nên đeo đồ trang sức, bởi đó là điều kiện thuận lợi cho bọn tội phạm. 

P.V: Xin cảm ơn Đại tá về cuộc trao đổi!

Nguyên Thảo

(thực hiện)