Tập trung xử lý các đường ngang tiềm ẩn TNGT

Thứ hai, 12/01/2015 06:33

(Cadn.com.vn) - Ngày 10-1, tại TP Đà Nẵng, Bộ GTVT tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện Quy chế phối hợp trong việc đảm bảo trật tự ATGT tại các điểm giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt (quy chế phối hợp). Ông Nguyễn Ngọc Đông-Thứ trưởng Bộ GTVT chủ trì Hội nghị.

Đại diện Tổng Cty đường sắt Việt Nam cho biết, thống kê cho thấy trong những năm gần đây, TNGT tại các điểm giao cắt đồng mức chiếm khoảng 85% trong tổng số vụ TNGT đường sắt. Các vụ tai nạn chủ yếu tập trung vào nơi đông dân cư thuộc các địa phương như: Hà Nội, Nghệ An, Đồng Nai và Khánh Hòa. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo ATGT, Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua đã hoàn thành việc ký kết Quy chế phối hợp trong tháng 8-2013, gồm 34 tỉnh, thành phố. Sau khi ký kết quy chế, ngành đường sắt đã chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp đồng bộ. Nhờ đó, trong năm 2014 xảy ra 388 vụ TNGT đường sắt, 161 người chết, 256 người bị thương (giảm 32 vụ, 15 người chết, 15 người bị thương so với năm 2013).

Ông Nguyễn Đăng Huy - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết, sau khi có Quy chế thực hiện, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT và lãnh đạo UBND TP, ngành GTVT đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiều giải pháp như: xây dựng 10 đoạn đường gom dọc đường sắt, thành lập mới 2 đường ngang, xây dựng 1 cầu vượt đường sắt và hiện đang triển khai xây dựng mới 3 đường ngang... thực hiện kết nối đồng bộ tín hiệu đường bộ và đường sắt tại 1 đường ngang. Hiện ngành đang tạm thời giữ lại 30 đường ngang dân sinh (do chưa có đường thu gom) để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Đối với những đường ngang tiềm ẩn TNGT cao, đã chủ động bố trí Tổ cảnh giới chốt gác nhằm góp phần đảm bảo TTATGT, nhờ vậy số vụ TNGT trên địa bàn đã giảm cả 3 tiêu chí.

Điểm giao giữa đường sắt và đường bộ luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT.

Đại tá Nguyễn Hữu Dánh - Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt cho biết, hiện cả nước còn hơn 6.000 đường ngang dân sinh, đây là một vấn đề lớn cần phải có chế tài mạnh, cơ chế ràng buộc trách nhiệm để giải quyết và không để phát sinh thêm các đường dân sinh mới. Theo đại tá Dánh, thời gian tới cần tập trung tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông, đồng thời phải có những biện pháp mạnh tay để xử lý các trường hợp cố tình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và biểu dương khen thưởng các mô hình tốt để tạo tác dụng lan tỏa. Ngoài ra, các lực lượng chức năng, nhất là nơi trọng điểm, phức tạp về TNGT cố gắng chủ trì họp với các đơn vị liên quan để kịp thời rút kinh nghiệm, xử lý các vụ việc phát sinh.

Tập trung xử lý đường ngang - Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhằm kiềm chế TNGT, nhất là tại các đoạn giao cắt giữa đường sắt và đường bộ trong thời gian đến.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao kết quả phối hợp giữa ngành GTVT với UBND các tỉnh, TP và các cơ quan liên quan, đồng thời yêu cầu, thời gian tới giữa Bộ và các địa phương tiếp tục thực hiện Quy chế mạnh mẽ hơn nữa với phương châm chủ động tích cực, thiết thực trách nhiệm và tiến tới hiệu quả. Tập trung vào các nội dung chính, thực hiện kế hoạch lập lại ATGT đường bộ, đường sắt theo Quyết định 994 của Thủ tướng Chính phủ. Rà soát, kiểm tra, phân loại lại các tuyến đường ngang dân sinh để có hướng xử lý: cái nào trách nhiệm của địa phương, cái nào cần có sự huy động nguồn vốn trung ương tham gia và giải quyết theo thứ tự ưu tiên. Tổ chức giải tỏa các công trình vi phạm hành lang ATGT đường sắt, giải phóng tầm nhìn, mở rộng mặt cắt sang đường bộ tại các đường ngang mà đường bộ song song liền kề đường sắt...

Nguyễn Tuấn