Tập trung khắc phục hậu quả bão số 4

Thứ tư, 14/09/2016 07:58

(Cadn.com.vn) - Chỉ cần một trận mưa lớn trong khoảng thời gian ngắn, nhiều tuyến phố và khu dân cư ở Đà Nẵng đã ngập sâu khiến việc đi lại, sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, cơn bão đầu mùa tối 12-9 không trực tiếp đổ bộ vào Đà Nẵng nhưng cũng làm cho rất nhiều cây xanh gãy đổ, bật gốc.

Nhiều cây xanh bật gốc

Bão số 4 không mạnh, gió chỉ “tạt” qua Đà Nẵng trong một thời gian rất ngắn nhưng tại nhiều tuyến đường ven biển cũng như khu vực nội thành đã xuất hiện nhiều cây xanh bị gãy đổ, bật gốc. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng, một số tuyến đường như Lê Đức Thọ, Như Nguyệt, Trần Phú, Bạch Đằng, Nguyễn Tất Thành, Trần Hưng Đạo, Vân Đồn, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt... nhiều loại cây xanh nằm chỏng chơ để lộ phần rễ rất ngắn. Người dân tại một số khu dân cư lo ngại nếu có bão mạnh, chắc chắn cảnh cây xanh đổ la liệt như cách đây 4-5 năm sẽ tái diễn.

Trong sáng 13-9, Cty Công viên cây xanh Đà Nẵng đã huy động công nhân triển khai kiểm đếm số lượng cây xanh ngã đổ đồng thời khắc phục, dựng những cây có thể phục hồi và rong tỉa cành lá. Ông Đặng Đức Thứ - Giám đốc Cty cho biết, bão đi qua toàn thành phố có 145 cây xanh, chủ yếu là muồng tím và lim xẹt, 376 cây khác bị nghiêng, nhiều nhất là trên tuyến đường Võ Văn Kiệt. Trong số này chỉ một phần là do Cty trồng, phần còn lại là nhận bàn giao chăm sóc, duy tu từ các dự án, đơn vị chỉ thống kê ở những con đường trên 7,5m trở lên. “Chúng tôi chỉ đến kiểm tra rồi nhận bàn giao từ các dự án. Kiểm tra thì cũng chủ yếu là phía trên mặt đất chứ không thể biết được họ trồng có đảm bảo hay không. Nhiều cây bị xén rễ để làm mương thoát nước, đi cáp ngầm. Khi rễ yếu, không bám được vào đất thì có bão là ngã đổ”, ông Thứ cho hay.

Cây đổ trên đường phố Đà Nẵng trong bão số 4.

Ngập từ nội thành tới vùng ven

Ngay trong chiều 12-9, mưa lớn đã khiến nhiều tuyến phố nội thành ngập sâu khiến việc đi lại của người dân vào giờ tan tầm bị đảo lộn. Các vùng “rốn ngập” khi có mưa lớn như ngã tư Hàm Nghi – Nguyễn Văn Linh, Hoàng Hoa Thám – Hùng Vương, đường Quang Trung, Hải Hồ, Lê Duẩn... nước ngập bánh xe. Tại đường Quang Trung, một số vị trí nước ngập lên cả vỉa hè, độ sâu hơn 35cm kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Mưa cũng gây ngập nặng đối với 145 hộ dân trên địa bàn Hòa Vang.

Ông Mai Mã - Giám đốc Cty Thoát nước và Xử lý nước thải thành phố, đợt mưa vào sáng và trưa 12-9 đã khiến một số tuyến đường ngập từ 20-35cm. Dự kiến đến cuối năm nay thành phố sẽ còn lại 39 điểm ngập úng, giảm 11 điểm so với cuối năm 2015. Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố trong mùa mưa thường xuất phát từ việc hư hỏng hệ thống thoát nước, hệ thống đấu nối thiếu hợp lý, thậm chí nhiều khu vực chưa được nghiên cứu quy hoạch, không hề có hệ thống thoát nước. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất vẫn là xuất phát từ việc các khu vực đã có quy hoạch hoặc dự án được duyệt nhưng triển khai không đồng bộ hoặc thi công dở dang cản trở dòng chảy mỗi khi có mưa lớn.

Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) TP Đà Nẵng, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi đi qua TP Đà Nẵng nên gây thiệt hại không đáng kể. Toàn thành phố có 2 tàu cá bị chìm là tàu mang số hiệu TTH- 90379 công suất 320CV, của HTX Hải Nhi. Ngoài ra có khoảng 42,5 ha hoa màu chưa thu hoạch trên địa bàn H. Hòa Vang bị mưa gây ngã đổ; 3,5 tấn cá trê lai, 300 con gia cầm bị trôi. Về giao thông, có 100m đường bê-tông tại thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn bị sạt lở, 200m đường ĐT601 bị bồi lấp.

* Trao đổi với phóng viên Báo CATP Đà Nẵng, đại diện BCH PCTT&TKCN - Tổng Cty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết: Thống kê sơ bộ tính đến chiều ngày 13-9, bão số 4 đã làm đổ nhiều cột điện, gây thiệt hại cho ngành điện ước tính khoảng 1 tỷ đồng do sản lượng điện không cung cấp được khoảng 400.000 kWh. Sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo EVNCPC cùng với Cty Điện lực Đà Nẵng, Cty Lưới điện cao thế miền Trung và Cty Truyền tải Điện 2 đã đến hiện trường khẩn trương tìm phương án xử lý. Đến 7 giờ ngày 13-9, các đơn vị đã xử lý xong sự cố, EVNCPC cung cấp điện trở lại ổn định cho khách hàng khu vực bị ảnh hưởng.

* Chiều 13–9, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết cơn lốc xoáy dữ dội xảy ra vào sáng 13 – 9 quét qua địa bàn các huyện Hải Lăng, Cam Lộ, Gio Linh và Triệu Phong khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, hư hại, cây cối hoa màu bị ảnh hưởng. Ghi nhận tại H. Hải Lăng, có gần 100 nhà dân, 5 nhà thờ, 1 trụ sở hợp tác xã bị thiệt hại sau trận lốc xoáy này, đa phần bị tốc mái. Tại xã Trung Giang (H. Gio Linh) có 10 nhà bị tốc mái. Xã Triệu Lăng (H.Triệu Phong) có 5 nhà và tại xã Cam Tuyền (H. Cam Lộ) có 15 nhà tốc mái hoàn toàn, 2 nhà bị đổ sập. Cũng đã có 7 người bị thương tại địa bàn Hải Lăng và Cam Lộ, trong đó 1 người bị thương khá nặng. Ngay sau khi xảy ra thiên tai, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh đã kịp thời về với nhân dân, động viên, hỗ trợ đồng thời chỉ đạo các lực lượng khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả.

* Ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban PCLB&TKCN tỉnh TT-Huế cho biết, qua thống kê nhanh, tính đến cuối giờ chiều 13-9, trên địa bàn tỉnh có 1 người chết trong bão số 4, đó là ông Trần Hối (67 tuổi, trú xã Lộc An, H.Phú Lộc). Chiều tối 12-9, trong khi ra sông Truồi buộc lại chiếc ghe thì ông Hối bị sẩy chân xuống sông và tử vong tại đây. Cũng theo ông Hùng, cơn bão số 4 đi qua Huế, có nơi gió giật mạnh lên cấp 9 khiến hàng loạt cây xanh bật gốc, gãy đổ. Nghiêm trọng nhất là vụ cây xanh 12 năm tuổi trên đường Phạm Hồng Thái bị gãy vào khoảng 3 giờ ngày 13- 9. Vào thời điểm trên, tài xế Nguyễn Sinh Vượng (trú TP Huế) đang điều khiển xe tải BKS 75C-01165 từ đường Lê Lợi rẽ vào đường Phạm Hồng Thái thì bất ngờ bị một cây bằng lăng đường kính khoảng 80cm, cao 5m bị gió quật gãy đôi đè trúng xe. Vụ việc khiến phần khung kính trước xe tải bị đè nát, tài xế Vượng may mắn thoát nạn.

* Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4, từ ngày 12 đến sáng 13-9 xảy ra mưa lớn kéo dài khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị ngập úng cục bộ. Trong đó, tại H. Mang Yang, mưa lớn cộng với nước từ thượng nguồn đổ về khiến tuyến đường độc đạo vào khu vực 5 xã phía đông của huyện Mang Yang (Gia Lai) bị ngập lụt, gây cô lập hàng nghìn hộ dân ở 5 xã này.

Nhiều người dân cùng phương tiện giao thông bị ách tắc tại Mang Yang (Gia Lai). Ảnh: Minh Tân

Theo phản ánh của người dân, từ khoảng 5 giờ sáng nay, con suối A Yun bỗng nước cuồn cuộn đổ về và dần nhấn chìm cả cây cầu tràn trên tuyến tỉnh lộ này. Nhiều người dân đi từ trung tâm H. Mang Yang vào 5 xã này đành phải quay về hoặc phải đi vòng đoạn đường khác cách cả trăm cây số. Đến cuối giờ chiều, hàng trăm người dân từ 5 xã ra trung tâm H. Mang Yang hoặc ra Quốc lộ 19 vẫn phải đứng bên kia bờ.

Nhóm P.V thời sự

ĐƯỜNG ỐNG ĐẬP THỦY ĐIỆN SÔNG BUNG 2 BỊ VỠ:

Ít nhất 2 người mất tích

Lúc 17 giờ 13-9, người dân H. Nam Giang (Quảng Nam) hoang mang khi hay tin đập thủy điện Sông Bung 2 bị vỡ, cuốn trôi hàng chục người mất tích. Tuy nhiên đến 21 giờ cùng ngày, đoàn công tác của CAH Nam Giang vào đến hiện trường kiểm tra thì xác định đường ống dẫn dòng của thủy điện này bị vỡ chứ không phải vỡ đập như thông tin ban đầu. Vụ vỡ đường ống này đã khiến ít nhất 2 người mất tích, hàng chục phương tiện, máy móc bị cuốn trôi.

Trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết có nghe thông tin và đã cử đồng chí Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp đến hiện trường xem cụ thể thế nào. Đến 22 giờ cùng ngày, ông Huỳnh Khánh Toàn cho biết, qua xác minh thông tin ban đầu cho thấy trong lúc thi công đường ống có 18 công nhân, tuy nhiên trong lúc thi công thì nước tràn vào làm vỡ đường ống khiến 2 công nhân là Nguyễn Minh Luân (1992, trú xã Ngọc Lập, H. Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) và Đặng Văn Tiền (1980, trú TT Thạnh Mỹ, H. Nam Giang) bị nước cuốn mất tích chưa tìm thấy thi thể.

Ngoài 2 người mất tích, nhiều xe cộ, máy móc của đơn vị thi công cũng bị nước cuốn trôi. Trong khi đó, người dân địa phương cho biết, lúc sự cố xảy ra phía gần hạ lưu đập thủy điện này có nhiều người làm vàng và đánh bắt cá. Do vậy có nhiều khả năng số người mất tích nhiều hơn.

Trước sự cố trên, chúng tôi liên hệ với BQL Dự án thủy điện Sông Bung 2 để nắm thêm vấn đề, vị đại diện này cho biết sẽ gửi thông cáo báo chí. Tuy nhiên đến 22 giờ 30 cùng ngày, chúng tôi vẫn chưa thấy phía thủy điện Sông Bung 2 có phản hồi. Để rộng đường dư luận, 9 giờ hôm nay (14-9), UBND tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức họp báo thông tin về vụ việc vỡ đường ống nước thủy điện Sông Bung 2 này.

Trần Tân