Tàu không số qua những trang viết
(Cadn.com.vn) - Từ sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất 1975 đến nay, đã có nhiều bài báo, cuốn sách viết về lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong đó, ký sự Có một đường mòn trên Biển Đông (Nguyên Ngọc) và bút ký Ký ức tàu không số (Mã Thiện Đồng) đã góp phần giúp người đọc hiểu hơn về những hy sinh thầm lặng của những người đi "tàu không số" vận chuyển vũ khí vào Nam.
Ký sự Có một đường mòn trên Biển Đông (Nhà xuất bản Trẻ) nguyên là kịch bản phim tài liệu Đường mòn trên Biển Đông (giải thưởng Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim lần thứ 11 và giải A Giải thưởng văn học - nghệ thuật về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng 1995 - 2000 của Bộ Quốc phòng) được nhà văn Nguyên Ngọc chỉnh sửa lại. Trong thiên ký sự Có một đường mòn trên Biển Đông, nhà văn đã tìm lại những nhân chứng hiểu rõ về quá trình hình thành và phát triển của đoàn tàu không số, những con tàu bí mật vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất.
Với hơn 200 trang sách, ký sự đã cho thấy "hình hài" của đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường đầy gian nan và nguy hiểm, nơi ghi dấu biết bao tấm gương chiến đấu quả cảm, hy sinh thầm lặng. Ở đó, người đọc bắt gặp những con người vượt bao khó khăn đi "mở đường": Bông Văn Dĩa, Dương Quang Đông, Đặng Văn Thanh, Tư Mau..., rồi chân dung những người thuyền trưởng anh hùng như: Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Đức Thắng, Hồ Đắc Thạnh... Không quá tập trung vào lịch sử chính thống, nhà văn chú ý đi vào những số phận con người vô danh, những hy sinh thầm lặng để làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Những ai từng đọc cuốn sách này chắc hẳn sẽ không thể nào quên hình ảnh má Mười Rìu (H. Long Đất, Bà Rịa - Vũng Tàu), người đã chạy vạy vay mượn tiền để mua ghe cho đồng chí Dương Quang Đông vượt biển ra Bắc dẫn tàu vận chuyển vũ khí vào Nam. Khi nhà văn hỏi "Có ai trả lại cho má đồng nào chưa?", má Mười Rìu chậm rãi trả lời: "Thế xương máu anh em hy sinh, ai trả...". Hay chuyện ông Tư Mau về sống hợp pháp ở Sài Gòn đóng vai chủ vựa cá cỡ lớn, tổ chức đóng tàu cá hai đáy để chở hàng trăm tấn vũ khí vào Nam. Đến khi bị lộ, ông Tư Mau phải chấp nhận phẫu thuật thẩm mỹ 2 lần để thay đổi hình dạng hoàn toàn, từ đó tổ chức lại việc vận chuyển vũ khí, nối lại đường mòn trên Biển Đông.
Và trong tập sách ấy còn biết bao câu chuyện về những hy sinh thầm lặng. Ở đó còn có câu chuyện tình cảm động 8 năm giữa thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng với Sáu Thùy, một câu chuyện tiêu biểu cho tình cảm sắt son giữa thuyền và bến.
Tập bút ký Ký ức tàu không sô (Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) của tác giả Mã Thiện Đồng dày hơn 230 trang cũng kể lại những câu chuyện về những người đi "tàu không số" từ ngày đầu dò dẫm tìm đường. Tập ký sự mở ra bằng câu chuyện về Bông Văn Dĩa (người đầu tiên mở luồng vận chuyển vũ khí vào tận đất mũi Cà Mau) và đồng đội vượt biển ra Bắc trên chiếc ghe để nhận vũ khí chở vào chiến trường cực Nam. Sau này, ông Bông Văn Dĩa vinh dự được báo cáo với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bác Hồ đã khen ngợi "Đi biển kiểu ấy thì xưa nay chỉ có Christopher Columbus"...
Với ký sự Có một đường mòn trên Biển Đông và bút ký Ký ức tàu không số, người đọc hiểu hơn về những gian khó, hy sinh thầm lặng của những người đi "tàu không số". Trong đó có những câu chuyện về những con người bình thường nhưng cũng hết sức phi thường như câu thơ của Rasul Gamzatov: "Không có ai tẻ nhạt ở trên đời/Mỗi số phận chứa một phần lịch sử". Qua đó cho thấy, chính nhân dân đã làm nên sức mạnh thần kỳ đưa đến thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm!
Thành Nguyễn