Tăng cường xây dựng pháp luật về những vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em

Thứ bảy, 05/03/2022 12:44

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng hoa, chúc mừng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. 

Đây là một trong những khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong buổi đến thăm, làm việc với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chiều 4-3. 

Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo đã báo cáo nhanh với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội về những vấn đề liên quan đến đời sống mọi mặt, tư tưởng của cán bộ, hội viên, phụ nữ thời gian qua, trong đó đặc biệt là những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 đến đời sống của phụ nữ, trẻ em. Bà Thảo đề nghị Quốc hội đưa vấn đề bình đẳng giới theo chuyên đề, theo lĩnh vực trong các nội dung giám sát của Quốc hội, trong đó có giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người lao động, người dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi…) có hoàn cảnh khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19…

Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, ông Trần Thanh Mẫn cho biết, nhiệm kỳ này, Quốc hội sẽ có nhiều dự án luật quan trọng cần được xây dựng, sửa đổi, bổ sung như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, Luật Dân số, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới… Đây đều là những luật rất liên quan đến phúc lợi xã hội, quyền và lợi ích của người dân nói chung, phụ nữ và trẻ em nói riêng.

Do đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần chủ động, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trong tổ chức các hội thảo, hội nghị phản biện xã hội, tham vấn lồng ghép giới trong xây dựng luật pháp, chính sách. Về phía Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ để những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em, gia đình và bình đẳng giới được xem xét, thảo luận, thông qua trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị các cấp Hội phát huy vai trò trong việc nắm bắt, tập hợp, kịp thời phản ánh những kiến nghị của cử tri tới Quốc hội; tham gia các đoàn giám sát việc thực thi chính sách, khảo sát của Quốc hội phát hiện những hạn chế, bất cập và đánh giá tác động của các dự án luật, pháp lệnh đối với các nhóm đối tượng để đảm bảo luật pháp được xây dựng thiết thực hơn, dễ đi vào thực thi hơn.

Đồng thời, phối hợp với các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc, Ban Thường trực Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam để tổ chức các sự kiện, hội nghị với các nữ đại biểu Quốc hội để qua đó tuyên truyền về hoạt động của các nữ đại biểu Quốc hội; đồng thời giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ lẫn nhau giữa đội ngũ cán bộ, lãnh đạo nữ. Các cơ quan của Quốc hội sẽ phối hợp với Hội trong việc xây dựng và triển khai Chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và kỹ năng lồng ghép giới cho 3.500 cán bộ nữ, trong đó tập trung vào cán bộ nữ bổ nhiệm lần đầu, cán bộ nữ lần đầu tham gia đại biểu dân cử, cán bộ nữ trẻ.

ĐỖ BÌNH