Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam:

Tạo điều kiện cho cán bộ nữ vươn lên

Thứ ba, 20/10/2015 08:02

(Cadn.com.vn) - Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm công tác phụ nữ, chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ nữ. Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học nữ có trình độ cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ quan trọng đã được xác định trong Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đánh giá về những kết quả quan trọng trong việc phát triển đội ngũ cán bộ nữ, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: Ngay khi được ban hành năm 2007, Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị đã được Hội Phụ nữ các cấp và phụ nữ cả nước đón nhận trong niềm phấn khởi.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
tại một buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia.

Tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, quá trình thực hiện Nghị quyết số 11, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và xã hội về phụ nữ và công tác phụ nữ được nâng lên. Các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước được ban hành và tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực lao động, sản xuất, kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học xã hội.

Chiến lược quốc gia vì bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã đề ra 3 chỉ tiêu: (1) phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016 - 2020 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016 - 2020 trên 35%. (2) phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% và đến năm 2020 đạt trên 95% số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. (3) phấn đấu đến năm 2015 đạt 70% và đến năm 2020 đạt 100% cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có từ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đặc biệt, trong Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 30-5-2014, về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Bộ Chính trị yêu cầu: Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ không dưới 15% và cần có cán bộ nữ trong Ban Thường vụ cấp ủy...

Những chính sách, quy định trên đã tạo điều kiện và cơ hội để đội ngũ cán bộ nữ nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt, đáp ứng tiêu chuẩn của từng vị trí công tác, nhạy bén, năng động, sáng tạo, từng bước vươn lên, phát huy trí tuệ và sức lao động của bản thân; đồng thời là công cụ để tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ, phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, tham gia các cơ quan dân cử.

Hiện nay, trên toàn quốc, tỷ lệ nữ sinh viên trong các trường đại học cao hơn nam giới; tỷ lệ nữ có trình độ thạc sĩ chiếm 40%, tỷ lệ nữ có trình độ tiến sĩ cũng tăng lên. Số giáo sư, phó giáo sư là nữ tăng lên hàng năm. Số giảng viên nữ trong các trường đại học, cao đẳng chiếm gần 50%. Tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch vào các chức danh quản lý, lãnh đạo và cấp ủy các cấp đã tăng lên. Năng lực của cán bộ nữ được nâng lên rõ rệt, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác và chuẩn hóa theo chức danh. Nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XI (2011-2016) có 3 nữ ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII là 24,4%, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 25,17%, cấp huyện là 24,62%, cấp xã là 21,71%.18/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt từ 30% trở lên...

Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH-HĐH
là nhiệm vụ quan trọng đã được xác định trong Nghị quyết số 11-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị.
Trong ảnh: Nữ cán bộ ngành Thuế TP Đà Nẵng cùng các đồng nghiệp nam
tham gia giải đáp thắc mắc của người dân về chính sách thuế. Ảnh: Nguyễn Lê

Vẫn còn những rào cản

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa, trên thực tế, công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Một số chỉ tiêu về tỷ lệ nữ lãnh đạo nhiều nhiệm kỳ chưa đạt và có xu hướng giảm: Nữ ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI chỉ đạt 8,57%, nữ ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 đạt 11,3%. Cán bộ nữ ở vị trí ra quyết định và hoạch định chính sách chiếm tỷ lệ thấp (Chủ tịch UBND và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đạt 3-4%).

Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở một số lĩnh vực, một số địa phương có chiều hướng đi xuống và không vững chắc, so với chỉ tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW còn khoảng cách rất lớn; đặc biệt đáng lo ngại khi ở nhiều tỉnh, thành phố, tỷ lệ nữ trong quy hoạch cấp ủy rất thấp (dưới 15%).Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội mấy nhiệm kỳ qua có xu hướng giảm, chưa đạt chỉ tiêu 30%, nhiệm kỳ Quốc hội khóa X là 26%, Khóa XI là 27,31%, khóa XII là 25,76%, Khóa XIII là 24,4%. Qua Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ cấp ủy cấp cơ sở tăng so với nhiệm kỳ trước, đạt gần 20%, tuy nhiên cấp tỉnh và cấp huyện không đạt chỉ tiêu 15%...

Mới đây, phát biểu tại lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, một lần nữa, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của từng gia đình. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ngành cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu của công tác phụ nữ trong tình hình mới và tiếp tục quan tâm đến công tác cán bộ nữ, tạo điều kiện cho cán bộ nữ tham gia các cấp ủy Đảng, giữ chức vụ, vị trí chủ chốt ở các cơ quan, đơn vị. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, đoàn thể sẽ tạo điều kiện và cơ hội cho các cán bộ nữ phát huy tốt hơn nữa tiềm năng của mình.

H.T