Tàu xe sau Tết: Không quá căng thẳng

Thứ ba, 24/02/2015 07:38

(Cadn.com.vn) - Sau thời gian nghỉ Tết kéo dài, công nhân, sinh viên, công chức các tỉnh miền Bắc, miền Trung bắt đầu vào Nam để kịp ngày làm việc đầu năm. Trong khi một bộ phận chủ động lên đường từ sớm để dễ đón tàu xe, đỡ cảnh nhồi nhét thì đa số chọn các ngày mồng 4, mồng 5 Tết theo kế hoạch. Bắt đầu từ ngày 24-2 (mồng 6 Tết) đến 27-2 (mồng 9 Tết) sẽ là cao điểm với lượng lớn công nhân, sinh viên đổ về các tỉnh thành như Đà Nẵng, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh.

HÀNH KHÁCH CHỦ ĐỘNG NHỜ MUA VÉ TỪ  TRƯỚC TẾT

Các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng cũng là “đầu B” với lượng lớn người dân trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết kéo dài. Trong khi phải đến gần một tuần nữa thì sinh viên mới “đổ bộ” thì từ ngày mồng 5 Tết, người lao động, công chức đã tấp nập đáp bến xe Đà Nẵng. Phần lớn trong số này là người các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình lựa chọn đi xe giường nằm. Những ngày đầu của chiến dịch sau tết gần như không có cảnh vạ vật, nhồi nhét vì phần lớn đã mua vé ngay khi xuống bến xe hồi trước tết hoặc điện đặt vé từ các nhà xe quen thuộc đã đi lâu năm.

Theo khảo sát của chúng tôi, một số tuyến như Nghệ An, Hà Tĩnh đi vào đều giữ nguyên giá vé như những ngày cận tết Ất Mùi. Ông Nguyễn Đình Cảnh (quê Yên Thành, Nghệ An) cho biết: “Ngay khi từ Đà Nẵng về đến bến xe Vinh, tôi đã tranh thủ mua vé cho ngày vào. Vì thế cứ đến giờ là vào bến lên xe ngủ một giấc là tới Đà Nẵng. Nhờ năm nay giá xăng giảm nên tiền vé cũng không cao lắm, đi ra cũng như đi vào, đều 350 nghìn đồng”. Trong khi đó, nhiều người có nhà nằm trên hành trình của xe thì chỉ cần chờ sẵn bên đường hoặc các bến địa phương là có xe chạy qua đón. Theo ông Hồ Văn Tùng - Giám đốc Cty TNHH vận tải Hải Vân, một đơn vị có 60 đầu xe chạy tuyến Đà Nẵng và các tỉnh phía Bắc trong dịp tết, bắt đầu từ hôm nay (mồng 6 Tết) mới vào cao điểm người dân trở lại làm việc, dự kiến với số lượng xe dồi dào kể cả trên tuyến và dự phòng thì hoàn toàn đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Sáng ngày 23-2 (mồng 5 Tết), các phòng vé của bến xe Đà Nẵng không hề có cảnh chen chúc mua vé vào Nam. Khi được hỏi, nhân viên các phòng vé đều cho biết, vé các ngày từ mồng 6 đến mồng 9 tết đã được bán hết. Ông Lê Viết Hoàng – Tổng Giám đốc Cty CP Vận tải và quản lý bến x1e Đà Nẵng cho biết, trong những năm gần đây, hầu hết người dân khi mua vé xe tết kể cả ra Bắc và vào Nam đều mua theo kiểu khứ hồi, nghĩa là mua cho cả ngày về và ngày đi nên những ngày sau tết bến xe không xảy ra tình trạng quá tải. “Chỉ riêng tuyến Đà Nẵng – TPHCM, chúng tôi có 75 đầu xe,  tuyến Nha Trang, Cam Ranh có 21 xe phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong những ngày sau tết. Ngay cả những ngày đẹp, ngày cao điểm cũng không thiếu xe. Mặt khác thời gian phục vụ sau tết giãn ra tương đối dài nên nói chung là xe cộ từ Đà Nẵng ra Bắc vào dịp trước tết và vào Nam dịp sau tết không có gì căng thẳng”, ông Hoàng cho hay.

Hành khách các tỉnh phía Bắc bắt đầu “đổ bộ” Đà Nẵng sau kỳ nghỉ Tết kéo dài.

CÔNG NHÂN TỈNH XA VẪN “ĐUỐI” VÌ VÉ XE

Để tiết kiệm chi phí và tránh cảnh chen chúc, nhồi nhét, rất nhiều sinh viên, công nhân các tỉnh lân cận Đà Nẵng như Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định, thậm chí cả Tây Nguyên lựa chọn phương án đi xe máy. Hầu hết họ đi kết hợp để chia sẻ tiền xăng, tiền ăn dọc đường, tính ra có lợi hơn rất nhiều so với việc mua vé, lại chủ động hơn trong việc đi lại. Các cặp vợ chồng hoặc anh em trong gia đình lại càng có lợi khi lựa chọn phương án này. Chị Nguyễn Thị Bình (quê Đồng Hới, Quảng Bình) kể, chị làm việc ở Cty Điện tử Foster tại Khu công nghiệp Hòa  Khánh, có người cùng làng cũng là công nhân tại An Đồn, do thời tiết thuận lợi nên hai người quyết định về quê và trở lại làm việc bằng xe máy. “Tính ra cả đi về và đi vào chi phí bằng một nửa so với đi ô-tô. Chạy tà tà, mệt thì cả xe và người nghỉ ngơi. Số tiền tiết kiệm được dùng để mua sắm quà tết cũng như trang trải cho những ngày đầu năm mới”, chị Bình tính toán.

Không được thuận lợi như những công nhân ở gần, người lao động quê phía Bắc đang làm việc ở TPHCM, Bình Dương luôn bị ám ảnh với chuyện tàu xe dịp Tết. Không những chịu cảnh vạ vật “săn” vé mà có mua được cũng phải chịu với cái giá rất cao. Chính vì vậy, phần lớn họ chọn phương án vài ba năm mới về quê một lần.

Anh Trần Đình Vinh (quê Can Lộc, Hà Tĩnh) kể: anh làm bảo vệ cho một Cty giày da, vợ anh làm công nhân, mỗi tháng tiền ăn uống, tiền phòng trọ và các khoản sinh hoạt khác đã rất tốn kém so với thu nhập của hai vợ chồng. Mỗi năm đến dịp tết là lòng ngổn ngang. “Ba năm rồi vợ chồng không về quê, nhà chỉ có cha mẹ già nên cứ đến tết vợ chồng rất nhớ quê, cha mẹ cũng buồn. Dù rất tốn kém nhưng năm nay phải về, vui nhưng tính ra tiền vé cho cả lần về và lần đi vào ngốn hết 7 triệu đồng, gần hết tiền lương tháng của cả hai vợ chồng. Cũng vì chi phí đi lại quá nhiều nên mang tiếng đi làm về mà mua sắm cũng phải tiết kiệm”, anh Vinh tâm sự. Chị Vỹ, vợ anh cho hay, tại Bình Dương và TPHCM, công nhân người Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Thanh Hóa rất đông đảo. Thu nhập của họ có khá hơn so với đồng nghiệp ở Đà Nẵng nhưng giá sinh hoạt lại cao. Phần lớn họ chọn phương án vài ba năm mới về quê ăn tết một lần, rất nhớ nhà, nhớ người thân nhưng họ buộc phải chấp nhận.

Công Khanh