Tạo sức bật cho năm thu hút đầu tư 2020

Thứ tư, 01/01/2020 18:25

Năm 2020, Đà Nẵng chuẩn bị tốt về hạ tầng, cơ chế  nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề năm đẩy mạnh thu hút đầu tư thứ 3 liên tiếp, công - nông nghiệp công nghệ cao, logistics và dịch vụ là 3 lĩnh vực “rộng cửa” nhất để đầu tư vào Đà Nẵng trong năm tới. Đây cũng là 3 lĩnh vực tạo thế chân kiềng vững chắc để kinh tế Đà Nẵng phát triển bền vững.

 

Sẵn sàng mặt bằng

Dù đạt kết quả thu hút đầu tư khả quan với số vốn kỷ lục trong năm qua, song Đà Nẵng không dừng lại, tiếp tục chọn lựa chủ đề này cho năm 2020. Bởi lẽ thu hút đầu tư là cả một quá trình dài chuẩn bị, kết quả năm 2019 là tiền đề vững chắc để tạo sức bật cho năm tới. Trong bối cảnh phải cạnh tranh thu hút đầu tư gay gắt với các địa phương khác mà  Đà Nẵng lại “kén chọn” các dự án có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, bền vững với môi trường, thì mục tiêu này càng phải kiên trì. Sự phát triển kinh tế bền vững của Đà Nẵng không chỉ phụ thuộc ngành dịch vụ, thương mại như hiện nay mà thực sự không thể thiếu vai trò của ngành logistics, công-nông nghiệp chất lượng cao. Nhìn lại quá trình chuẩn bị cho 3 ngành kinh tế chủ lực này của Đà Nẵng có thể thấy một nền tảng vững chắc. Quỹ đất, cơ sở hạ tầng và cơ chế để đầu tư vào 3 lĩnh vực trên được Đà Nẵng chuẩn bị kỹ càng, khi thu hút được các dự án lớn đầu tư vào sẽ tạo sức bật tăng trưởng nhanh, bền vững cho kinh tế TP.

Thời gian qua, mặt bằng sản xuất, kinh doanh phục vụ nhà đầu tư là một thách thức với Đà Nẵng trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp. Do vậy, để gỡ vướng mặt bằng, bên cạnh việc triển khai nhiều khu cụm công nghiệp mới, TP đã cho rà soát quỹ đất hiện có trong các KCN nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết về mặt bằng của nhà đầu tư. Qua rà soát phát hiện 16 dự án chậm triển khai (đã xử lý 10 dự án), 5 dự án cho thuê nhà xưởng không đúng quy định. Với các dự án mới đang triển khai như Khu CNTT tập trung, Khu Công nghệ cao tại Hòa Liên, TP yêu cầu đẩy nhanh tiến độ để sớm “giải cơn khát” mặt bằng. Theo đó, Khu CNTT tập trung tổng vốn hơn 666 tỷ đồng đã hoàn thành hạ tầng giai đoạn 1 với 131 ha. Qua xúc tiến đầu tư tại Mỹ, một số đối tác lớn đã quan tâm, ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư. Hiện Khu CNTT này đang xúc tiến triển khai các công trình thuộc phân khu chức năng theo quy hoạch như tổ hợp văn phòng, khu hội chợ triển lãm, vườn ươm CNTT, khu nhà ở chuyên gia...

Khu CNC hiện đã cơ bản hoàn thành 85% hạ tầng giai đoạn 1 (406 ha) và 65% hạ tầng giai đoạn 2 (217 ha) từ vốn ngân sách. Giai đoạn 3 của dự án 506ha chủ yếu để bố trí xây dựng các khối nhà chuyên gia và nhà ở công nhân (không bố trí đất sản xuất). Trước mắt TP chỉ triển khai đầu tư tuyến đường bao quanh hồ Hòa Trung để kết nối giao thông giữa giai đoạn 1 và 2, phần còn lại của giai đoạn 3 sẽ triển khai đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa. Hiện Khu CNC đã thu hút được 17 dự án trong đó có 8 dự án FDI tổng vốn hơn 330 triệu USD, 9 dự án trong nước với tổng vốn hơn 5,3 ngàn tỷ đồng. Có 4 dự án đã đi vào hoạt động, các dự án khác đang trong quá trình triển khai đầu tư. Ngoài ra, để tạo sức bật từ nền tảng hạ tầng công nghiệp, TP đang thực hiện thủ tục để xây dựng KCN Hòa Ninh 400 ha, Hòa Nhơn 393 ha, Hòa Cầm giai đoạn 2 rộng 119 ha.

