Tăng cường quản lý khai thác tài nguyên cát, sỏi

Thứ sáu, 07/07/2017 13:26

(Cadn.com.vn) - Ngày 6-7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi.

Còn nhiều sai phạm trong khai thác cát, sỏi

Thống kê đến thời điểm tháng 5-2017 cả nước có hơn 800 mỏ cát, sỏi được cấp phép. Theo báo cáo của Bộ Công an, qua công tác đấu tranh, các cơ quan chức năng đã phát hiện những vi phạm như: không thả phao xác định mốc giới mỏ để khai thác ngoài phạm vi được cấp phép, lợi dụng địa bàn giáp ranh để khai thác sang địa bàn tỉnh khác; khai thác vượt quá khối lượng và số lượng phương tiện cho phép; khai thác ngoài thời gian quy định; tổ chức bơm, hút bán trực tiếp trên sông không xuất hóa đơn, chứng từ theo đúng quy định... Một số địa phương do thiếu sự quản lý chặt chẽ để một số các mỏ khai thác cát vi phạm pháp luật dẫn tới bức xúc khiếu kiện như tại các địa phương Phú Thọ (các huyện Phù Ninh, Đoan Hùng, Thanh Sơn); Bắc Giang (các huyện Lạng Giang, Yên Dũng); Hòa Bình (huyện Kỳ Sơn); Đồng Nai (Nhơn Trạch)...

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đều đã tăng cường các biện pháp đấu tranh nên tình hình khai thác cát trái phép đã giảm đi, một số địa bàn trọng điểm đã được kiểm soát. Tuy nhiên các đối tượng vẫn lén lút hoạt động ở một số địa điểm trên các tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Thái Bình, sông Lai Vu... ở phía Bắc; tuyến sông Mã, sông Lam, sông Hiếu, sông Trà Khúc, sông Hương... ở miền Trung; tuyến sông Đồng Nai, sông Sài Gòn... ở các tỉnh phía Nam. “Thủ đoạn hoạt động khai thác cát trái phép thường vào ban đêm, lợi dụng các ngày nghỉ lễ. Có nơi các đối tượng khai thác cát trái phép dùng bạo lực đe dọa, tranh giành địa bàn, phương tiện để khai thác trái phép và đối phó với các cơ quan chức năng” - Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết.

Về hoạt động khai thác cát, sỏi của các đơn vị nạo vét luồng đường thủy kết hợp tận thu sản phẩm, tính từ năm 2016 đến nay đã có hơn 90 dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa tận thu sản phẩm cát được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận, bên cạnh đó còn có nhiều dự án nạo vét, cải tạo luồng đường thủy do UBND tỉnh cấp trên các tuyến luồng đường thủy do Sở Giao thông Vận tải tỉnh quản lý. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện những vi phạm như: khai thác cát ngoài phạm vi khu vực dự án; khai thác vượt độ sâu, vượt số lượng tàu cho phép; không xuất hóa đơn, chứng từ theo quy định... Các dự án nạo vét luồng hàng hải thường lợi dụng địa điểm nạo vét xa đất liền, thiếu sự kiểm tra giám sát thường xuyên của các cơ quan chức năng để khai thác, xuất khẩu cát vượt khối lượng cho phép. Đến nay các dự án nạo vét luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa trên hầu hết đã tạm dừng hoạt động để hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị.

