Taxi truyền thống khóc ròng vì Uber, Grab (Bài cuối: Bất lực với “người tàng hình”?)

Thứ sáu, 12/01/2018 21:00

Hoạt động của Uber, Grab tại Đà Nẵng là chưa được phép vì đến thời điểm hiện tại, TP Đà Nẵng vẫn chưa đồng ý cho 2 Cty thí điểm tại địa phương trong lúc chờ Chính phủ, các bộ, ngành có quyết định cuối cùng.

Thanh tra giao thông xử phạt Grab, Uber nhưng chỉ như “muối đổ biển”.

Ông Võ Thành Nhân - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng nói: Hiện nay ước có gần 4.000 xe đang hoạt động Grab, Uber, trong khi đó, cả 5 hãng taxi của Đà Nẵng chỉ khoảng 1.700 xe. Hãy nhìn thực tế, taxi Mai Linh với 480 xe, mỗi năm nộp thuế cho Nhà nước khoảng 30 tỷ đồng (VAT, thu nhập doanh nghiệp, phí trước bạ); Taxi Tiên Sa cũng đóng khoản tiền thuế tương đương với tổng số 450 đầu xe. Trong khi đó, Grab, Uber trốn một lượng thuế quá lớn, hoặc đóng chỉ là rất ít ỏi. Theo lập luận, có những vấn đề mấu chốt hiện nay mà Chính phủ, Bộ GTVT cần phải làm rõ, đó là định danh loại xe của Grab, Uber là gì? Họ là Cty công nghệ hay Cty kinh doanh vận tải? Nếu kinh doanh vận tải thì là xe hợp đồng hay taxi? Theo ông Nhân, trong tất cả các cuộc họp liên quan từ TP đến Bộ GTVT, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng cũng đã đối thoại và khẳng định rằng, Grab và Uber là Cty ứng dụng công nghệ để kinh doanh vận tải chứ không phải là Cty công nghệ. Ông Nhân dẫn chứng, trong kinh doanh, bản thân các Cty này có quy định giá, khuyến mãi và tuyển dụng lái xe. Riêng HTX chỉ là bình phong và cũng cần xem lại vai trò của các HTX, bởi thực chất, lái xe chỉ làm thủ tục và được HTX cấp phù hiệu là chấm hết. Chính vì vậy, lái xe có thể đăng ký vào HTX ở bất kỳ địa phương nào, sau đó đến Đà Nẵng đăng ký chạy Grab, Uber đều được.

Mặt khác, Grab, Uber kinh doanh vận tải nhưng chẳng có sự điều hành, cũng không có bộ phận quản lý, giải quyết các quyền lợi của khách hàng và lái xe. Rõ ràng, họ đang chối bỏ quyền lợi của khách. “Cần làm rõ, nếu Grab, Uber hợp đồng với khách hàng thì khách hàng ký với ai và ai chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra. Bởi nhìn trên mạng thì khách hàng đang đi Grab, Uber, nhưng khi xảy ra sự cố, Grab, Uber có chịu trách nhiệm không? Hay lại đổ lỗi cho HTX, rồi HTX lại đổ lỗi cho Uber? Thực tế cho thấy đã xảy ra những vụ lái xe cưỡng hiếp, cướp tài sản của hành khách gây bức xúc dư luận. Tự do kinh doanh không ai cấm ai, nhưng phải công bằng, có sự quản lý chặt chẽ chứ Grab, Uber như người tàng hình, server thì để tận nước ngoài, lái xe lại ở Việt Nam, không quản lý được” - ông Nhân nói.

Có lúc Grab, Uber báo giá rẻ, nhưng có lúc rất cao. 

Ông Nguyễn Văn Hiền - Tổng Giám đốc Cty CP Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng - Taxi Tiên Sa nói thẳng: Nếu Bộ GTVT cho thí điểm Grab, Uber hoạt động thì phải rõ ràng, cụ thể là số lượng xe bao nhiêu và trên xe phải có “tóc” có “tai” để nhận diện, chứ không thể để tồn tại kiểu ai sắm xe chạy cũng được. Đồng thời, phải có sự cạnh tranh công bằng, làm đủ thủ tục với Nhà nước về thuế và cam kết giải quyết quyền lợi cho lái xe, hành khách, vì điều kiện ràng buộc của taxi quá kỹ. “Các hãng taxi muốn giảm giá, tăng giá dịp lễ, Tết thì phải đăng ký trước cả tuần với tài chính, thuế, sở GTVT và không giảm quá 50%. Còn Grab, Uber muốn khuyến mãi bao nhiêu tùy thích, không ai quản lý được” - ông Hiền cho hay.

