Tập trung triển khai công tác cứu trợ vùng rốn lũ

Thứ năm, 31/10/2024 06:40

Sáng 30- 10, những đoàn từ thiện từ các địa phương trên cả nước như Đà Nẵng, Thừa Thiên- Huế, Quảng Trị và Hà Nội... đều hướng về Quảng Bình để tiếp tế cho bà con vùng lũ như bánh mì, mì tôm, nước uống... và các nhu yếu phẩm khác.

Công an tỉnh Quảng Bình cùng các giáo viên trường Tiểu học Võ Ninh dọn vệ sinh trường lớp.
Tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người dân vùng lũ.

Chị Mỹ Trang (thành viên CLB Thiện nguyện Con Heo Đất ở tỉnh Quảng Trị) chia sẻ, nhận định người dân vùng lũ sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy) sẽ rất cần sự chung tay, giúp đỡ sau hơn 3 ngày chống chọi với nước lũ, chị cùng các thành viên trong CLB đi quyên góp được khoảng hơn 2 tấn hàng hóa chủ yếu là mì tôm, bánh mì, nước lọc, bánh chưng... sau đó lên đường ra Lệ Thủy để tiếp tế cho bà con. Vượt qua nhiều trở ngại do đường bị ngập sâu, đoàn cũng đã có mặt tại khu vực ngã tư Cam Liên. Tại đây, đoàn tiếp tục thuê thuyền công suất lớn để chở những chuyến hàng vào tiếp tế cho vùng lũ. Bởi lẽ, chỉ thuyền lớn hoặc ca nô mới có thể vượt qua được những cơn sóng dữ trong biển nước lũ mênh mông đang bủa vây Lệ Thủy. Những cơn sóng dữ khiến chiếc thuyền chao đảo, nhưng khi nghĩ đến những gia đình đang cần sự giúp đỡ, các thành viên đoàn nhanh chóng trấn tĩnh tinh thần, kiên định hướng về những ngôi nhà cấp 4 bị nước lũ nhấn chìm gần đến nóc. Vào khu dân cư là lúc những người dân đứng trên nóc nhà vẫy tay xin đồ ăn, thức uống. Sóng to, nước lớn cũng khiến các thuyền tiếp cận nhà dân rất khó khăn. Các thành viên đoàn phải dùng sức quăng những lốc sữa, thùng mì tôm, chai nước ngọt nên nóc nhà cho người dân. Dân vùng lũ chỉ lấy đủ dùng, nhà nào có hàng cứu trợ rồi thì nhất quyết không nhận thêm mà nhường lại cho những hộ chưa có.

Hơn 3 ngày chênh vênh trong biển nước, người dân vùng Kiến Giang, Long Đại chỉ biết chờ từng phút nước rút hẳn để dọn dẹp nhà cửa. Chị Nguyễn Thị Lan (trú thị trấn Kiến Giang) cho hay, nhà chị ngập sâu tới 1,5 m. Mỗi lần nước đổ về, gia đình chị đều rơi vào cảnh bấp bênh. Nước trên sông Kiến Giang dâng lên cuồn cuộn khiến đồ đạc, tài sản trong nhà bị ngập, hư hỏng phần lớn, vật nuôi bị cuốn trôi theo dòng nước. Dù đã quen với cảnh lụt lội nhưng chị vẫn không khỏi xót xa khi nhìn ngôi nhà bị nước dữ tấn công. Khác với tình cảnh của chị Lan, tại một số địa phương ở huyện Quảng Ninh, nước đã rút dần về sông Long Đại, người dân "rũ bùn đứng dậy" để dọn dẹp nhà cửa. Nhà anh Trần Văn Nghĩa (trú xã Xuân Ninh) bị ngập gần 1 m. Khi nước rút, nhìn sân nhà ngập trong bùn đất, rác thải; không ít đồ đạc, vật nuôi đã trôi theo dòng nước thấy mà xót xa. Sự mệt mỏi cũng hiện rõ trên khuôn mặt chị Nguyễn Thị Tuyên (xã Tân Ninh) khi phải dành nhiều giờ liền để dọn dẹp nhà cửa ngay khi nước rút. "Nước lũ dâng nhanh nhưng rút rất chậm. Người dân chúng tôi vừa canh lũ, vừa dọn dẹp khi nước rút, làm cách này sẽ đỡ vất vả về sau"- chị Tuyên chia sẻ.

