Tế Hanh đi suốt bài ca chiến thắng

Thứ bảy, 26/12/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Tế Hanh là người cùng quê với tôi - quê anh cách quê nội tôi chừng năm ba cây số. Anh sinh ở Bình Dương, quê tôi ở Bình Tân - hai xã cùng H. Bình Sơn (Quảng Ngãi). Anh và Đoàn Giỏi giới thiệu tôi vào Hội Nhà văn Việt Nam vào những năm đầu thập niên 1970, khi ấy vào Hội rất khó. Thời gian này tôi ở Báo Thống Nhất (80-Nguyễn Du), rất gần với trụ sở Hội Nhà văn ở số 65 cùng phố.

Tôi thường đến chơi với Nguyễn Văn Bổng (quê Quảng Nam) ở số 10- Nguyễn Thượng Hiền và ghé chơi với Tế Hanh (hai ông cùng chung cư). Tuy là bạn vong niên, Tế Hanh và Nguyễn Văn Bổng tôi xem như bậc đàn anh, bậc thầy. Tế Hanh cũng xem tôi như em út trong nhà. Tôi vẫn thuộc lòng bài thơ “Quê hương” của anh xem như anh nói hộ lòng tôi vậy! Thơ anh cũng hiền hòa trong xanh như dòng sông quê: Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới/Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.

Quê của anh và quê tôi gần nhau, anh tả con sông hồn hậu chân thật hồn nhiên và hay đến thế, thì có ai mà viết hơn được nữa. Cũng như bài thơ “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu đã viết thì không thi nhân nào viết hay hơn.

Anh Bổng là bạn nhậu, bạn văn, Tế Hanh chỉ là bạn thơ, anh uống nửa ly bia đã đỏ mặt. Những năm sau giải phóng hai nhà văn, nhà thơ lớn mà sống trong cảnh cơ hàn, nhà ở chưa đầy 30m2, kề vách bên nhau. Tôi thường rủ các anh đi uống bia mỗi dịp từ Sài Gòn ra thủ đô để tâm sự chuyện quê nhà. Tôi đã tổ chức cho 2 anh đi thăm Phú Quốc sau giải phóng bằng trực thăng và nhiều nơi ở Lục tỉnh.

 Nhà thơ Tế Hanh

Năm 1970, Tế Hanh tặng tôi tập thơ “Đi suốt bài ca”, tập thơ tôi thích nhất. Lại thêm những trang thơ nóng bỏng gửi về Nam của Tế Hanh, tôi đọc nhiều lần, nhiều bài đã thuộc, tôi hiểu tấm lòng anh nặng nhớ sông Trà. Bao giờ Tế Hanh cũng dành cả tình cảm thiêng liêng nhất cho quê nhà. Tập thơ Đi suốt bài ca của anh, tôi đã mang theo ra trận, anh đã viết hộ chúng tôi những ngày đi B. Anh cần mẫn làm việc, cặm cụi trên những trang thơ. Thơ anh qua hơn 20 năm ở miền Bắc - tập thơ đậm tình quê - gần 300 bài in ra, Đi suốt bài ca ghi dấu thêm và mở ra cho cuộc đời sáng tác của anh một phong cách đặc biệt trong thơ ca chống Mỹ.

Nhiều người thích bài Tiếng gọi đông - xuân của anh, đó là tiếng gọi từ tuyến đầu thắng Mỹ, dội vang khắp rừng Tây Nguyên đến sông nước Cửu Long và về tận quê anh. Đó là bản tráng ca hùng hồn dài 65 câu, là nỗi vui của mọi chúng ta, của cả hai miền. Cũng như trong bài thơ nhỏ Tình chiến đấu, anh dõi mắt trông về phương Nam vì theo anh: ở đó bình minh đang hiển hiện.

Sau gần 5 năm khi tập thơ Khúc ca mới ra mắt bạn đọc, anh miệt mài sáng tác chọn in tập Đi suốt bài ca. Cũng vẫn những lời thơ giản dị, mộc mạc trong xanh như nước sông Trà, ngọt đượm như ruộng mía quê anh đi vào lòng ta nhẹ nhàng nhưng giàu tính chiến đấu. Trong tập thơ có 4 bài viết về đất nước của Lênin và hai bài viết về đất nước của Sô-panh ngợi ca tinh thần quốc tế vô sản của những người anh em với cuộc đấu tranh chống Mỹ của ta. Trong Lênin và bản nhạc Bethoven, Tế Hanh khéo léo lồng chuyện của người xưa với cuộc đấu tranh chống Mỹ: Trong khó khăn vẫn nâng niu từng vốn quý thời xưa/Nhạc Bethoven cũng góp phần chống Mỹ/Như tranh làng Hồ, thơ nguyễn Trãi, Nguyễn Du...