Nói đến chuyện quyền lợi của khách hàng đi Grab, Uber thì rõ ràng nếu có sự cố xảy ra, hoặc hậu quả đổ hết lên đầu khách hàng, hoặc tài xế. Bởi đăng ký vào HTX, theo các tài xế Grab và Uber, HTX chỉ biết thu triệu đồng/xe/năm là xong, chứ chẳng có trách nhiệm gì khác. HTX với Grab, Uber cũng chẳng có ràng buộc pháp lý trong hợp đồng ngoài chuyện cung cấp thông tin chủ xe, BKS, xe đã có phù hiệu cho nhau. Nói về lợi, thiệt của khách hàng, sau nhiều ngày thực tế, chúng tôi biết, do Grab, Uber tự quyết về giá, nên có thời điểm trong ngày giá cước thấp hơn taxi, nhưng lúc cao điểm, khách hàng cũng chịu thiệt. Chúng tôi làm một thử nghiệm khi kích hoạt Uber, Grab sáng sớm 8-1 tại khu vực cuối đường Khúc Hạo, P. Nại Hiên Đông, Sơn Trà và điểm đến là Bến xe Trung tâm Đà Nẵng. Giá cước chuyến xe này đối với Uber 7 chỗ là 88.000 đồng và Grab là 95.000 đồng. Nhưng thời điểm 11 giờ, Uber giá báo 140.000 và Grab là 126.000 đồng. Trong khi đó, chúng tôi di chuyển bằng taxi giá là 120.000 đồng. Rõ ràng, có lúc Grab, Uber giá thấp hơn, nhưng có thời điểm lại cao hơn taxi. Vậy câu hỏi đặt ra, nếu Grab, Uber bị thắt chặt quản lý như taxi, phải chịu các khoản thuế, giá đi xe của các Cty này sẽ thế nào?

Ông Võ Thành Nhân cho rằng, ngay lúc này cần phải quản lý chặt hoạt động của Grab, Uber, bởi các hãng taxi truyền thống đang bị thiệt thòi rất nhiều. Không thể tồn tại mãi cái cảnh một ông bị “trói tay, trói chân”, còn một ông thả nổi. Theo ông Nhân, như lái xe taxi trước khi tham gia hoạt động phải đào tạo, qua lớp huấn luyện của sở GTVT, Hiệp hội Taxi mới được cấp chứng chỉ hoạt động. Lái xe cũng phải qua đào tạo đạo đức nghề nghiệp, cung cách thái độ phục vụ, văn hóa trong kinh doanh, còn Grab, Uber lái xe ăn mặc kiểu gì cũng được, thậm chí là quần đùi, áo pull, rất phản cảm. Tôi đặt câu hỏi: “Nếu áp dụng công bằng trong kinh doanh như taxi, Grab, Uber sẽ thế nào?”, ông Nhân nói: Nếu thực hiện đúng quy chế như taxi, chắc chắn Grab, Uber sẽ không thể tồn tại. Bởi, bản chất của Grab, Uber hiện tại là họ đang dùng chính sách giá (giảm giá, khuyến mãi) để “bóp” chết taxi truyền thống.

Theo Sở GTVT, đến thời điểm này, chủ trương, quan điểm của TP trong việc triển khai thí điểm ứng dụng Grab, Uber là không cấm, nhưng TP yêu cầu Grab hợp tác thực hiện theo chủ trương của TP. Sở cho hay chưa thể kiểm chứng, xác thực được số lượng xe do đặc điểm của xe tham gia loại hình thí điểm này không có dấu hiệu nhận biết (như logo taxi). Tuy nhiên, qua kiểm tra công tác cấp phép, xử lý vi phạm đối với xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi, trong năm 2017, Thanh tra Sở GTVT đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính 458 vụ, tước quyền sử dụng GPLX 259 trường hợp, thu hồi 107 phù hiệu xe hợp đồng.

Đà Nẵng chưa đồng ý thí điểm dịch vụ Grab, Uber, đồng nghĩa các đơn vị này đang hoạt động “chui”. Và việc xe tham gia chạy Grab, Uber nhiều dẫn đến mật độ phương tiện của TP đang gia tăng chóng mặt. Phòng CSGT cho hay, nếu cuối năm 2016 chỉ hơn 61.000 xe thì đến nay đã tăng lên hơn 70.000 xe, trong đó có sự gia tăng của xe kinh doanh Grab, Uber. Nếu không quản lý chặt, chắc chắn xe chạy Grab, Uber sẽ là một trong những tác nhân dẫn đến ùn tắc giao thông và nhiều hệ lụy khác.

Công Hạnh

----------------------------------------------------------------------------------------------

* Ngày 11-1, khi được hỏi vì sao Bộ GTVT đã kết thúc 2 năm thí điểm ứng dụng Grab và Uber nhưng 2 đơn vị này vẫn ngang nhiên hoạt động, gây khó khăn cho taxi truyền thống, ông Lê Văn Trung - Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, Bộ đã tổng kết 2 năm thí điểm nhưng chưa triển khai khung pháp lý để có phương án quản lý. “Chúng tôi đã mời 2 đơn vị này lên làm việc, họ trả lời là khi nào có câu trả lời chính thức của Bộ thì sẽ thực hiện. Chính vì vậy, cơ quan chức năng sẽ chỉ đạo tăng cường thanh tra trong thời gian chờ ý kiến của Bộ. Không thể chặn ứng dụng được vì làm thế là sẽ vi phạm".

----------------------------------------------------------------------------------------------