Tăng viện phí: Thêm nhiều cơ hội lựa chọn nơi khám chữa bệnh?
(Cadn.com.vn) - Theo lộ trình vừa được Bộ Y tế công bố, cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12-2015, viện phí sẽ tiếp tục tăng. Cụ thể sẽ đưa tất cả chi phí khám chữa bệnh trực tiếp cho người bệnh và một loạt phụ cấp của cán bộ, nhân viên y tế vào viện phí. Điều này một lần nữa khiến người dân hoang mang lo lắng. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng tăng viện phí sẽ thêm nhiều cơ hội cho bệnh nhân lựa chọn nơi khám chữa bệnh.
Người dân lo lắng
Người dân và đặc biệt là người nghèo lại lo lắng khi hay tin viện phí sẽ tăng trong thời gian đến. Dự kiến khoảng 1.800 dịch vụ y tế cơ bản sẽ tăng với mức tối thiểu 20% so với hiện hành. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân nghèo sẽ đối mặt với muôn vàn khó khăn vì viện phí.
Lộ trình tăng viện phí đưa ra, nhiều bệnh nhân mắc bệnh mãn tính càng thêm gánh nặng bởi với họ cuộc sống từ lâu đã gắn với bệnh viện. Việc tăng viện phí sẽ được áp dụng đối với các đối tượng là bệnh nhân Bảo hiểm y tế (BHYT). Điều đáng nói ở đây, mặc dù có BHYT song những bệnh nhân không may mắc bệnh hiểm nghèo họ vẫn phải thanh toán một phần cho phí khám, chữa bệnh. Vì vậy, viện phí tăng đương nhiên số tiền mà các bệnh nhân đồng chi trả sẽ tăng lên.
Chị Hoàng Thanh C. (Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) có bố đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng tâm tư: "Bố tôi mắc bệnh thận phải chạy thận liên tục để duy trì sự sống, cuộc sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Nếu như bây giờ tăng viện phí, chúng tôi sẽ phải gặp không ít khó khăn. Để điều trị bệnh cho bố, gia đình chúng tôi đã khánh kiệt, nếu như thế này thì chúng tôi không biết mình sẽ sống sao đây…". Nhiều bệnh nhân khác cũng rất lo lắng.
Tăng viện phí dường như là cụm từ gây ám ảnh đối với những bệnh nhân và gia đình của họ. Ông Nguyễn Văn Bồng đến từ Quảng Nam cho biết, con trai ông không may bị thận, trong một lần tai nạn vì không được phát hiện chữa trị kịp thời nên đến nay đã có nhiều biến chứng khiến cho việc điều trị kéo dài tốn kém. Gia đình ông khó khăn, quanh năm làm thuê làm mướn chẳng đủ tiền để lo cho con, giờ nghe thông tin viện phí sẽ tăng ông và gia đình hết sức âu lo.
Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân nặng nề với tâm lý, tăng viện phí để trả lương cho y bác sỹ chẳng khác nào "trăm khổ đổ đầu dân". Thậm chí những người mắc bệnh nan y khi nhắc tăng viện phí họ nghĩ đến việc sẽ nằm nhà chờ chết chứ không dám đến bệnh viện.
Việc tăng viện phí khiến nhiều bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng lo lắng. |
Bệnh nhân có thêm nhiều cơ hội lựa chọn?
Có không ít ý kiến đặt ra liệu tăng viện phí thì chất lượng các dịch vụ y tế có được thay đổi? Thậm chí khi tăng viện phí đối tượng BHYT được áp dụng đầu tiên có phải tiếp tục chịu cảnh xếp hàng đợi gọi tên, có còn cảnh thờ ơ, thiếu quan tâm chỉ vì… là bệnh nhân bảo hiểm như vẫn thường gặp? Và, có hay không bệnh nhân có thêm quyền lợi từ việc tăng viện phí này?
