Tây Nguyên vào mùa khô hạn

Thứ hai, 04/03/2019 17:00

Đoàn công tác Tổng cục Thủy lợi do Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tỉnh trưởng đoàn kiểm tra tại hồ thủy điện An Khê - Ka Nak (H. Kbang, Gia Lai).

Tây Nguyên đang vào cao điểm mùa khô và cũng đang đối diện với một đợt hạn hán cục bộ tại các địa phương. Nguồn nước tại các sông suối, hồ chứa tại một số vùng đã xuống thấp, có nơi xuống mức kỷ lục trong nhiều năm qua và hạn hán đã gây thiệt hại tại một số địa phương. Trước tình hình trên, Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) do Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tỉnh trưởng đoàn đã có chuyến kiểm tra công tác chống hạn và an toàn hồ chứa tại khu vực Tây Nguyên. Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng ENSO được dự báo có khả năng chuyển sang trạng thái EL Nino từ tháng 11-2018 đến những tháng đầu năm 2019. Tổng lượng mưa khu vực Tây Nguyên từ tháng 11-2018 đến tháng 4-2019 thiếu hụt từ 20-50% so với trung bình nhiều năm, chưa kể lượng mưa trong mùa mưa 2018 cũng thiếu hụt tại một số vùng. Dòng chảy sông suối thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%. Với thực trạng nguồn nước hiện tại và thông tin nhận định khí tượng thủy văn, việc cấp nước cho sản xuất nông nghiệp mùa khô 2018-2019 sẽ gặp khó khăn, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra. Tại Gia Lai, mực nước trên các sông, suối biến đổi chậm, so với trung bình nhiều năm thì lượng dòng chảy trên các sông thấp hơn từ 50-75%, mực nước ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vùng phía Đông và Đông Nam của tỉnh thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 2-4m, cá biệt hồ Ka Nak (H. Kbang) thấp hơn 22,2m, chỉ đạt khoảng 10% dung tích thiết kế. Tại nhiều hồ chứa thủy lợi, đập dâng lượng nước dự báo sẽ xảy ra thiếu nước vào cuối vụ Đông Xuân. Đến thời điểm hiện nay, tình hình thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài và không có mưa, dự báo sẽ có khoảng hơn 1.200ha diện tích cây trồng bị thiệt hại.

Cũng rơi vào tình trạng tương tự, lượng nước tại các công trình thủy lợi vùng phía Đông của tỉnh Đăk Lăk chỉ đạt 50% dung tích thiết kế. Dự báo, với tình hình nắng nóng kéo dài như hiện nay, đến cuối vụ Đông Xuân, các huyện như: Ea Kar, Krông Bông, Krông Păk, Cư M'gar, Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Ana có thể xuất hiện hạn hán trên diện rộng. Một số cây trồng chủ lực như cà phê cũng bị đe dọa nghiêm trọng khi mới chỉ có 56.000ha trong tổng diện tích hơn 200.000ha chủ động được nguồn nước tưới... Làm việc với các địa phương, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tỉnh lưu ý các tỉnh trong khu vực cần thường xuyên nắm các thông tin về dự báo khí tượng thủy văn, đặc biệt dự báo về mùa khô năm nay. Từ đó, kiểm kê, thống kê lại nguồn nước trong các công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa nước để có kế hoạch sử dụng nước phù hợp. Đối với những vùng thường xuyên thiếu nước thì cần tuyên truyền để người dân không gieo trồng. Ngoài các biện pháp chủ động, tiết kiệm nguồn nước thì các địa phương cần ưu tiên nguồn nước đảm bảo cho sinh hoạt, gia súc, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các cây trồng lâu năm.

Chiều 1-3, kiểm tra tại khu vực hồ thủy điện Ka Nak (H. Kbang, Gia Lai), Đoàn công tác ghi nhận lượng nước tại hồ đang xuống mức kỷ lục kể từ khi hoạt động đến nay. Làm việc với Đoàn công tác, ông Đặng Văn Tuần, Giám đốc Cty thủy điện An Khê-Ka Nak (Ban quản lý dự án thủy điện 7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho biết: mực nước trong hồ hiện chỉ còn khoảng 35 triệu m3, tương đương khoảng 10% theo thiết kế. Theo quy trình, nguồn nước của hồ đang được ưu tiên hoàn toàn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân hạ nguồn và công ty đang tiến hành xả với mức 6m3/s vào ban ngày và 4m3/s vào ban đêm. 3 tháng nữa có thể hồ thủy điện sẽ cạn kiệt, không còn nước cấp phục vụ sản xuất ở hạ du. Trong khi đó, các địa phương nơi nguồn nước thủy điện xả về đang "kêu cứu" vì tình trạng thiếu nước, hạn hán đã bắt đầu xảy ra. Điều đó, đang tiềm ẩn nguy cơ hạn hán sẽ diễn ra khốc liệt hơn khi thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tĩnh cho biết: "Đối với những vùng được tưới từ các công trình thủy điện, chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan để trong mùa khô, đặc biệt ở những hồ chứa cạn nước thì vẫn phải ưu tiên 100% nước cho nông nghiệp ở hạ du. Trong đó ưu tiên nước cho sinh hoạt, sản xuất và những ngành kinh tế quan trọng khác".

MINH TÂN