Tập trung đấu tranh mạnh với tội phạm “tín dụng đen”, công nghệ cao

Thứ năm, 11/08/2022 11:46
Ngày 10-8, bằng hình thức trực tuyến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tại đầu cầu Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng chủ trì hội nghị.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng tham dự phiên chất vấn tại đầu cầu Đà Nẵng.
Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh rằng: Yêu cầu các Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, không né tránh, đúng trọng tâm, đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi cho cả trước mắt và lâu dài để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực và vấn đề đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của cử tri, nhân dân cả nước.

Trước khi trả lời những câu hỏi chất vấn của đại biểu, điển hình là các nội dung liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm công nghệ cao..., Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng: Chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Công an thể hiện sự quan tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, sự quan tâm của cử tri cả nước đến lực lượng Công an nhân dân (CAND), qua đó góp phần giúp lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những nội dung chất vấn đều là những vấn đề “nóng bỏng” của thực tiễn mà cử tri nhân dân cả nước quan tâm, đồng thời là những vấn đề có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay. “Nhìn tổng thể chung, chúng ta đã giữ vững ANTT, bảo vệ được lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong môi trường thế giới, khu vực nhiều diễn biến phức tạp, nhưng nhiều lĩnh vực công tác của chúng ta đã có chuyển biến tích cực, dù còn không ít tồn tại, khó khăn, thách thức” – Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu.

Trấn áp mạnh tội phạm “tín dụng đen”

Một trong những vấn đề nóng mà các đại biểu quốc hội đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tô lâm là thực trạng tình hình tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” hiện đang rất phức tạp, thủ đoạn tinh vi. Bộ trưởng Tô Lâm cho hay: Những năm gần đây, lực lượng công an đã phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan xử lý, giải quyết trấn áp mạnh mẽ loại tội phạm này. Nhờ đó, loại tội phạm “tín dụng đen” được kiềm chế, đẩy lùi, không còn tình trạng phức tạp, công khai, lộng hành như trước đây. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, tình hình vẫn còn nhiều tiềm ẩn, phức tạp, nhất là cho vay qua Internet.

Ngành Công an cũng đã triệt phá băng nhóm hoạt động với quy mô lớn, hoạt động ở nhiều tỉnh thành do các đối tượng, thậm chí có cả người nước ngoài tham gia điều hành với quy mô rất lớn, với số tiền cho vay lên tới cả ngàn tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do nhu cầu “tín dụng đen” trong nhân dân rất lớn, nhiều người khó khăn bị các đối tượng lợi dụng. Chúng sử dụng nhiều thủ đoạn, tận dụng kẽ hở giữa hoạt động dân sự và hình sự để cho vay. “Đây là ranh giới rất phức tạp, nếu không thận trọng có thể hình sự hóa các quan hệ dân sự. Nếu không làm nghiêm thì lại bỏ lọt tội phạm. Ngành Công an sẽ tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", nhất quyết không chủ quan, chùng xuống. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, thường xuyên cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, để nhân dân phòng ngừa” – Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Bộ trưởng cũng khẳng định, sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng đẩy mạnh các biện pháp để người dân tiếp cận được nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng của ngân hàng một cách thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu, không phải đi vay “tín dụng đen”. Cùng với đó, tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các loại tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" bởi phần lớn các tổ chức "tín dụng đen" đều có liên quan, có quan hệ với đối tượng tội phạm hình sự. Và ngành Công an cũng đã có giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các nhóm tội phạm có tổ chức. Đây là một trong những giải pháp rất quan trọng đã thực hiện thành công và sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng tham dự phiên chất vấn tại đầu cầu Đà Nẵng.

Tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự trên không gian mạng

Liên quan đến hoạt động của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn của các đại biểu rằng: Dù thủ đoạn không mới, nhưng cách thức tiếp cận nạn nhân của đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp. Trước khi phiên chất vấn diễn ra, Bộ trưởng đã có báo cáo gửi các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về một số nội dung liên quan, trong đó nêu rõ: Về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên mạng Internet đang diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong công tác bảo đảm ANQG, phòng chống tội phạm. Nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin vẫn ở mức rất cao. Hoạt động trao đổi, mua bán trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng diễn ra công khai. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng, an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia, Bộ Công an tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Làm tốt công tác nắm tình hình, dự báo; tham mưu đẩy mạnh hoạt động của Ban Chỉ đạo “An toàn, an ninh mạng quốc gia”; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng”…

Về tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Bộ trưởng cho hay, dù thủ đoạn không mới, song cách thức tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, với số lượng lớn bị hại tham gia tại nhiều địa phương trên cả nước. Nổi lên là các thủ đoạn như: Thông qua hoạt động của các sàn đầu tư chứng khoán, giao dịch vàng trên thị trường ngoại hối (forex), quyền chọn nhị phân (BO), giao dịch tiền “ảo”, vàng “ảo”, ngoại tệ “ảo”, dự án bất động sản... hoặc hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép qua mạng để quảng cáo... Hay thủ đoạn lợi dụng hoạt động cho vay trên mạng, nhất là vay ngang hàng hoặc cố tình chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác để tạo cớ dẫn dụ nạn nhân vay tiền; Sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội, sau đó, nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại…

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý với tội phạm sử dụng công nghệ cao thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, sẽ tập trung tham mưu với Quốc hội, Chính phủ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực bảo đảm ANTT trên không gian mạng; đồng thời, đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Xử lý nghiêm trường hợp làm lộ lọt, rao bán dữ liệu cá nhân

Về câu hỏi đặt ra tại phiên chất vấn ngày 10-8 của đại biểu là: Nhiệm vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân mà Bộ Công an đang triển khai? Và thông tin cá nhân được rao bán trên mạng xã hội đang phổ biến, Bộ Công an có giải pháp gì phòng ngừa, ngăn chặn để người dân yên tâm? Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Việc bảo vệ dữ liệu cá nhân nói chung, đối với công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nói riêng, Bộ Công an đang tích cực thực hiện. Thực trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân của Việt Nam cũng như nhiều nước là rất đáng báo động. Trong khi đó, hành lang pháp lý về vấn đề này chưa hoàn thiện, ý thức của người dân về bảo vệ thông tin cá nhân cũng chưa cao. Bên cạnh triển khai nhiều giải pháp, đến năm 2024, Bộ Công an sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ trình ra Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là khi tham gia trên môi trường không gian mạng.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Sẽ điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ lọt, rao bán dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật. “Hiện chúng tôi đang điều tra vụ việc đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân, được cho là lấy nguồn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Và một số cơ sở dữ liệu ở các ngành khác, chẳng hạn như Bộ Y tế… cũng có nguy cơ để lộ lọt. Về bảo vệ cơ sở dữ liệu cá nhân của Bộ Công an trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu này là tài nguyên của quốc gia nên phải được bảo đảm an toàn, an ninh. Bộ Công an đã tổ chức triển khai từ đầu rất nghiêm ngặt, thực hiện đúng các điều kiện về an ninh, an toàn ở mức độ 4 của quốc gia. Hiện nay đang tiếp tục rà soát, đảm bảo an toàn. Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm ngặt việc thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin dân cư cùng với sự phân cấp, phân quyền chặt chẽ từ trung ương đến các cơ sở. Chúng tôi xem đây là mệnh lệnh trong ngành Công an để quản lý, làm các việc này” – Đại tướng Tô Lâm nói.

Bộ trưởng cũng cho hay, sẽ thường xuyên tổ chức giám sát kỹ thuật chuyên biệt 24/24 để ngăn chặn việc tấn công xâm nhập, lấy cắp dữ liệu. Vì nếu không có một hệ thống đảm bảo an toàn thì nguy cơ bị tấn công rất lớn, trong đó nhiều cuộc tấn công từ nước ngoài. Theo Bộ trưởng, ngành Công an thường xuyên kiểm tra độ an ninh, an toàn của hệ thống ở các bộ ngành, địa phương và chỉ thực hiện kết nối khi nào thấy an toàn. Hiện qua kiểm tra mới xác định được 10 bộ ngành và 33 địa phương có thể đảm bảo được an toàn trong việc kết nối với trung tâm thông tin dữ liệu quốc gia về dân cư.

CÔNG HẠNH