Tăng trưởng kinh tế năm 2020 có thể đạt 3,8%

Thứ tư, 22/07/2020 16:22

Ngày 21-7, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) họp báo công bố “Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II và 6 tháng đầu năm 2020”. Tiến sĩ Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định: Nền kinh tế nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng 3,8% trong năm 2020, tuy nhiên với kịch bản diễn biến bất lợi của bệnh dịch-nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 2,2%”.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) họp báo công bố “Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II và 6 tháng đầu năm 2020”.

Theo ông Thế Anh, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Kinh tế toàn cầu đang hàm chứa nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường đầy bất ổn và tương lai bất trắc, khó đoán định đang là những khó khăn mà nền kinh tế nước ta phải đối mặt.

“Sự tái bùng phát của Covid-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa kéo dài làm đứt gãy các chuỗi cung ứng. Thêm vào đó, xung đột địa chính trị giữa các nước lớn cũng có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ. Hơn nữa, nền kinh tế nội địa còn có những điểm yếu như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển-đặc biệt là hạ tầng bị chững lại, sức khỏe hệ thống ngân hàng-tài chính dễ tổn thương, phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI, thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu, chất lượng lao động thấp... Mặt khác, hiệu quả đầu tư công thấp và tình trạng nhũng nhiễu của bộ máy công quyền còn nặng nề hay tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bị ngưng trệ, môi trường-thể chế kinh doanh chất lượng còn thấp cũng là những trở ngại”, ông Thế Anh chỉ ra.

Tuy nhiên, ông Thế Anh cũng đề cập đến những yếu tố có lợi cho tăng trưởng kinh tế trong nước, như kỳ vọng vào triển vọng kinh tế đến từ các Hiệp định Thương mại tự do và Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA), tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh như mong đợi, chi phí nguyên nhiên vật liệu duy trì ở mức thấp do suy giảm nhu cầu tiêu thụ và sản xuất, làn sóng dịch chuyển đầu tư và tận dụng các ưu đãi đầu tư tại Việt Nam.

“Điểm nhấn khác của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chung, đó là môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức trung bình và những điều kiện tốt cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng”, ông Thế Anh nói.

Cùng ngày, HSBC công bố khảo sát HSBC Navigator được thực hiện với 2.604 doanh nghiệp trên toàn cầu. Riêng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương có hơn 1.400 công ty tham gia, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả khảo sát này chỉ ra rằng nhờ thực hiện những biện pháp kiểm soát đại dịch hiệu quả cho tới nay và việc dần mở cửa trở lại một cách thận trọng, Việt Nam ngày càng trở thành một điểm đến kinh doanh hấp dẫn. Đây là thời điểm thuận lợi mà doanh nghiệp Việt Nam chủ động xử lý nhược điểm và bắt đầu xem xét đến việc tái cấu trúc doanh nghiệp làm sao để tận dụng mọi cơ hội mới. Có thể kể đến một số động lực quan trọng như với năng lực kỹ thuật số phù hợp, doanh nghiệp Việt Nam có thể giúp đất nước tăng tốc trở lại, đạt mức tăng trưởng lịch sử.

Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU vừa được phê chuẩn tháng 6-2020 đã nâng tầm quan trọng của việc Việt Nam phải thiết kế lại chuỗi cung ứng để thỏa mãn những quy định từ EU và tận dụng hết cơ hội mà hiệp định này mang lại. Đáng chú ý hơn, đại dịch Covid-19 vừa qua cũng góp phần cảnh báo cho doanh nghiệp; trong đó, có công ty Việt Nam buộc phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng để tránh rủi ro tập trung khi phụ thuộc vào một thị trường cụ thể. Bên cạnh đó, các công ty có xu hướng giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo hoạt động ổn định cho doanh nghiệp và giảm những tác động bên ngoài.

Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans nhận định dịch Covid-19 đã đẩy các doanh nghiệp vào cuộc khủng hoảng chưa từng có, nhưng ở giai đoạn khó khăn này, công nghệ đang trở thành giải pháp tối ưu để giúp doanh nghiệp và cả nền kinh tế sống sót trong suốt thời gian kéo dài giãn cách xã hội. "Những công ty nào đã đầu tư và xây dựng chiến lược số hóa từ trước chính là những nơi có thể nhận diện thách thức thực tế, thích ứng và phát triển trong thế giới biến đổi một cách đáng kể như hiện nay. Trong đó, nhiều công ty ở Việt Nam cho thấy họ cũng đang khai thác sức mạnh của công nghệ để đáp ứng kịp thời hoạt động sản xuất kinh doanh và xu hướng thị trường", Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nhấn mạnh.

QUỲNH NHƯ – TTXVN