TechDemo 2017: Thu hẹp khoảng trống cung cầu công nghệ

Thứ sáu, 24/11/2017 08:57

Sự kiện ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ (TechDemo 2017) đang diễn ra tại Đà Nẵng thu hút đông đảo các chuyên gia, tổ chức KHCN, DN trong và ngoài nước tham gia.

Đây là sự kiện KHCN quan trọng, được chờ đợi nhất trong năm bởi nó là nhịp cầu kết nối cung cầu công nghệ, đồng thời mở ra hướng đi phù hợp nâng cao năng lực KHCN quốc gia. Cũng tại đây, những khoảng cách, nút thắt trong quá trình đưa sản phẩm công nghệ vào cuộc sống, sản xuất sẽ được tìm cách tháo gỡ.

* Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay việc kết nối cung cầu công nghệ rất khó khăn. Lý do vì vai trò trung gian của thị trường KH&CN còn yếu, thông tin về công nghệ chưa được tổng hợp, phổ biến rộng rãi đến khu vực tư nhân, DN, những người tiêu thụ đầu ra các kết quả KHCN.

Gỡ “nút thắt” từ các Trung tâm

Hiện nay, DN được xác định là trung tâm để đổi mới KHCN, việc khởi nghiệp được gắn với đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ. Ở các địa phương, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN (Trung tâm) chính là cầu nối để đưa các thành tựu, tiến bộ KHCN đến với DN. Tuy nhiên, hoạt động của các Trung tâm này lại gặp nhiều khó khăn, từ nhân lực, cơ sở vật chất đến kinh phí. Đơn cử như với các Trung tâm tự chủ kinh phí khi nhân sự được điều động, giao việc khác nhưng lại không có cơ chế trả lương. Ông Trần Quốc Thành- Giám đốc Sở KH&CN Nghệ An cho biết, để các Trung tâm hoạt động hiệu quả thì cần phải tăng đầu tư về trang thiết bị, kinh phí. Năm 2017, tổng nhân lực của các Trung tâm khoảng 1,3 ngàn người, tổng kinh phí hoạt động 201 tỷ đồng, gần 420 hợp đồng công nghệ được chuyển giao, các Trung tâm đã làm chủ được gần 270 công nghệ. Với những yêu cầu cấp bách đổi mới, ứng dụng KHCN vào đời sống, sản xuất của cả nước thì những con số nêu trên chưa thể đáp ứng được thực tiễn, nếu không nói có phần hạn chế.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tham quan các sản phẩm dược của Danapha được tạo ra từ ứng dụng công nghệ hiện đại tại TechDemo 2017.

Làm gì để các Trung tâm hoạt động hiệu quả hơn, thúc đẩy quá trình ứng dụng KHCN vào sản xuất mạnh mẽ hơn, đang là yêu cầu bức thiết. Ông Trần Quốc Thành cho biết, cần sớm hình thành điểm kết nối cung cầu công nghệ cấp Vùng và có sự liên thông giữa các điểm trong cả nước. Tại các điểm Vùng này cần có cơ sở vật chất, cơ sở dữ liệu về công nghệ, các chuyên gia... đủ mạnh để thúc đẩy quá trình ứng dụng, đổi mới KHCN cho cả Vùng. Bởi thực tế, do đặc thù, trong Vùng thường có những nhu cầu nguồn cung công nghệ giống nhau. Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng cần xây dựng chương trình hỗ trợ tiếp nhận công nghệ riêng cho các Trung tâm để họ có thể tiếp nhận, làm chủ các công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia... mà địa phương có nhu cầu để thực hiện chuyển giao.

Dưới góc độ của tổ chức nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm KHCN, PGS TS.Võ Chí Chính (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) cho biết, những năm qua trường đã có hàng loạt sản phẩm công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống, mang lại hiệu quả cao. Đơn cử như sản phẩm lò hơi công nghiệp và sấy gỗ, doanh thu từ hợp đồng sản xuất mỗi năm đạt khoảng 40 tỷ đồng, đã có mặt khắp cả nước. Tuy nhiên, theo ông Chính, để một sản phẩm có thể triển khai ứng dụng và chuyển giao công nghệ được như vậy nhất thiết phải có sự đầu tư công sức, tiền bạc nhiều. Song, trong nhiều năm qua, trường nhận được rất ít các đề tài lớn như đề tài cấp quốc gia của Bộ. Mặt khác, theo cách xếp hạng của các trường đại học hiện nay, một chỉ tiêu quan trọng là các công bố quốc tế. Mà các nghiên cứu để có công bố quốc tế thường mang tính hàn lâm khoa học, khó tạo ra sản phẩm ứng dụng có thể chuyển giao, ngược lại các sản phẩm có thể chuyển giao công nghệ lại khó có thể công bố quốc tế. Vì vậy, nguồn lực của trường cũng phải dành cho các nghiên cứu cơ bản. Nói cách khác, nếu không có cơ chế hỗ trợ đủ mạnh vào các tổ chức nghiên cứu sản phẩm KHCN như các trường đại học thì sẽ không có nguồn sản phẩm công nghệ để chuyển giao, sẽ khó thúc đẩy đổi mới, ứng dụng KHCN để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nhiều sản phẩm công nghệ được trình diễn tại TechDemo 2017.

Tạo thị trường KHCN sôi động

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nói, để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh thì tất yếu phải dựa vào KH&CN. Việc tạo môi trường pháp lý thuận lợi để thúc đẩy chuyển giao, đổi mới công nghệ sẽ góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và DN. Vì thế, trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung phát triển thị trường KHCN với hành lang pháp lý đồng bộ, các cơ chế thiết thực. Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh xây dựng các định chế trung gian bằng các hoạt động như Sàn giao dịch công nghệ tại các thành phố lớn, Tổ chức trình diễn kết nối cung cầu công nghệ thường niên, Thúc đẩy đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp. Và, sự kiện TechDemo 2017 tại Đà Nẵng là một trong số hoạt động đó.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt, bởi nó kết nối những công nghệ thiết thực, sẵn có với các DN khu vực Nam Trung Bộ-Tây Nguyên. Trong đó, 300 sản phẩm công nghệ của 150 tổ chức KHCN, 1.800 nguồn cung công nghệ, hơn 20 chuyên gia công nghệ, nhiều Quỹ tài chính về công nghệ... sẽ được tiếp thị đến DN. Đặc biệt, trong chuỗi sự kiện TechDemo 2017 còn có hàng loạt hội thảo, diễn đàn chuyên sâu để giải bài toán về công nghệ cho DN trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng mới, xử lý môi trường, bức xạ tiên tiến... Có thể nói, TechDemo 2017 với qui mô lớn tại Đà Nẵng đang mở ra nhiều cơ hội lớn để kết nối cung cầu KHCN, từng bước gỡ bỏ những “nút thắt” nhằm đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao sản phẩm công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

HẢI QUỲNH