Tết Đoan ngọ xứ Huế
Tết Đoan ngọ (hay còn gọi: Tết Đoan Dương, Tết mồng 5) là phong tục gắn với quan niệm về sự tuần hoàn thời tiết của năm. Trong đó, "Đoan" được hiểu là mở đầu, "Ngọ" có nghĩa là giữa trưa hay "Dương" là mặt trời. Đoan ngọ hay Đoan Dương nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh nhất trong năm. Bên cạnh đó, dịp lễ này theo dân gian còn gọi là "Tết diệt sâu bọ". Bởi trong tiết trời giao mùa dịch bệnh dễ phát sinh, nên vào ngày này người ta có tục bắt, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, cũng như phòng trừ bệnh tật.
Tết Đoan Ngọ ở xứ Huế ngoài có những tương đồng với các địa phương Trung bộ còn có thêm nét đặc trưng riêng của vùng đất cố đô, đặc sắc bởi các món ăn, là thức cúng gia tiên trong ngày tết này. Có ba món không thể thiếu, dù nhà giàu hay nhà nghèo, đó là: Thịt vịt, chè kê, bánh tráng nướng. Dịp Tết Đoan Ngọ, vịt được người dân quê Huế chế biến thành nhiều món, như, tiết canh vịt, bún măng vịt, vịt hon, vịt phay, cháo vịt... Nhưng phổ biến nhất vẫn là vịt luộc chấm nước mắm gừng ăn kèm rau sống (gồm quả vả, khế chua, chuối chát và rất nhiều rau thơm các loại). Sự kết hợp của món ăn này vô cùng hợp lý và hấp dẫn. Bởi vịt, theo Đông y có tính hàn, nên được dùng vào thời tiết nắng nóng là thích hợp, rồi khi chế biến, người nội trợ lại thêm một lần kết hợp "nóng lạnh" nữa nên món ăn vịt luộc chấm nước mắm gừng không chỉ thơm ngon mà còn bổ dưỡng!
Chè kê cũng là thức cúng không thể thiếu được của người dân quê xứ Huế. Hạt kê dùng để nấu chè mồng 5 phải được lựa chọn từ giống kê nếp - một loại kê có hạt mẩy và dẻo thơm khi được nấu chín. Hạt kê phải được làm sạch vỏ, ngâm nước ấm cho hạt nở đều rồi mới đồ cho đến lúc chín nhừ thì thêm đường cát hay đường phèn và gừng giã nhỏ, khi ăn mới có vị ngọt thanh hấp dẫn.
Cũng giống nhiều địa phương khác, vào giờ chính Ngọ, cư dân làng quê xứ Huế còn có phong tục đi hái lá mùng 5. Họ hái những loại lá lành tính (lá vẫn được người dân quen dùng thường ngày), mỗi thứ một ít mang về rửa sạch phơi khô để dùng làm thuốc, hay đun làm nước uống. Bởi họ tin rằng lá Mùng 5 sẽ chữa được" bách bệnh". Trên thực tế, những loại lá này thường được bán sẵn ở chợ, đến giờ Ngọ người dân trong làng mua về với ý niệm chỉ để lấy may là chính.
Còn có tập tục lạ, nghi thức rửa mặt nhỏ nước chanh. Để tiến hành nghi thức này, mỗi gia đình đều dùng một chiếc chậu (còn gọi là thau) sạch, bên trong có nước sạch rồi bỏ vào đó ít lát chanh tươi, mang phơi nắng rồi chờ lúc chính Ngọ thì rửa mặt cho mọi thành viên trong gia đình bằng nước này. Sau đó ngẩng mặt lên phía mặt trời điểm một giọt nước chanh vào mắt, dù rát đến chảy nước mắt nhưng ai cũng vui vì tin rằng con người sẽ khỏe mạnh, mắt sẽ sáng và không bị các bệnh về mắt.
Ngày nay, một số phong tục cổ truyền này có phần bị mai một, có thể biến tướng nhưng những tập tục tốt đẹp trong ngày Tết Đoan Ngọ vẫn được người dân cố đô Huế lưu giữ như một nét đẹp văn hóa của đất Thần Kinh, góp phần làm nên bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Tết Đoan Ngọ ở mảnh đất Thần Kinh là nét đẹp văn hóa truyền thống, qua đó thể hiện tình cảm, lòng biết ơn đến gia đình, tổ tiên. Hái lá thuốc mùng 5, mâm cỗ cúng gia tiên… là những tập tục lâu đời mà người dân xứ Huế vẫn còn lưu giữ. Tất cả như một lời nhắc nhở về giá trị của các loại cây thảo dược có sẵn quanh ta và góp phần làm đẹp thêm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Hầu Tỷ