Tạo thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững
Khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong tiếp tục thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Phó Thủ tướng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp đã có sự chuyển đổi từ nhận thức đến những hành động thể hiện tinh thần, trách nhiệm, đóng góp vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và đồng hành cùng đất nước trên con đường chuyển đổi xanh; không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội mà còn là sự nhạy bén trước các xu thế phát triển của thời đại.
Nhấn mạnh những thách thức có tính lịch sử, Phó Thủ tướng cho rằng, phục hồi xanh, trung hòa carbon, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cùng với bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên đã trở thành xu thế tất yếu của thời đại, từng bước đi vào chính sách và hành động cụ thể của các quốc gia.
Hiện nay, năng lực cạnh tranh, khả năng thu hút các doanh nghiệp của mỗi quốc gia hiện không nằm ở lao động giá rẻ, ưu đãi thuế, chính sách hỗ trợ đất đai “mà là tính hấp dẫn của nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch”. Đây là cơ hội cho những quốc gia nhanh chóng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nhưng cũng là thách thức, “hàng rào không thể vượt qua đối với những ai chậm chân”.
Phó Thủ tướng khẳng định, với tầm nhìn chiến lược, Đảng, Nhà nước đã xác định chủ trương và lộ trình hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn hướng tới net zero. “Cam kết thực hiện net zero vào năm 2050 là thách thức rất lớn đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nhưng đây là thời điểm, cơ hội để cùng hành động, thực hiện các mục tiêu toàn cầu; là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào tri thức, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ; đưa đất nước phát triển theo con đường “xanh”có thu nhập cao vào năm 2045”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng nói, chuyển đổi xanh không chỉ là cơ hội tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp gắn với lợi ích bền vững của cộng đồng về văn hóa, xã hội và môi trường mà còn là cơ hội dẫn đầu xu thế như phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất hydro xanh, lưu trữ năng lượng và các ngành nghề mới. Do đó, Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, tập trung đưa ra những chính sách, mô hình thí điểm thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) nhằm tạo ra “hệ sinh thái” của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.
Tại Diễn đàn, hơn 300 đại biểu tham dự trực tiếp và gần 30 diễn giả tập trung thảo luận về một số nội dung trọng tâm như: Đẩy mạnh triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp; xây dựng chuỗi cung ứng xanh; bảo tồn đa dạng sinh học; chuyển dịch năng lượng bền vững; phát triển kinh tế biển xanh; thực hành khung đánh giá ESG trong doanh nghiệp hướng tới tăng trưởng xanh.
DIỆP TRƯƠNG