Huyện Quảng Ninh vẫn còn trên 12.000 nhà bị ngập, tập trung tại các xã Trường Xuân, Vạn Ninh, An Ninh, Xuân Ninh, Hiền Ninh, Tân Ninh và Gia Ninh. Hiện nước lũ rút chậm, cuộc sống của người dân vẫn đối diện với nhiều khó khăn. Chính quyền các địa phương đang tập trung triển khai các công tác cứu trợ, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm trong thời gian bị ngập.

Để kịp thời hỗ trợ cho nhân dân trên địa bàn khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là các trường học ổn định tình hình sau mưa lũ, nhằm đảm bảo công tác dạy và học, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Quảng Bình đã thành lập các đội hình thanh niên xung kích phối hợp với Công an huyện Quảng Ninh, Công an xã Võ Ninh đến tại các trường học trên địa bàn xã Võ Ninh giúp các trường dọn dẹp vệ sinh sau lũ, sớm ổn định tình hình dạy và học của thầy và trò nơi đây.

Công an tỉnh Quảng Bình cùng các giáo viên trường Tiểu học Võ Ninh dọn vệ sinh trường lớp.

Trường Tiểu học xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh) là một trong những điểm ngập sâu trong đợt lũ lụt lần này. Nước lũ đã làm ngập 17 phòng học với nhiều bàn ghế học sinh. Dù nước đã rút nhưng hiện sân trường vẫn còn ngập sâu, chưa thể triển khai việc dạy và học cho các em học sinh. Lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình cùng với nhà trường đã khẩn trương để dọn dẹp vệ sinh môi trường, lau chùi bàn ghế, tẩy rửa bùn non, sẵn sàng đón các em học sinh trở lại học tập bình thường sau mưa lũ. Cô giáo Hoàng Thị Ngoan- Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Võ Ninh cho biết: "Hiện nước đã ra khỏi các phòng học, nhưng vẫn còn mấp mé ngoài sân khoảng 50cm. Với phương châm "nước rút đến đâu vệ sinh đến đó", chúng tôi tận dụng nguồn nước sẵn có để lau chùi bàn nghế, phòng học và vệ sinh các kho. Chia sẻ khó khăn với nhà trường, các CBCS Công an tỉnh Quảng Bình đã có mặt hỗ trợ lau chùi bàn ghế, dọn dẹp vệ sinh phòng học bị bùn đất tấn công. Ban Giám hiệu nhà trường và các thầy cô giáo rất cảm động trước tình cảm này".

Đại úy Dương Quốc Khánh- Trưởng Ban thanh niên Công an tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Tuổi trẻ Công an tỉnh Quảng Bình đã chủ động xây dựng phương án khắc phục hậu quả mưa lũ, với 8 đội hình thanh niên tình nguyện mỗi đội hình gồm 20 đồng chí, với khoảng 150 CBCS sẽ căn cứ theo tình hình thực tế nước lũ rút xuống để chúng tôi có thể đến hiện trường giúp đỡ cho bà con nhân dân, các đơn vị, cơ quan, trường học, với các nhiệm vụ như lau dọn bàn ghế, vệ sinh, sắp xếp trang thiết bị học tập, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho các em học sinh có thể quay trở lại học tập bình thường.

X.SƠN

Thêm một nạn nhân tử vong do lũ

Ngày 30-10, Quảng Bình ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do mưa lũ, nâng số người chết và mất tích lên 5 người. Cụ thể, vào khoảng 20 giờ ngày 29-10, ông Nguyễn Công Hiền (1960, ở xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy) chèo thuyền đi thăm người thân trong thôn. Tuy nhiên, đến sáng 30- 10, gia đình không thấy ông về nhà và lập tức báo cho chính quyền địa phương. Lực lượng chức năng phối hợp với người dân tổ chức tìm kiếm. Đến 11 giờ 45 phút cùng ngày, thi thể ông Hiền đã được tìm thấy trên tuyến đường thôn 2- Thanh Mỹ. Chính quyền địa phương đã bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình để lo hậu sự.

X.S