Khắc phục tình trạng khai thác cát gây sạt lở

Theo đánh giá của các bộ, ngành và các địa phương, hiện đang nổi lên tình trạng sạt lề hai bên bờ sông do ảnh hưởng của hoạt động khai thác cát trước đây, nghiêm trọng nhất là tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 90 khu vực bờ sông, biển bị sạt lở dài 652 km; sạt lở nguy hiểm 17 đoạn dài khoảng 34 km. Nguyên nhân của tình trạng trên được đánh giá là do mất cân bằng bùn cát từ việc khai thác cát mà chủ yếu là hoạt động khai thác cát trái phép. Một số địa phương do tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở mất đất canh tác, nhân dân sở tại đã tự lập ra các “chốt” nhằm ngăn chặn, chống lại hoạt động khai thác cát trái phép như ở các tỉnh Hải Dương, An Giang.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, cát, sỏi có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng, san lấp mặt bằng, làm nền cho các công trình hạ tầng, giao thông... Tuy nhiên những năm gần đây, nhu cầu xây dựng ngày càng lớn kéo theo nhu cầu cát, sỏi ngày càng lớn, trong khi đó nguồn tài nguyên này ngày càng cạn kiệt, việc khai thác cát sỏi có nhiều vi phạm, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập dẫn đến nhiều hậu quả như: sạt lở bờ sông, bờ biển, ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân... Trong thời gian qua, do nhu cầu lớn nên giá cát, sỏi tăng mạnh, ảnh hưởng lớn đến ngành xây dựng.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trước tình hình này, Chính phủ đã chỉ đạo chấn chỉnh công tác khai thác cát, sỏi, cùng với đó các địa phương vào cuộc quyết liệt. Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh các giải pháp đảm bảo đủ nguồn cung cát, sỏi hoặc các vật liệu xây dựng thay thế để đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển kinh tế của các địa phương, đồng thời đảm bảo bờ biển, bờ sông, lòng sông, không ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe, tính mạng, đời sống của người dân... Trong đó trước hết cần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến khai thác tài nguyên cát, sỏi ở các lòng sông, bờ sông, luồng, lạch... và các quy định về chế tài xử lý vi phạm.

Về quản lý hoạt động thu hồi cát từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra sự phối hợp quản lý giữa Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương còn chưa tốt, do đó trong thời gian tới, Bộ cần thống nhất quản lý, các địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm, ở những nơi giáp ranh cần có sự phối hợp giữa các địa phương. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát lại các quy hoạch, giấy phép về thăm dò, khai thác cát, sỏi. Nếu quy hoạch, giấy phép nào còn phù hợp thì tiếp tục thực hiện, nếu không còn phù hợp thì phải thay đổi quy hoạch hoặc rút giấy phép khai thác. Bên cạnh đó phải gắn quy hoạch khai thác cát, sỏi với đảm bảo chống sạt lở bờ sông, bờ biển; gắn với nhu cầu của thị trường, nhu cầu đầu tư xây dựng ở các địa phương. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần đẩy mạnh nghiên cứu, hướng dẫn sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng thay thế cát tự nhiên như tro xỉ nhiệt điện, cát nhiễm mặn, cát nhân tạo từ đá... để đảm bảo nhu cầu xây dựng theo từng địa phương, khu vực. Các Bộ Xây dựng, Giao thông Vận tải, Công Thương... tập trung rà soát, tổng hợp nhu cầu về vật liệu xây dựng, để làm cơ sở cho việc khai thác cát sỏi, khắc phục tình trạng bị động về nguồn cung trong thời gian qua.

Tạo chuyển biến trong việc quản lý khai thác tài nguyên cát, sỏi

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần đề cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, quyết tạo được một bước chuyển biến rõ rệt trong việc quản lý, khai thác tài nguyên cát, sỏi, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên môi trường và trật tự xã hội.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định ban hành Quy chế quản lý hoạt động nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, vùng nước cảng biển và luồng đường thủy nội địa, trong đó quy định giao địa phương thực hiện các dự án nạo vét có tận thu sản phẩm.

Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về khai thác tài nguyên cát, sỏi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xem xét, đánh giá tình trạng biển xâm thực, nghiên cứu, lập phương án sử dụng nguồn cát nhiễm mặn được thu hồi từ các dự án nạo vét để bồi đắp vào những khu vực bờ biển bị xâm thực. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, phát triển bền vững khu vực bị ảnh hưởng từ việc khai thác cát, vấn đề sạt lở ven sông, ven biển cũng như tác động cộng hưởng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Trung Trung Bộ.

Bộ Công an tập trung mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép tại các địa phương. Đồng thời chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các hoạt động khai thác cát trái phép theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự.

XUÂN TÙNG