Tập trung phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại công trình, địa bàn trọng điểm

Thứ hai, 24/06/2024 11:39

Nhận định tình hình thời tiết và thiên tai từ đây đến cuối năm 2024, ông Phạm Văn Chiến - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ cho biết, hiện tượng El Nino và La Nina sẽ gây ra nhiều diễn biến thiên tai phức tạp và khó lường trên cả nước nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng.

UBND TP Đà Nẵng khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2023.
UBND TP Đà Nẵng khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2023.

Dự báo tại TP Đà Nẵng cao điểm nắng nóng sẽ tiếp tục kéo dài đến hết tháng 7 và giảm dần cường độ từ tháng 9, khả năng có từ 6 - 8 đợt mưa lớn trên diện rộng từ tháng 9 – 11. Đặc biệt là mùa bão năm 2024 sẽ có khoảng 11 - 13 cơn bão hoạt động trên khu vực biển Đông, có khoảng 4 - 6 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền nước ta, trong đó, khả năng có 2 - 3 cơn bão ảnh hưởng đến thời tiết TP Đà Nẵng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Đà Nẵng Phan Văn Mỹ cho biết, trước dự báo tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như trên, để chủ động phòng, chống, ứng phó có hiệu quả với thiên tai và các tình huống tai nạn, thảm họa do thiên tai gây ra trên địa bàn thành phố từ nay đến cuối năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngày 15-6 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố năm 2024. Tại chỉ thị này, Chủ tịch UBND TP quán triệt công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố trong năm nay với mục tiêu: phòng là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả với phương châm “4 tại chỗ”; chuẩn bị tốt hệ thống thông tin liên lạc, đảm bảo hoạt động thông suốt trong mọi tình huống; thường xuyên theo dõi, quan trắc và cảnh báo kịp thời diễn biến thiên tai đến chính quyền các cấp và nhân dân; rà soát, tăng cường quản lý việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là công trình giao thông, khu dân cư, đô thị tại khu vực ven biển, sông, suối, đồi núi, hệ thống tiêu thoát nước, v.v… nhằm đảm bảo hạn chế gia tăng rủi ro thiên tai; kiểm tra, hướng dẫn, yêu cầu thực hiện công tác phòng, chống thiên tai đối với công trình xây dựng chuyên ngành và địa bàn quản lý; đồng thời phối hợp với các địa phương để xử lý các đề xuất, kiến nghị trong việc xử lý đất đá, thoát lũ…

Chủ tịch UBND TP giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương, lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố. Trong đó, Chủ tịch UBND các quận, huyện là người tổng chỉ huy trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP trong việc huy động các nguồn lực của địa phương, đơn vị để ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; chủ động sử dụng nguồn kinh phí đã giao dự toán và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để triển khai phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân; chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành, đơn vị liên quan đánh giá khả năng chống chịu với thiên tai và đề xuất xây mới, tổ chức cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình, nhà sơ tán trú tránh thiên tai tập trung để đảm bảo an toàn cho nhân dân vào trú tránh khi có thiên tai xảy ra (nhất là với các cấp bão lớn, siêu bão, lũ lớn, ngập lụt đô thị). Cùng đó, rà soát, cập nhật, cụ thể phương án sơ tán nhân dân ở từng địa bàn, nhất là khu vực trung tâm TP, các khu vực đô thị hạ tầng chưa đảm bảo, chưa đồng bộ, dễ bị cô lập, ngập sâu, khu vực ven biển, các khu dân cư trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét… đảm bảo sát với tình hình thực tế tại địa phương và phương châm “4 tại chỗ”…

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo tập trung phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại một số công trình, địa bàn, khu vực trọng điểm. Cụ thể, UBND TP yêu cầu kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị, tổ chức đánh giá các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đồi núi, lũ quét, chú ý các khu vực đồi núi tại H.Hoà Vang, bán đảo Sơn Trà, Nam Hải Vân, v.v… để chủ động, kịp thời di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm; tổ chức sắp xếp, neo đậu tàu thuyền an toàn và phòng, chống cháy nổ tại Âu thuyền Thọ Quang; rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo ATGT khi có thiên tai hoặc sự cố tìm kiếm cứu nạn, giải pháp phòng chống sạt lở trên các tuyến đường giao thông như: các tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà, đường ĐT601, cao tốc La Sơn - Túy Loan, đường ADB5, đường lên đèo Hải Vân, v.v....Tổ chức vận hành hồ chứa nước Nam Mỹ (thuộc công trình Nhà máy nước Hòa Liên) đúng quy trình, phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đã được phê duyệt. Đối với hồ Hòa Trung, Đồng Nghệ, đập dâng An Trạch, Hà Thanh và các hồ chứa vừa và nhỏ: Thường xuyên tổ chức quan trắc, tính toán lưu lượng nước đến hồ, dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ, cập nhật thông tin vận hành tất cả hồ chứa và mực nước sông Yên tại An Trạch gửi về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố, các đơn vị khí tượng thủy văn và các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo đúng quy định để theo dõi, tham mưu chỉ đạo…

Phú Nam