Tập trung hoàn thành chiến dịch làm sạch dữ liệu tiêm chủng vào 11-11

Thứ ba, 09/11/2021 15:41

Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đã đạt được 90 triệu số mũi tiêm trên cả nước. Đến nay, có khoảng hơn 61 triệu người đã được tiêm mũi 1, hơn 29 triệu người đã tiêm mũi 2.

Triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng từ 15 đến dưới 18 tuổi.

Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều vướng mắc và bất cập trong quá trình tổ chức tiêm, tính chính xác của dữ liệu tiêm, việc trả kết quả tiêm cho người dân… Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến quán triệt quy trình phối hợp giữa ngành y tế, công an xác minh thông tin công dân của người dân được tiêm vaccine phòng COVID-19 và quy trình xử lý phản ánh thông tin tiêm chủng COVID-19, do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 8-11, kết nối với trên 11.000 điểm cầu với các địa phương.

Quyết liệt triển khai ngay tại cấp xã

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, để đảm bảo công tác tiêm chủng được hiệu quả hơn nữa, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng Bộ Y tế trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

 “Bộ Y tế, Bộ Công an phối hợp Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp với ngành y tế và công an thực hiện chiến dịch làm sạch dữ liệu tiêm chủng, xác thực thông tin người dân về tiêm chủng và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (hoàn thành trước ngày 11-11). Hai Bộ phối hợp tổ chức xác nhận giá trị pháp lý của dữ liệu tiêm đã được xác minh thông tin người tiêm; xác minh lại những dữ liệu tiêm còn chưa rõ ràng, có thể chưa chính xác với nguyên tắc ngành y tế xác thực thông tin về tiêm chủng, ngành Công an xác thực thông tin về định danh cá nhân”, Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh.

Về phía Bộ Công an, Trung tướng Tô Văn Huệ - Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho hay, Bộ đang đẩy mạnh việc cấp căn cước công dân phục vụ người dân. Đến nay, Bộ đã cấp hơn 50 triệu thẻ căn cước công dân và đến hết năm 2021 hoàn thành cấp cho 76 triệu người dân trong hạn tuổi, trường hợp chưa đến tuổi được cấp căn cước công dân (trẻ dưới 14 tuổi) thì đều có 1 mã số định danh riêng.

Thời gian đầu chưa có hướng dẫn cập nhật thông tin cập nhật trên phần mềm đầy đủ theo chuẩn. Do trước kia chúng ta đẩy mạnh tiêm càng nhanh càng nhiều để kịp thời phục vụ chống dịch. Sau này, những mũi tiêm được xác định là cơ sở để phục vụ đi lại cho người dân, nên thông tin phải chuẩn, xác thực từng mũi tiêm. “Từ ngày 5-11 với những người tiêm chủng xong, mũi tiêm phải cập nhật lên hệ thống trong ngày. Hiện nay, qua rà soát chúng tôi thấy với trường hợp tạm trú kiểm tra còn thiếu nhiều, tập trung vào khắc phục để đến ngày 11-11 hoàn thành cập nhật dữ liệu của các mũi tiêm cũ. Hội nghị trực tuyến được tổ chức đến cấp cơ sở, vì vậy các địa phương cần tập trung quyết liệt việc này, triển khai ngay tại cấp xã với quy trình đầy đủ triển khai ngay”, Trung tướng Tô Văn Huệ nhấn mạnh.

Còn nhiều khó khăn

Tại cuộc họp trực tuyến, một số ý kiến phát biểu từ đầu cầu các tỉnh, thành phố được đưa ra.

Tại đầu cầu Hà Nội, đại diện CATP Hà Nội cho biết đã cập nhật đầy đủ thông tin của 4,3 triệu mũi tiêm trong tổng số hơn 8,5 triệu mũi tiêm vaccine phòng COVID-19, còn hơn 4 triệu mũi tiêm sẽ phối hợp với Sở Y tế và các xã phường để hoàn thiện cơ sở dữ liệu trong thời gian sớm nhất. Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho hay thành phố là địa phương tiêm vaccine sớm và nhiều nhất. Đến nay, thành phố đã tiêm được 13,6 triệu mũi tiêm vaccine phòng COVID-19. Vấn đề trong cập nhật dữ liệu tiêm chủng là thay đổi phần mềm khiến việc khớp dữ liệu cơ sở về dân cư còn nhiều khó khăn vì thành phố có tới 30% dân số là người nhập cư, vì vậy những thông tin về quản lý cơ sở dữ liệu của người nhập cư cần sự phối hợp của nhiều địa phương và ban ngành và TP Hồ Chí Minh khó có thể hoàn thành đúng được tiến độ vào ngày 11-11.

Một vấn đề nữa ông Đức cũng chia sẻ đó là việc hiện nay TP Hồ Chí Minh đã tiêm xong mũi 1 cho trẻ từ 12-18 tuổi. Điều đặc biệt là nhiều trẻ dưới 14 tuổi chưa có căn cước công dân, thậm chí khi trẻ đi tiêm còn chưa biết được mã số định danh của trẻ. Nếu theo yêu cầu mới cần phải có đủ thông tin về căn cước công dân, mã số định danh khi lập danh sách có đầy đủ các thông tin mới được tiêm thì trong những thời điểm cấp bách sẽ gây rất nhiều khó khăn khi thời điểm dịch bùng phát...

Ông Đỗ Trường Duy - Cục trưởng Cục công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho hay việc xác thực thông tin trên nguyên tắc ngành y tế xác thực thông tin về tiêm chủng, ngành công an xác thực thông tin về định danh cá nhân. Trên cơ sở thông tin của người dân đã tiêm chủng (bao gồm bắt buộc 4 thông tin: Họ và tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, số CCCD/CMT) trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 chia sẻ, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an sẽ tiến hành kiểm tra, đối sánh thông tin người dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với một số trường hợp cụ thể.

T.H