Tạo mọi điều kiện để người lầm lỗi làm lại cuộc đời
Ông Nguyễn Hòa- Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn cho biết, hiện thực hóa Nghị định 49 của Chính phủ và Đề án bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2, trong 3 năm (2021-2023) quận Ngũ Hành Sơn đã ban hành đề án về công tác tái hòa nhập cộng đồng đến các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân. Đề án ra đời, được triển khai sâu rộng nhằm tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ những người lầm lỗi sớm hoàn lương, cùng với đó là vận dụng linh hoạt các mô hình cũng như tổ chức tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ… người được đặc xá, chấp hành xong hình phạt tù về địa phương cư trú có đủ điều kiện sớm hòa nhập với cộng đồng nên tình trạng tái phạm ít diễn ra. Để đạt được kết quả đó, ngay sau khi nhận thông báo người chấp hành xong án phạt tù sắp trở về cư trú tại địa phương, Cơ quan thi hành án hình sự Công an quận (CAQ) Ngũ Hành Sơn phối hợp cùng Công an các phường lập hồ sơ tiếp nhận, tham mưu cho UBND các phường chỉ đạo các đoàn thể, phân công cán bộ trực tiếp quản lý, giáo dục, cơ quan doanh nghiệp… giúp đỡ và phối hợp cùng gia đình tạo điều kiện giúp đỡ nhằm giúp họ cảm nhận được tình cảm của người thân, cộng đồng. Cũng trong 3 năm qua, tại Công an 4 phường trên địa bàn Ngũ Hành Sơn đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình hay, đạt kết quả tốt về công tác tái hòa nhập cộng đồng. Cụ thể, Công an phường (CAP) Hòa Hải với mô hình "3 biết, 2 hỗ trợ" đã phối hợp cùng các đoàn thể, Hội Phụ nữ… liên hệ giới thiệu việc làm cho 22 đối tượng tại các cơ sở điêu khắc Minh Ngọc, Hùng An… và khảo sát hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 5 đối tượng thuộc diện tái hòa nhập cộng đồng; CAP Mỹ An với mô hình "4 kèm cặp, 2 hỗ trợ" đã giúp 19 đối tượng tiến bộ hoặc mô hình "Hội cựu chiến binh phòng chống tội phạm" tại phường Hòa Quý đã kèm cặp giúp đỡ 13 đối tượng và tư vấn việc làm cho 8 đối tượng trong diện quản lý tái hòa nhập cộng đồng…
Theo Thượng tá Phạm Tấn Quốc- Phó trưởng CAQ Ngũ Hành Sơn, ngoài việc giúp đỡ bằng những việc làm cụ thể như giới thiệu việc làm, hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn, vấn đề then chốt giúp người lầm lỡ "tự đứng lên", hòa nhập tốt với cộng đồng là ổn định tư tưởng của họ. Bởi những người lầm lỗi thường tự ti, mặc cảm với quá khứ. Vì vậy, từ ngày đầu trở về, cộng đồng nhanh chóng tiếp xúc, bằng những việc thiết thực để người vừa mãn hạn tù nhận thấy xã hội không kỳ thị, xa lánh, sớm ổn định tư tưởng, cuộc sống để hòa nhập ngay với cộng đồng. Để đạt được kết quả như vậy, ngoài sự nỗ lực của ngành Công an, đòi hỏi có sự chung tay của gia đình và toàn xã hội. Cụ thể, Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp cùng các cơ quan ban, ngành vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm cho những người chấp hành xong án phạt tù, không được kỳ thị, tích cực giúp họ ổn định về tư tưởng, nắm được tâm tư nguyện vọng của từng người để có hướng hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm… phù hợp.
Trở về trong vòng tay của gia đình và cộng đồng, những người chấp hành xong án phạt tù tại Q. Ngũ Hành Sơn đã cảm nhận được sự ấm áp của tình cảm, lòng vị tha… và đã tự "đứng lên", làm lại cuộc đời.
M.T