Tạo thế mạnh cho bệnh viện bằng kỹ thuật mới

Thứ ba, 28/04/2015 12:15

(Cadn.com.vn) - Yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh là áp dụng các kỹ thuật mới. Muốn vậy, công tác nghiên cứu khoa học và sáng kiến cải tiến luôn là yếu tố then chốt. Đó cũng là lý do thu hút hàng trăm giáo sư, bác sỹ, chuyên gia y tế trong và ngoài nước cùng hội tụ tại Đà Nẵng trong ngày 27-4 để bàn thảo, trao đổi  trong một hội nghị khoa học quy mô.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn chúc mừng các chuyên gia quốc tế về Đà Nẵng dự hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói rằng, sự phát triển y tế của Đà Nẵng trong những năm qua rất khả quan, trong đó việc áp dụng các kỹ thuật mới ở Bệnh viện (BV) Đà Nẵng gặt hái được những thành tựu lớn. Tất nhiên, với mong muốn phát triển ngành dịch vụ (trong đó có y tế) là mũi nhọn của TP thì những trao đổi y học thực hành thu hút nhiều giáo sư, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước rất quan trọng.

Trong khi đó, BS Trần Ngọc Thạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc BV Đà Nẵng  nhìn nhận: Trong 5 năm qua, các kỹ thuật chuyên sâu về chẩn đoán cũng như điều trị đã dần được đầu tư ngày càng hoàn thiện ở BV Đà Nẵng. Đặc biệt, Trung tâm y học hạt nhân và xạ trị được đầu tư thành lập có khả năng chẩn đoán sớm và điều trị các bệnh ung bướu, tim mạch, thần kinh… bước đầu giúp người dân miền Trung đỡ tốn kém tiền của, công sức để đi khám, chữa trị ở xa. Chính việc phát triển chuyên sâu các chuyên ngành đã dẫn đến sự hình thành các trung tâm lớn như Trung tâm Phụ sản - Nhi, Trung tâm Y học hạt nhân và xạ trị, sắp tới là Trung tâm tim mạch...

Một chủ đề được đội ngũ thầy thuốc rất quan tâm hiện nay chính là những tiến bộ trong y học hạt nhân phục vụ điều trị ung thư. GS.TS Mai Trọng Khoa - PGĐ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: Ung thư hiện là bệnh phổ biến nhất trong mô hình bệnh tật và gây ra nhiều hậu quả nặng nề. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tử vong rất cao do ung thư, nhiều nhất là ung thư phổi, gan, dạ dày. Với tiến bộ của KHCN, nhất là trong lĩnh vực y học hạt nhân và xạ trị đã đem lại nhiều thành công lớn trong chẩn đoán và điều trị ung thư.

Chẳng hạn như tiến bộ trong ghi hình kết hợp giữa X-quang và y học hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong việc xác định đúng giai đoạn bệnh và giúp lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu nhằm kéo dài sự sống cho người bệnh. Trong điều trị ung thư, việc phát hiện, can thiệp sớm có ý nghĩa quan trọng, giúp chữa khỏi bệnh. Thực tiễn, với sự tiến bộ của KHKT, khả năng phát hiện ung thư sớm hiện không phải trở ngại lớn. “Ở nước ta, một số kỹ thuật như xạ trị trong mổ, cấy hạt phóng xạ, điều trị nút mạch vi cầu phóng xạ, xét nghiệm đột biến gen đã ngang hàng các nước trong khu vực và một số nước trên thế giới. Những tiến bộ này đã góp phần nâng cao hơn chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ung thư”, GS Khoa cho hay.

 Áp dụng kỹ thuật mới trong xạ trị ung thư tại BV Đà Nẵng. 

Trong khi đó, GS Trần Ngọc Sinh (BV Chợ Rẫy TP HCM) đặt vấn đề về thực trạng ghép tạng ở nước ta, một vấn đề còn nhiều việc phải bàn hiện nay. BV Đà Nẵng cũng là một trong đơn vị cả nước có thể tiến hành ghép tạng thành công hiện nay. GS Sinh cho biết, ghép tạng ở Việt Nam đã thực hiện được khoảng 23 năm nay (chậm hơn 40 năm so với thế giới) mặc dù về kỹ thuật rất phát triển. Thậm chí sắp tới, chúng ta có thể ghép đa tạng như tim và phổi, thận và tụy, thận và gan…

Song cái khó ở đây chính là nguồn tạng để ghép. Những người hiến thận sống là thân nhân đủ điều kiện không nhiều, trong khi những người hiến thận sống không cùng huyết thống, hiến vì mục đích nhân đạo rất ít. Đa số người hiến thận không cùng huyết thống có động cơ buôn bán, để qua mắt luật pháp họ làm giấy cam kết không lấy tiền nhưng thực chất người nhận thận phải đưa tiền, đồng thời hình thành đường dây buôn bán nội tạng. Với nguồn tạng từ người cho chết não thì khởi đầu yếu ớt. Ở Việt Nam mới có hơn 50 trường hợp so với nhu cầu mỗi năm hàng ngàn trường hợp. Mỗi năm nước ta có 10 ngàn người chết vì tai nạn giao thông, nếu chỉ cần 1/10 người chết não hiến tạng thì chúng ta có thể ghép được 2.000 ghép thận, 1.000 ghép tim hoặc phổi, gan. Thực tiễn đó cho thấy, cần động viên công chúng hiến tạng nhân đạo, đó là đặc điểm văn hóa mới của xã hội hiện đại. Mặt khác, cần đẩy mạnh nhiều trung tâm ghép tạng hơn nữa thay vì tập trung tại vài trung tâm y tế trung ương.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu về các kỹ thuật, phương pháp liên quan các bệnh phổ biến đã được đưa ra trao đổi tại hội nghị, thu hút sự quan tâm lớn trong giới y học hiện nay. Chẳng hạn như đề tài về những tiến bộ trong điều trị u gan bằng phóng xạ của PGS Trần Đình Hà (BV Bạch Mai); Khuynh hướng hiện nay trong phẫu thuật tim của GS.TS Erich Gygax- Đại học Bern- Thụy Sỹ; phẫu thuật thẩm mỹ vùng chóp mũi, tạo mảnh ghép bằng sụn vách ngăn của chuyên gia Do Hyoung Lim (Hàn Quốc)…

BS Thạnh cho biết tổng cộng có hơn 120 nghiên cứu và báo cáo khoa học được gửi tới Hội nghị, tất cả đều thể hiện sự đầu tư chuyên sâu, rất thiết thực và có ý nghĩa lớn trong thực tiễn hiện nay, đặc biệt là những nghiên cứu của các GS đầu ngành, các chuyên gia tới từ Mỹ, Đức, Nhật, Hàn Quốc…

Thành Nam