Để giải bài toán thiếu mặt bằng đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, Đà Nẵng đã cho rà soát, tiến hành đấu giá 12 khu đất lớn. Nổi bật như  các lô A1.1, A9 mặt tiền Võ Văn Kiệt (Sơn Trà); dự án tổ hợp pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (Ngũ Hành Sơn); lô A1-12 khu C, Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ... Bên cạnh đó, TP cũng thực hiện chuyển đổi một số khu đất thương mại dịch vụ để đầu tư công trình công cộng như y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa (85 lô đất với tổng diện tích hơn 452 ngàn m2 được đề nghị lựa chọn chuyển đổi). TP cũng cho hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất ngoài các KCN để kêu gọi đầu tư (hiện Sở Xây dựng đã thẩm định 16/57 đồ án).

Thương mại dịch vụ là một trong 3 trụ cột thu hút đầu tư của Đà Nẵng.

Đầu tư bền vững

Ngoài việc chuẩn bị hạ tầng thu hút các dự án công nghiệp CNC, thương mại dịch vụ và đã gặt hái thành công trong năm 2019, Đà Nẵng đang tích cực đầu tư hạ tầng để phát triển nông nghiệp CNC, logistics. Hiện nay đề án thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC Hòa Ninh rộng 140 ha đã hoàn thành, đang tích cực triển khai đầu tư. Các vùng sản xuất nông nghiệp CNC Hòa Khương- Hòa Phong (16ha), Hòa Phú (hơn 20 ha), Hòa Khương (hơn 25ha) đang trình phê duyệt quy hoạch chi tiết. Các vùng chăn nuôi tập trung như Hòa Bắc (230 ha), Trường Định, Hòa Liên (50ha) đang lập thủ tục quy hoạch chi tiết.

Ngành logistics gắn với kinh tế biển Đà Nẵng có nhiều lợi thế, được định hướng trong Nghị quyết 43, tương lai cũng là một trụ cột kinh tế quan trọng của TP. Để thu hút đầu tư các dự án lớn trong lĩnh vực này đòi hỏi đầu tư hạ tầng giao thông, cảng biển, kho bãi rất lớn. Hiện dự án cảng Liên Chiểu với quy mô lớn, là cảng trung chuyển nước sâu quốc tế đang được kỳ vọng sẽ tạo sức bật phát triển ngành logistics của Đà Nẵng. Dự án cảng Liên Chiểu quy mô 220 ha bao gồm xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng đến đường Hồ chí Minh, đường vành đai phía Bắc đang triển khai lập quy hoạch phân khu 1/2.000, thời gian hoàn thành vào ngày 31-12-2019. Hiện tư vấn đang lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự kiến trình phê duyệt vào ngày 28-2-2020.

Trước đó, Bộ KH&ĐT đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội bổ sung dự án vào danh mục đầu tư công trung hạn và bố trí vốn cho dự án 300 tỷ đồng từ nguồn dự phòng 10% của Trung ương. Theo tư vấn Surbana Jurong (Singapore) đang điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng thì toàn bộ KCN Liên Chiểu và vùng phụ cận từ nay tới 2030 sẽ chuyển đổi thành trung tâm logistics phục vụ cho cảng Liên Chiểu. Đặc biệt, hạ tầng sau cảng Liên Chiểu hiện đã được đầu tư khá đồng bộ, bao gồm các tuyến cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, La Sơn- Túy Loan, nhà ga và tuyến đường sắt mới cũng được thiết kế song song cao tốc, các khu công nghiệp, CNC, CNTT, hầm đường bộ Hải Vân 2 đang về đích... Ngoài ra, sân bay Đà Nẵng cũng được đầu tư nâng công suất lên 30 triệu khách/năm vào năm 2030, tới năm 2045 xem xét mở rộng sân bay tới đường Cách Mạng Tháng Tám, chuyển đổi KCN Hòa Cầm thành trung tâm logistics phục vụ sân bay.

Có thể nói, Đà Nẵng đã và đang tập trung nguồn lực để phát triển 3 trụ cột kinh tế gồm công-nông nghiệp CNC, logistics và dịch vụ-thương mại. Đây cũng là những lĩnh vực có nhiều cơ hội thu hút đầu tư, tạo đà tăng trưởng nhanh và bền vững cho TP trong thời gian tới.

HẢI QUỲNH