Tăng cường lực lượng, thiết bị xử lý nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Thứ sáu, 16/09/2016 10:24

(Cadn.com.vn) - Sáng 15-9, Ủy ban An toàn giao thông (UBATGT) quốc gia, Ban ATGT TP Đà Nẵng và Grab Việt Nam phối hợp với CATP Đà Nẵng tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng xử lý vi phạm về nồng độ cồn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ đảm bảo TTATGT. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGT quốc gia và Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó giám đốc CATP tham dự và phát biểu chỉ đạo tại sự kiện...

Quan ngại người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia

Theo ông Khuất Việt Hùng, thời gian qua số lượng người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng nồng độ cồn là thực trạng rất đáng quan ngại. Thống kê cho thấy, có tới 70% số vụ TNGT có nguyên nhân do lái xe uống rượu, bia khi tham gia giao thông, gây thiệt hại kinh tế lên tới 250 tỷ đồng/ngày và khoảng 2,9% GDP/năm. Để cải thiện tình hình, ông Hùng cho hay, Chính phủ đã xác định tăng cường phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ uống rượu, bia là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác đảm bảo TTATGT trong giai đoạn hiện nay, nhất là các TP lớn như Đà Nẵng, TPHCM, Hà Nội... Tại Đà Nẵng, qua 1 tháng cao điểm ra quân xử lý chuyên đề nồng độ cồn, lực lượng CSGT đã xử phạt gần 700 trường hợp vi phạm, thu nộp ngân sách khoảng 2,5 tỷ đồng, trong đó có 43 trường hợp bị phạt mức 7 triệu đồng. Lãnh đạo Phòng CSGT CATP cho hay, khi các lực lượng kiểm tra mạnh tay, tình trạng sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện có giảm, song vẫn còn ở mức cao. Vì vậy phải tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, xử lý, bởi nếu để người điều khiển phương tiện nhờn luật, hậu quả sẽ rất đáng lo vì hầu hết người đã sử dụng rượu bia đều có hành vi phóng nhanh vượt ẩu, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT cao.

Bên cạnh công tác xử lý của lực lượng CA, ông Hùng đánh giá cao những đóng góp thiết thực của các doanh nghiệp, đặc biệt là Grab Việt Nam trong việc thực hiện mô hình thí điểm "Nhà hàng an toàn giao thông - Lái xe văn minh trách nhiệm góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề đã uống rượu bia không lái xe" tại các địa phương, trong đó có Đà Nẵng. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh- đại diện Grab Việt Nam, qua một năm thực hiện thí điểm mô hình này, chương trình đã đạt được những kết quả khích lệ tại Đà Nẵng. Sự hưởng ứng của các nhà hàng và một số hãng taxi đã tham gia tuyên truyền, nhắc nhở hàng trăm ngàn lượt khách "đã uống rượu, bia - không lái xe". Nhờ đó, có 4.300 chuyến xe đã tham gia chở khách miễn phí về nhà khi đã sử dụng rượu bia không đủ tỉnh táo điều khiển phương tiện an toàn.

Đại diện Grab taxi trao tặng máy đo nồng độ cồn cho các lực lượng CA.

Xử lý hiệu quả phải kết hợp tuyên truyền, xử phạt nghiêm

Tiếp tục thực hiện chuyên đề xử lý nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tại Đà Nẵng, nhân sự kiện này, UBATGTQG và Grab Việt Nam đã trao tặng CATP 10 máy đo nồng độ cồn (nhãn hiệu Alcolizer LE5, trị giá 300 triệu đồng, nâng tổng số máy lên 45 máy), nhằm tăng cường thêm thiết bị để xử lý mạnh tay với "ma men" qua đó phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm quy định nồng độ cồn. Đồng thời, gần 200 CBCS lực lượng CSGT, CA quận, huyện và Thanh tra giao thông đã được tập huấn kỹ năng và các nội dung về xử lý vi phạm nồng độ cồn để các lực lượng tham gia khi tác nghiệp. Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, bên cạnh khâu xử lý, công tác tuyên truyền cũng rất quan trọng.

Bởi vậy, song song với việc các lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kết hợp tuyên truyền cho người tham gia giao thông biết rằng "đã uống rượu bia - không lái xe", thì cũng phải tuyên truyền cho họ hiểu rằng "nếu uống rượu, bia mà lái xe thì chắc chắn sẽ bị phạt, thậm chí phạt nặng". "Tôi tin tưởng rằng nỗ lực của chính quyền các cấp, cùng với sự hỗ trợ tích cực của các đối tác quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là việc được trang bị thêm trang thiết bị, tôi tin tưởng rằng sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng sẽ tạo được sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn Đà Nẵng, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả những giải pháp phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm quy định nồng độ cồn"- ông Hùng nhận định.

Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng khẳng định, CATP xác định việc tăng cường phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm quy định nồng độ cồn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác đảm bảo ATGT trong giai đoạn hiện nay. "Với việc được tập huấn về kỹ năng xử lý, được trang bị thêm trang thiết bị, tôi yêu cầu lực lượng CA các cấp, nòng cốt là CSGT phải huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ triển khai TTKS, quyết liệt xử lý các hành vi vi phạm về quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, góp phần tích cực giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí. Đồng thời quyết tâm thực hiện tốt năm văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng mục tiêu thành phố 4 an, đưa TP trở thành điểm đến an toàn, văn minh cho du khách" -  Đại tá Chính nhấn mạnh.

Công Hạnh