Thực tế, việc tăng viện phí áp dụng cho các đối tượng tham gia BHYT thì trước hết những bệnh nhân này được "hưởng" nhiều hơn. Cụ thể, họ được BH bảo vệ quyền lợi và không phải nộp những khoản tiền "thu thêm", "thu ngoài" như vẫn thường xảy ra. Mọi chi phí của người bệnh sẽ được BHYT giám sát, kiểm tra cụ thể nên sẽ không còn xảy ra tình trạng bệnh viện thu thêm viện phí một cách trái nguyên tắc. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá viện phí về cơ bản sẽ không làm ảnh hưởng đến người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách và trẻ em dưới 6 tuổi vì được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh.
Một trong những vấn đề nhiều người bệnh đặc biệt quan tâm khi áp dụng việc tăng viện phí đó là họ được lợi hơn khi chữa trị ở bệnh viện công hay bệnh viện tư? Về vấn đề này chúng tôi đã liên hệ với một số đơn vị bệnh viện công trên địa bàn Đà Nẵng nhưng đều bị từ chối với lý do chưa có văn bản cụ thể, chưa triển khai nên chưa thể trả lời.
Trong khi đó, Bs Trần Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gia đình cho biết: "Thực tế, tâm lý chung của bệnh nhân rất lo lắng khi tăng viện phí. Vấn đề này gây áp lực cho người bệnh và gia đình rất nhiều. Tuy nhiên, đối tượng áp dụng là bệnh nhân tham gia BHYT nên nếu nói gánh nặng thì phải kể đến BHXH. Bên cạnh đó sẽ có vấn đề cần xem xét đến là tiền đồng chi trả và tiền phụ thu. Trong trường hợp này đối với bệnh viện công sẽ không thấy sự khác biệt vì tiền đồng chi trả sẽ tăng. Nếu bệnh nhân đến bệnh viện tư nhân mà có phụ thu họ sẽ có lợi hơn vì số tiền này BHYT chi trả. Như vậy, đến với bệnh viện tư nhân, bệnh nhân sẽ có lợi hơn khi mà tiền phụ thu giảm nhiều nhưng ngược lại tiền đồng chi trả tăng lên không đáng kể. Nghĩa là, bệnh nhân sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn hơn.
Cũng theo bác sỹ Hùng, đối với bệnh nhân hưởng BHYT 100% nếu đến bệnh viện tư sẽ vô cùng có lợi vì tăng tiền đồng chi trả thì sẽ giảm tiền phụ thu. Ví dụ, nếu bệnh nhân đến khám bệnh ở bệnh viện tư nhân có giá 70 nghìn đồng, trước đây BHYT chi trả 10 nghìn đồng, thì bệnh nhân đồng chi trả 20% của 10 nghìn đồng là 2 nghìn đồng và đóng tiền phụ thu thêm 60 nghìn đồng(70 nghìn - 10 nghìn). Như vậy tới đây khi tiền khám tăng lên 40 nghìn đồng thì tiền đồng chi trả 20% của 40 nghìn đồng sẽ là 8 nghìn đồng cộng với phụ thu (70 nghìn - 40 nghìn) là 30 nghìn đồng. Vậy tổng số tiền bệnh nhân phải đóng là 38 nghìn đồng, so với trước đây bệnh nhân phải trả là 62 nghìn đồng khi khám ở bệnh viện tư.
Việc tăng viện phí khiến người dân lo lắng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách rõ ràng bởi vì trên thực tế không phải việc tăng viện phí là hoàn toàn bất lợi cho người bệnh. Để người bệnh đến với mình, việc không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ là việc làm thường xuyên, liên tục của các bệnh viện công cũng như tư nhân. Thực tế, đến đâu người dân cũng phải đóng tiền nhưng làm sao để xứng "đồng tiền bát gạo", tạo được sự tin yêu của người bệnh mới là điều quan trọng. Trong trường hợp viện phí tăng nhưng bệnh viện không đáp ứng được mong mỏi của người bệnh, không mang lại lợi ích cho người bệnh thì coi như bệnh viện đó tự đào thải mình và người bệnh có thêm được những sự lựa chọn nơi khám chữa bệnh khác. Chính vì vậy, việc tăng viện phí lần này hứa hẹn một sự đổi mới, nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế nói chung.
Trang Trần