Tạo lập sinh kế bền vững cho đồng bào vùng lũ

Thứ bảy, 05/12/2020 22:23

Song song với công tác tìm kiếm những người mất tích; công tác vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo chỗ ở tạm cho bà con bị mất nhà do sạt lở núi, đảm bảo chỗ học hành cho học sinh, từng bước ổn định đời sống và khôi phục sản xuất cho đồng bào là những nhiệm vụ trọng tâm đang được tỉnh Quảng Nam thực hiện một cách quyết liệt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thăm các bệnh nhân trong vụ sạt lở đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam.

Lần dò theo từng khe suối để tìm người mất tích

Gần một tháng sau trận sạt lở núi kinh hoàng, đến nay đường về xã Trà Leng, H. Nam Trà My vẫn còn nhiều khó khăn, mưa rừng vẫn còn tiếp tục, vách núi cao có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Khó khăn là vậy nhưng trên khắp các dòng sông, khe suối, lòng hồ, các lực lượng, chủ yếu là quân đội và dân quân vẫn miệt mài tìm kiếm người mất tích.

Cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tham gia tìm kiếm người mất tích ở xã Trà Leng nhiều ngày qua, Thượng tá Nguyễn Hoàng Ất - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 270 (Quân khu 5) tâm sự: Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5 nói chung, đơn vị nói riêng đã nỗ lực hết mình để tìm kiếm những người mất tích với mong muốn làm dịu bớt nỗi đau của bà con nơi đây. Hiện tại, ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, các lực lượng tiếp tục sử dụng nhiều xe múc bùn đất, cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ dò dẫm theo từng dòng suối để tìm cho bằng được những người gặp nạn.

Trung tá Trần Văn Tám - Phó Chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết: Cùng với các mũi tìm kiếm dưới lòng sông, khe suối, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ cơ quan quân sự huyện và lực lượng dân quân tại địa phương đang “chốt” quân tại tất cả các thôn để làm nhà ở tạm, sửa chữa nhà hư hỏng để người dân có chỗ ở; phấn đấu đến cuối năm nay, toàn bộ những hộ có nhà bị cuốn trôi, nhà bị hư hại nặng đều có chỗ ở. Các lực lượng cũng tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường để ngăn ngừa dịch bệnh, dọn dẹp khối lượng lớn bùn đất tại các trường học để học sinh đi học trở lại. “Thôn 2, xã Trà Leng có 30 ngôi nhà bị hư hại hoàn toàn, lực lượng vũ trang huyện đã làm lại 24 nhà ở tạm, số còn lại đang ở chung nhà với người thân. Ngoài việc làm lại nhà, chúng tôi còn làm vệ sinh để ngăn ngừa dịch bệnh, dọn dẹp các trường học để học sinh đi học trở lại. Tại xã Trà Vân, chúng tôi đã làm lại 17 ngôi nhà bị hư hại hoàn toàn do sạt lở núi, đảm bảo cho bà con có chỗ ở an toàn trước những cơn mưa rừng dai dẳng”, Trung tá Trần Văn Tám chia sẻ.

Tìm chỗ ở ổn định và tạo sinh kế bền vững cho đồng bào

Cùng với việc tích cực tìm kiếm người mất tích, việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho đồng bào ở những vùng sạt lở núi, vùng lũ quét, vùng sâu vùng xa đang được các địa phương, đơn vị, các nhà hảo tâm trong cả nước tiếp tục thực hiện. Công tác ngăn ngừa dịch bệnh, ổn định đời sống và từng bước khôi phục sản xuất cho đồng bào được xác định là nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Quảng Nam đặc biệt quan tâm.

Tại các xã sạt lở nặng như Trà Leng, Trà Vân, H. Nam Trà My và các xã Phước Thành, Phước Lộc của H. Phước Sơn, chính quyền địa phương đang nỗ lực tìm kiếm quỹ đất thích hợp để bố trí chỗ ở ổn định, lâu dài cho đồng bào. Ông Phan Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Leng, H. Nam Trà My cho biết: “Bên cạnh nỗ lực tìm kiếm người mất tích, công tác ổn định đời sống cho bà con được thực hiện một cách quyết liệt. Hiện tại, tất cả những gia đình có nhà bị hư hại hoàn toàn đã được làm lại nhà ở tạm, cuộc sống cơ bản ổn định. Mặt khác, chúng tôi đang phối hợp với các ngành chức năng tìm quỹ đất thích hợp để bố trí chỗ ở ổn định, lâu dài cho người dân, từ đó tạo sinh kế bền vững cho bà con. Dự kiến đến đầu năm tới, việc làm lại nhà ở mới vững chãi cho bà con sẽ được tiến hành”.

Khẩn trương làm lại nhà ở tạm và xây dựng phương án khả thi nhất để làm lại nhà ở vững chãi ở những vị trí thuận lợi nhằm ổn định đời sống lâu dài cho đồng bào sớm được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đặt ra. Ngay sau khi bão số 9 đi qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu: “Đối với những nhà bị hư hại một phần hoặc bị hư hại nặng thì khẩn trương sửa chữa lại, lợp lại mái nhà để bà con có chỗ ở. Những hộ có nhà bị sập hoàn toàn được bố trí ở ghép với người thân, họ hàng xung quanh để bà con có chỗ ở tạm thời. Tuyệt đối không để bà con phải sống cảnh “màn trời chiếu đất” và thiếu lương thực, thực phẩm. Tất cả các địa phương trong vùng sạt lở nặng phải khẩn trương tìm kiếm quỹ đất, lên kế hoạch để sớm làm lại nhà ở vững chắc cho đồng bào, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào có sinh kế mới tốt hơn so với nơi ở cũ. Tỉnh Quảng Nam đã đảm bảo được nguồn kinh phí để sửa chữa và làm lại nhà ở mới cho đồng bào”.

Thiệt hại do thiên tai gây ra là không nhỏ và phải mất một thời gian dài mới khắc phục được. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt, đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cuộc sống của đồng bào ở vùng sạt lở núi Quảng Nam đã dần ổn định.

ĐOÀN HỮU TRUNG