Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII:

Tạo dấu ấn Việt Nam trong IPU-132

Thứ ba, 10/03/2015 10:12

(Cadn.com.vn) - Sáng 9-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ 36 đánh giá tiến độ chuẩn bị Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội vào tháng 3-2015 và cho ý kiến về một số dự thảo luật, nghị quyết dự kiến sẽ trình kỳ họp Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới.

Cần đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực an ninh tại IPU-132

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng, IPU-132 dự kiến có tới 67 cuộc họp, 66 cuộc tiếp xúc song phương. Đến nay, đã có 126 đoàn đăng ký tham gia; trong đó, nghị viện thành viên có 97 đoàn, quan sát viên 17 đoàn, thành viên liên kết 4 đoàn, khách mời IPU 8 đoàn.

Cũng trong số này, có 34 Chủ tịch Nghị viện/Quốc hội, 31 Phó Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện và 2 Chủ tịch thành viên liên kết đăng ký sẽ tham dự. Dự kiến thành phần đoàn đại biểu Việt Nam tham dự tại các điễn dàn của IPU-132 gồm 12 đại biểu Quốc hội đại diện cho quốc gia chủ nhà tham gia và phát biểu tại 15 diễn đàn của Đại hội đồng.

Theo Báo cáo của Ban tổ chức IPU-132, từ Phiên họp thứ 34 đến nay, công tác chuẩn bị và tổ chức IPU-132 tập trung vào việc hoàn thiện, phê duyệt và bước đầu triển khai cụ thể các đề án. Trong giai đoạn tiếp theo, trọng tâm công việc là tiếp tục triển khai các đề án đồng thời tổ chức diễn tập và tổng duyệt toàn bộ các hợp phần của sự kiện, trong đó, chú trọng các sự kiện do lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì.

Tại phiên họp, các thành viên UBTVQH và các thành viên Ban Chỉ đạo Cấp Nhà nước về IPU-132 cho rằng Đại hội đồng IPU-132 là sự kiện đối ngoại lớn nhất của đất nước ta từ trước tới nay về quy mô, số lượng đại biểu quốc tế tham dự, do đó, công tác chuẩn bị cần đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực an ninh, an toàn, đảm bảo cho thành công của sự kiện.

Trong các nội dung nghị sự, đáng chú ý, đoàn Việt Nam sẽ tham gia bàn thảo về một số lĩnh vực như Chiến tranh mạng: Mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh thế giới; định hướng cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về nước; hoàn chỉnh luật pháp quốc tế về chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người; Công ước về quyền trẻ em, vai trò của Quốc hội trong việc giải quyết những thách thức nhằm đảm bảo sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em, dân chủ trong kỷ nguyên kỹ thuật số và sự đe dọa quyền riêng tư, các quyền tự do cá nhân cơ bản.

Hiện, các đơn vị liên quan đang gấp rút dự thảo các nội dung nghị sự trên cơ sở phối hợp với Ban Thư ký IPU; hoàn thành các đề án lễ tân – sự kiện; kết hợp chặt chẽ với các nội dung Hội nghị của Hiệp hội các Tổng thư ký Nghị viện (ASGP) với chủ đề “Tìm kiếm mô hình giúp cơ quan giúp việc Nghị viện hoạt động hiệu quả”; Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội nghị Nữ Nghị sĩ và thảo luận các nội dung tổng kết 20 năm thực hiện Tuyên bố Bắc Kinh về quyền Phụ nữ.

Dự kiến, ngày 15-3 tới sẽ tổ chức tổng duyệt Lễ Khai mạc IPU-132 tại Nhà Quốc hội.

Cho ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất, đảm bảo thành công của IPU–132 là nội dung nghị sự, phía Việt Nam phải tham gia tích cực trong quá trình chuẩn bị của Ban Thư ký IPU; đảm bảo chuẩn bị tốt dự thảo Tuyên bố Hà Nội, khẳng định vai trò, vị trí của đất nước, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong sự kiện đối ngoại này.

Giám sát của Mặt trận “mang tính nhân dân”

Chiều 9-3, UBTVQH cho ý kiến dự thảo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và Luật ban hành văn bản pháp luật.

Theo dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), giám sát của MTTQ Việt Nam mang tính nhân dân, hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước nhằm kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý những sai phạm, khuyết điểm đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước lo ngại nếu không nêu rõ phạm vi giám sát trong dự thảo Luật sẽ xảy ra tình trạng chồng chéo. Đại biểu cho rằng tuy giám sát của Mặt trận mang tính nhân dân, tính chất khác hẳn giám sát quyền lực, nhưng nội dung giám sát lại giống nhau. Vì vậy đại biểu đề nghị dự thảo Luật nên quy định cụ thể: Mặt trận Tổ quốc giám sát việc thực hiện những công việc cụ thể ở cơ sở; đồng thời Mặt trận có quyền kiến nghị tham gia vào đoàn giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân về những nội dung mà kế hoạch, nghị quyết của Quốc hội, HĐND đã ban hành.

Bày tỏ băn khoăn, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt vấn đề, quy định giám sát của Mặt trận chỉ để “hỗ trợ” cho hoạt động thanh tra, kiểm tra của Nhà nước như vậy đúng không? Theo dự thảo, “giám sát của MTTQ Việt Nam mang tính nhân dân”, vì vậy, giám sát của Mặt trận phải mang tính độc lập, đại diện cho nhân dân. Cho nên giám sát phải là đại diện cho dân, chứ không phải hỗ trợ cho Nhà nước trong hoạt động thanh tra, kiểm tra”, bà Mai phát biểu.

Lý giải nội dung này, tham gia phiên họp của UBTVQH, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, giám sát của Mặt trận là giám sát nhân dân nhưng không phải vấn đề gì cũng giám sát. Dự thảo quy định như vậy là để MTTQ kịp thời phát hiện, tham gia giám sát, tránh chồng chéo, chứ không phải “né tránh” vai trò giám sát của mình. Như trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chính phủ làm tốt rồi thì Mặt trận hỗ trợ để làm tốt hơn. Nhưng nếu có vấn đề thì Mặt trận sẽ không né tránh mà sẽ tham gia giám sát.

Thu Thủy – TTXVN

Chia sẻ kinh nghiệm tham vấn công chúng

Thực hiện chương trình hợp tác giữa Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam với Quốc hội nước CHDCND Lào, trong 2 ngày 9 và 10-3, tại TP Đà Nẵng, Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn “Kỹ năng tham vấn công chúng cho ĐBQH Lào”. Đoàn đại biểu Quốc hội Lào do đồng chí Khăm-phởi-Pan-mạ-lay-thoong, Ủy viên T.Ư Đảng, Đại biểu Quốc hội khu vực 1, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Lào làm trưởng đoàn.

Các ĐBQH hai nước chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị.

Hội nghị sẽ nghe các báo cáo viên truyền đạt những nội dung cơ bản, tổng quan về tham vấn công chúng; tham vấn và vị trí, vai trò của Quốc hội, Đoàn ĐBQH với tham vấn công chúng; quy trình tham vấn; công cụ và kỹ năng để tham vấn công chúng; diễn tập thực hành một hội nghị tham vấn công chúng dựa trên tình huống liên quan đến một chính sách trong chương trình nghị sự của Quốc hội Lào. Bên cạnh đó, các đại biểu sẽ trao đổi kinh nghiệm về tham vấn công chúng với HĐND tỉnh Quảng Ngãi ngay sau khi kết thúc chương trình hội nghị 2 ngày tại TP Đà Nẵng.

Phương Kiếm