Tăng cường quản lý người mắc COVID-19
Dịch COVID-19 trên địa bàn Đà Nẵng đang có những diễn biến phức tạp; số lượng bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch và tử vong đang có xu hướng tăng nhanh. Trước tình hình này, Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, phòng khám, cơ sở xét nghiệm COVID-19 tăng cường công tác quản lý người mắc COVID-19 và quản lý nguy cơ người mắc COVID-19.
Theo đó, đối với cơ sở phát hiện người mắc COVID-19 gồm các cơ sở y tế, phòng khám, cơ sở xét nghiệm, Trạm Y tế… khi thông tin F0 phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của F0 được xác định theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế. Ngay khi nhận được thông tin hoặc phát hiện F0, phải thực hiện phân loại, đánh giá nguy cơ, triệu chứng của F0. Khi thông tin ca bệnh đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (tại nhóm zalo TT CA BỆNH), phải nhập đầy đủ thông tin "Phân loại nguy cơ", "Giải thích phân loại nguy cơ", "Mức độ triệu chứng".
Trung tâm Y tế các quận, huyện làm đầu mối tiếp nhận thông tin ca bệnh của phòng khám, cơ sở xét nghiệm, Trạm Y tế trên địa bàn, kiểm tra các thông tin về nguy cơ và mức độ triệu chứng của ca bệnh; chịu trách nhiệm thông tin tại nhóm zalo TT CA BỆNH; chỉ đạo Trạm Y tế phải tiếp xúc với F0 lần đầu tiên ngay khi nhận được thông tin hoặc phát hiện F0 để thực hiện phân loại, đánh giá nguy cơ, triệu chứng của F0; từ đó tập trung quản lý, chăm sóc những F0 có nguy cơ cao, rất cao, có triệu chứng trung bình, nặng, nguy kịch để kịp thời cấp cứu, chuyển tuyến điều trị tại cơ sở y tế. Trung tâm Y tế quận, huyện chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng F0 không được tiếp xúc, đánh giá, phân loại ngay khi nhận được thông tin hoặc phát hiện. Sở Y tế chỉ đạo phòng Nghiệp vụ Y phối hợp với Thanh tra Sở kiểm tra ngẫu nhiên; báo cáo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế quận, huyện rà soát, tập huấn, hướng dẫn trực tiếp Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động nhập thông tin của toàn bộ F0 đang quản lý trên địa bàn vào phần mềm của Sở Thông tin và Truyền thông để thuận tiện, đảm bảo hiệu quả trong việc theo dõi F0, quản lý nguy cơ, các dấu hiệu chuyển nặng để chuyển tuyến điều trị ngay, không để tình trạng diễn biến nặng, nguy kịch và tử vong do chuyển tuyến không kịp thời.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, ngày 15-2, Đà Nẵng ghi nhận 732 ca mắc COVID-19, gồm 160 ca cách ly tại nhà và 572 ca cộng đồng. Trong số 572 ca cộng đồng có 274 ca tự đến các bệnh viện, phòng khám, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế khám bệnh, xét nghiệm; 282 ca được Trạm Y tế lấy mẫu; 15 ca lấy mẫu nghĩa vụ quân sự và 1 ca là lực lượng phòng chống dịch xét nghiệm định kỳ. Quận Thanh Khê ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất trong ngày với 185 ca, tiếp đến là Liên Chiểu 123 ca, Sơn Trà 107 ca, Hải Châu 59 ca, Cẩm Lệ 48 ca, Ngũ Hành Sơn 34 ca, Hòa Vang 12 ca và 14 ca về từ ngoại tỉnh. Cộng dồn từ ngày 1-1 đến nay, thành phố ghi nhận 34.008 ca mắc COVID-19, trong đó có 473 ca ngoại tỉnh.
Trong ngày, ngành Y tế xét nghiệm cho 18.084 lượt người, trong đó xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR 6.146 lượt người và test nhanh 11.938 lượt người. Đến nay, toàn thành phố đã tiêm 2.293.545 mũi vaccine, trong đó tiêm mũi 1 cho 981.697 người, mũi 2 cho 966.240 người và 345.608 người tiêm mũi 3. Hiện thành phố có 2 cơ sở cách ly tập trung, thực hiện cách ly 15 người. Trong ngày, có 1.393 bệnh nhân mắc COVID-19 đã được điều trị khỏi, trong đó có 1.278 trường hợp được cách ly, điều trị tại nhà và 115 trường hợp tại cơ sở y. Cụ thể, trong 115 trường hợp được điều trị khỏi COVID-19 tại các cơ sở y tế, gồm: Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho xuất viện 20 trường hợp, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang 32 trường hợp, Bệnh viện dã chiến 61 trường hợp, Bệnh viện C Đà Nẵng 1 trường hợp và Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng 1 trường hợp. Hiện các cơ sở y tế này đang điều trị tổng cộng 1.011 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 243 ca nặng.
Đối với công tác cách ly, điều trị F0 tại nhà, trong ngày, các địa phương kết thúc cách ly, điều trị 1.278 trường hợp. Trong đó, tại Hải Châu 239 trường hợp, Thanh Khê 275 trường hợp, Sơn Trà 334 trường hợp, Ngũ Hành Sơn 19 trường hợp, Liên Chiểu 167 trường hợp và Cẩm Lệ 244 trường hợp. Hiện các địa phương đang cách ly, điều trị 15.976 trường hợp F0 tại nhà, trong đó 11.052 trường hợp không có triệu chứng, 4.924 trường hợp triệu chứng nhẹ. Cộng dồn đến nay có 41.779 trường hợp mắc COVID-19 được điều trị, cách ly tại nhà và 25.223 trường hợp trong số đó đã khỏi bệnh.
PHI NÔNG