Đặc biệt 4 bài thơ dâng Bác kết thúc gần 100 trang thơ của Tế Hanh. Những ngày đau thương của cả nước – ngày Bác Hồ đi về bên kia bầu trời, anh nói hộ cho ta, nói hộ một phần của máu, của thịt chúng ta lòng kính mến Bác Hồ ngàn vạn yêu thương: Hỡi người muôn vạn tình thương/Bao giờ lại nửa  quê hương hỡi Người?

Viết về tập thơ Đi suốt bài ca của Tế Hanh, khó mà giới thiệu được hết cái nhuần thắm trong những lời thơ chống Mỹ và những sắc màu đẹp đẽ trong tâm hồn anh. Tập thơ Đi suốt bài ca phản ảnh được phần nào cuộc chiến đấu chống Mỹ của hai miền đầy lạc quan và tất thắng. Thơ anh là những hình ảnh của một miền Nam đánh Mỹ kiên cường, một miền Bắc hậu phương mạnh mẽ làm hết sức mình cho tiền phương và hình ảnh bầu bạn bên cạnh miền Nam Đi suốt bài ca.

Có lần, Nguyên Hồng mời Tế Hanh và tôi về thăm Hải Phòng. Khi ấy ông đang lãnh trách nhiệm Chủ tịch Hội Văn nghệ thành phố biển này, ông đưa Tế Hanh và chúng tôi xuống thăm chiếc tàu Cuba đang chở hàng viện trợ cho Việt Nam đánh Mỹ. Các bạn Cuba, có người đã được đọc tác phẩm của Nguyên Hồng, Tế Hanh nên công kênh hai nhà văn lên cao và tưới rượu vào áo, hoan hô nhà văn của Việt Nam anh hùng giàu khát vọng.

Trong những ngày giặc leo thang chiến tranh đến Hà Nội, tại Hải Phòng lúc nào cũng có tàu bè nhiều nước đến viện trợ cho ta, tàu từ các nước Mỹ La-tinh sang, từ Hắc Hải, từ các nước Châu Phi, từ Marseille đến... Nguyễn Tuân rủ Tế Hanh và tôi xuống Hải Phòng xem không khí “bốn phương vô sản” để viết bài. Chúng tôi ghé Hội Văn nghệ Hải Phòng nhờ “thổ địa” Nguyên Hồng dẫn đi.

Chúng tôi xuống tàu Nga vừa từ Vladivostok đến, khi cô phiên dịch giới thiệu Nguyễn Tuân, Tế Hanh và Nguyên Hồng - các nhà văn lớn của Việt Nam, các bạn Nga đem bánh mì đen và muối – theo phong tục Nga tiếp khách quý. Tất nhiên còn có vodka và pho-mát. Nguyên Hồng đứng lên đọc bài thơ “Cửu Long giang ta ơi!”(3) ca ngợi quê hương miền Nam; Tế Hanh cùng đọc bài thơ “Nhớ con sông quê hương”, các thủy thủ và thuyền trưởng Nga hoan hô nhiệt liệt. Tiếng vỗ tay xen lẫn tiếng mở nút chai champagne mừng Việt Nam bắn rơi máy bay Mỹ.

Thế là Tế Hanh đã ra đi thật rồi! Một đêm tháng 7 mưa ngâu, ngậm ngùi và nuối tiếc, nhưng Tế Hanh đã Đi suốt bài ca chiến thắng. Thơ anh sẽ bất tử trong lòng người yêu thơ cả nước. Anh yên nghỉ anh nhé! Mặt trời và dòng sông quê hương vẫn nhớ anh mãi mãi, nước sông vẫn chảy hoài thương tiếc anh, ôm ấp tấm lòng nhân hậu của anh và thơ anh vẫn sưởi ấm dòng nước trong xanh ở quê nhà.

Bến Nghé, tháng 8-2009

Đoàn Minh Tuấn