Tây Bắc trong cái nhìn hội họa của Bùi Văn Tuất
Qua góc nhìn hội họa, Tuất lộ sáng cảm giác: anh là một phần của cuộc sống nơi miền đất Tây Bắc: sống trải, chiêm ngắm, can dự, tham chiếu một cách trách nhiệm với mọi biến chuyển ở đây. Mỗi bức tranh phong cảnh miền núi Tây Bắc của Tuất là một trích đoạn không gian sống, một đời sống và kiểu sống thu nhỏ, một ấp ủ yêu thương, một vuốt ve ân tình. Từ một chái bếp với nồi niêu xoong chảo treo lúc lỉu trên vách tường ám khói, một ấm nước ấp úng sôi trên bếp củi đỏ rực, một chú cún say giấc trên thềm đất đến những đứa trẻ lấm lem màu đất trước hiên nhà, một liếp gà con đang cùng mẹ vẩn vơ kiếm mồi, một buồng chuối lác đác vài trái chín bói, một con nghé đang nằm nghe tiếng gọi nhau kiếm thức ăn của những chú ngan, gà... đều vang lên âm thanh những câu chuyện kể: chuyện về gia đình, chuyện về một chốn cũ thân thương, chuyện về những kỷ niệm... Anh mượn cảnh để nói tình, mượn không gian sống để diễn đạt đời sống, mượn màu sắc để reo vỡ sự tri nhận nhân sinh, mượn hình nét để tạo ra miền ánh sáng mới. Tranh của Tuất thú vị ở chỗ, nó hé mở một khe đủ sáng cho người trưởng thành có thể chạm vào bóng mình, bóng quê, bóng dáng kỷ niệm.
Tả thực và mộng tưởng, ấy là cách anh đã tạo ra nhiều bức tranh phong cảnh miền núi Tây Bắc thoạt nhìn rất thật nhưng nhìn kỹ lại thấy rộng mở những điểm chạm tâm tưởng. Tất nhiên, Tuất không chối bỏ hiện thực trước mắt, chỉ có điều anh quan tâm vẽ cái cảm thấy, cái mộng mị trong tâm tưởng, cái bay bổng trong cảm xúc hơn là sao chép phong cảnh. Bút pháp thực và mộng, anh cũng gợi ra trên các bức tranh chân dung. Tranh chân dung của Tuất hiện lên chân thực và sinh động, như chính những con người đầy vẻ đẹp tạo hình ở Tây Bắc: anatomy, sắc diện, tuổi tác, học vấn... Anh tả chất con người ở nhiều độ tuổi, tả sâu đặc điểm nhiều ngành nghề nhưng để lại ấn tượng thị giác đặc biệt nhất chính là tranh chân dung trẻ em. Để vẽ ra chất trẻ em, chẳng có con đường nào khác, ngoài việc yêu và hiểu chúng. Tuất đã phải tự thu mình nhỏ lại bằng chúng, chơi đùa cùng chúng, hòa điệu cùng tâm hồn chúng, nhìn thế giới xung quanh bằng ánh mắt của chúng. Nói cách khác, anh yêu trẻ em Tây Bắc theo cách yêu của chính trẻ em Tây Bắc. Bằng cách yêu và hiểu, Tuất không những vẽ được dáng vẻ ngây thơ, trong trẻo của tuổi thơ, còn làm hiện lên cái bướng bỉnh, tinh nghịch và cả sự ngơ ngác, hoang dại đặc trưng Tây Bắc.

Bắt đúng điểm biểu cảm phong phú của trẻ em miền núi Tây Bắc, nó là cái tài ở anh. Tuất còn tỏ ra chắc tay và cực thông minh trong cách xử lý mảng màu, đường nét, bố cục để tạo nên những hiệu ứng thị giác ấn tượng. Anh đã ấn chứng tên tuổi mình với vẻ mộc mạc và thơ ngây của trẻ em Tây Bắc.
Trịnh Chu
Họa sĩ Bùi Văn Tuất, sinh năm 1982, tại Hà Nội. Năm 2007, anh tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Tuất từng có tranh tham gia triển lãm nhóm tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Năm 2018, anh tổ chức triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với chủ đề "Tuổi thơ như thế!". Mới đây (cuối năm 2023), Tuất một lần nữa ra mắt công chúng, với triển lãm cá nhân mang tên "Nhìn lại", tại Ana Mandara Villas Dalat, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. |