Tây Nguyên xử lý khẩn cấp các ổ dịch bạch hầu
Nhiều địa phương ở khu vực Tây Nguyên đã có những giải pháp quyết liệt, kịp thời để ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu có thể lan rộng, gây nguy hiểm cho cộng đồng trong bối cảnh Đắk Lắk đã phát hiện ca bạch hầu đầu tiên ở tỉnh này sau Kon Tum, Gia Lai và Đắk Nông.
Lực lượng chức năng tiếp tục phun thuốc, tăng cường các công tác khám, phòng chống, ngăn chặn dịch tại làng Bông Hiot (xã Hải Yang, H. Đăk Đoa, Gia Lai). Ảnh: M.T |
Kon Tum là địa phương đầu tiên của khu vực Tây Nguyên xuất hiện nhiều bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. Bác sĩ Võ Văn Thanh, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum, cho biết từ đầu năm đến nay, tỉnh này đã phát hiện 10 ổ dịch với 23 ca bạch hầu tại huyện Đắk Hà, Đắk Tô và Sa Thầy; không có ca tử vong. Riêng từ ngày 27-6 đến ngày 2-7, có 14 trường hợp tại xã Diên Bình (Đắk Tô), thị trấn Sa Thầy, xã Ya Xiêr (Sa Thầy), các trường hợp đều là người đồng bào dân tộc.
Đắk Lắk cách ly hàng trăm người
Chiều 7-7, trao đổi với phóng viên, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết vừa nhận được báo cáo về ca mắc bệnh bạch hầu đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Hàng trăm người đã được cách ly. “Ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu theo quy định” – ông Nay Phi La cho biết.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, ngày 6-7 đơn vị nhận được thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Lắk về trường hợp nghi bệnh bạch hầu nên phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành điều tra thông tin và lấy mẫu xét nghiệm. Theo đó, bệnh nhân tên H B. J. (1968, dân tộc MNông, ngụ tại Buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk). Theo lời bệnh nhân, bệnh khởi phát ngày 4-7 với các triệu chứng sốt, kèm đau họng, nuốt khó… Bệnh nhân ở nhà tự mua thuốc uống nhưng không thuyên giảm. Đến ngày 6-7, bệnh nhân đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Lắk. Ngay sau đó, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã lấy mẫu gửi Viện vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm. Đến chiều 7-7, kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Gia Lai: Tiêm vaccine cho toàn bộ người dân xã Hải Yang
Ngày 7 -7, ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết: tính đến chiều nay, trong 42 mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm đã xác định trên địa bàn toàn tỉnh có tất cả 16 ca dương tính, trong đó có 1 ca tử vong trước đó vào ngày 5-7. Trước đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai (CDC) đã lấy mẫu những trường hợp ở địa bàn xã Hải Yang có những biểu hiện nghi vấn mắc bệnh bạch hầu gửi đi xét nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên. Đồng thời, những trường hợp này cũng được cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Hải, trước tình hình bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp, đơn vị đã gửi công văn đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ 100.000 liều vắc xin Td (uốn ván, bạch hầu). Ngay sau đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên gửi khẩn cấp cho tỉnh Gia Lai 5.000 liều vaccine để tiêm chủng cho toàn bộ người dân xã Hải Yang - nơi đang diễn ra dịch bệnh bạch hầu. Đồng thời, dự kiến trong những ngày tới, Bộ Y tế sẽ trực tiếp vào khu vực Tây Nguyên kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh bạch hầu tại các tỉnh xảy ra dịch bệnh.
Bệnh bạch hầu bùng phát tại làng Bông Hiot (xã Hải Yang, H. Đăk Đoa) và bệnh nhân nhi đầu tiên là cháu Vung (4 tuổi) đã tử vong vào ngày 5-7. Ngay sau đó, các ngành chức năng đã tiến hành cách ly toàn bộ làng Bông Hiot nhằm kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, ngành y tế đã triển khai các công tác phun khử trùng, khám sàng lọc, cấp thuốc miễn phí cũng như các biện pháp dịch tễ khác cũng đã được triển khai. Tỉnh Gia Lai cũng ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch, nhanh chóng dập tắt các ổ dịch xảy ra nhằm tránh lây lan trên diện rộng trong cộng đồng.
P.V - M.TÂN