Tập trung xử lý các vướng mắc về thủ tục hành chính ngay trong tháng 9
Sáng 30-8 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ Thường kỳ tháng 8 để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. |
Đánh giá tình hình KT-XH cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, tháng 8 là thời điểm có nhiều khởi sắc với nhiều chỉ tiêu KT-XH đạt khá. Nếu kết quả này được duy trì trong các tháng sắp tới thì sẽ có triển vọng đạt mục tiêu kế hoạch năm 2017. Tuy nhiên, vấn đề được Thủ tướng đặc biệt quan tâm tại Phiên họp và chỉ đạo các thành viên Chính phủ tập trung cho ý kiến và có các giải pháp thực thi trong từng bộ, ngành, địa phương mình, chính là việc thủ tục hành chính còn rất “nặng nề” với nhiều giấy phép con, giấy phép cháu, chi phí doanh nghiệp còn lớn đang cản trở sự phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Thủ tướng, thời gian qua, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đạt kết quả tích cực. Lạm phát được kiểm soát với chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,92% và CPI bình quân 8 tháng so với cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 3,84%. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh với 18% giúp nhập siêu 8 tháng có xu hướng giảm. Du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh, khách du lịch quốc tế đạt cao nhất từ trước đến nay với 1,23 triệu lượt trong tháng 8, đưa số khách quốc tế 8 tháng qua tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cả cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh, ước đạt trên 23,3 tỷ USD. Tính chung 8 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động là trên 104 nghìn doanh nghiệp.
Lĩnh vực xã hội có nhiều điểm sáng, nhất là sự kiện tại SEA Games 29, đoàn Việt Nam đang đứng thứ 3 toàn đoàn với 59 huy chương vàng, trong đó có nhiều môn thi đấu Olympic như điền kinh đạt thành tích cao. Thủ tướng biểu dương đội bóng đá nữ Việt Nam đạt Huy chương vàng SEA Games lần thứ 5.
Đánh giá cao các bộ, ngành và một số địa phương, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có quyết tâm cao để thực hiện các mục tiêu KT-XH, tuy vậy, Thủ tướng thẳng thắn cho rằng, cải cách hành chính nói chung và việc cắt giảm thủ tục hành chính mặc dù đã được tập trung giải quyết, nhưng ở nhiều bộ, ngành, địa phương, ở nhiều khâu thủ tục hành chính còn rất rườm rà gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Nhiều doanh nghiệp phản ánh chu kỳ sản phẩm sản xuất ra đã vất vả rồi, nhưng thủ tục để đưa vào tiêu thụ, xuất khẩu càng phức tạp hơn. Có ý kiến nói rằng nuôi gà chỉ mất 40 ngày, nhưng thủ tục để tiêu thụ, xuất khẩu gà còn phức tạp và dài ngày hơn nuôi gà”. Dẫn một ví dụ cụ thể: Một số đơn vị xin giấy phép cả tháng, như Cục Quản lý dược, Vụ Trang thiết bị Bộ Y tế còn rất phức tạp, nhiều vấn đề dư luận bức xúc, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương ngay trong tháng 9 này phải tập trung xử lý giải quyết các vướng mắc về hành chính, nhất là gánh nặng về thuế, phí đối với doanh nghiệp còn rất lớn chúng ta phải tìm cách tháo gỡ. “Chúng ta đặt vấn đề năm nay là Năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng một số phí như phí BOT còn cao, trạm thu phí bất hợp lý gây bức xúc”. Theo thống kê thì tổng phí vận tải của doanh nghiệp phải đóng lên tới 70 loại, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải lưu ý các quy định hiện hành về phí BOT để có giải pháp giải quyết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và tăng trưởng.
Phân tích tình trạng chi phí kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu còn lớn, tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành lên tới 35% trong khi mục tiêu là chỉ 15%, Thủ tướng không hài lòng trước việc một số bộ, ngành chuyển biến rất chậm trong vấn đề này.
Cũng liên quan đến chủ đề giảm chi phí cho doanh nghiệp, đánh giá các quy định hành chính hải quan, thủ tục hoàn thuế VAT, thời gian và chi phí nộp bảo hiểm xã hội còn cao, Thủ tướng cho biết, báo cáo của Ngân hàng Thế giới thống kê, doanh nghiệp Việt Nam phải nộp bảo hiểm xã hội 12 lần/năm, mất 189 giờ. Trong khi đó, Thái Lan chỉ mất 48 giờ và Indonesia chỉ mất 46 giờ. “Đây là những việc cụ thể mà các bộ, ngành phải giải quyết thay vì nói chung chung”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nhận xét, vấn đề cải cách hành chính, thủ tục hành chính mặc dù đã được chỉ đạo làm quyết liệt nhưng mới giảm được một phần, còn nhiều ngành, đơn vị chưa chuyển biến. “Các Bộ trưởng có ý kiến đề xuất giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực để tháo gỡ khó khăn. Phải thực sự vào cuộc để thúc đẩy, tạo không khí và niềm tin xã hội, góp phần tăng trưởng chung của cả hệ thống và nền kinh tế”, Thủ tướng chỉ đạo. Thủ tướng cũng gợi ý các thành viên Chính phủ cần quan tâm về tình hình chuẩn bị cho năm học mới, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng lũ; vấn đề môi trường; an toàn xã hội; vấn đề dịch bệnh –sốt xuất huyết.
Nhấn mạnh đến thời gian chỉ còn 2 tháng nữa là diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng, mặc dù một số bộ, nhất là Bộ Ngoại giao đã có sự chuẩn bị khá tốt, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao báo cáo công tác chuẩn bị và Chính phủ rà soát lại công việc để công tác chuẩn bị đạt yêu cầu cao nhất.
QUANG VŨ
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- Quy chế hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1289/QĐ-TTg kiện toàn và ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng Tổ công tác. Tổ phó Tổ công tác gồm: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục. Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện nhiệm vụ điều phối trong việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao khi các bộ, cơ quan, địa phương có ý kiến khác nhau. Tổ công tác có quyền yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. ---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- |