Tết với những người chạy thận
(Cadn.com.vn) - Với những bệnh nhân chạy thận tại BV Đà Nẵng, cứ nhắc đến Tết là họ lại buồn. Bởi lẽ, Tết với họ thường gắn với những lo toan, tủi phận, gắn với chiếc máy lọc máu đeo đẳng suốt đời.
Bệnh nhân Huy đang lọc máu mà trong lòng đầy âu lo khi Tết đã cận kề. |
Giao thừa trong bệnh viện
Mỗi ngày có khoảng 120 bệnh nhân tới khoa thận nhân tạo của BV Đà Nẵng để chạy thận. Đa số họ có hoàn cảnh khó khăn, bởi như giải thích của các bác sỹ tại đây, đã phải chạy thận thì kinh tế có giàu sau một thời gian cũng sẽ… nghèo. Mỗi bệnh nhân chạy thận phải được lọc máu 3 lần/tuần với số tiền là 400.000 đồng cho mỗi lần lọc. Không những thế, hầu hết tất cả bệnh nhân suy thận mãn đều mang trong mình bệnh suy tim, cho nên cùng một lúc họ phải điều trị cả hai căn bệnh ngặt nghèo. Ngoài khoản lọc máu họ còn phải lo thuốc men, ăn ở, đi lại nên số tiền chi trả cho một tháng lên đến 8 triệu đồng/người. Với những gia đình làm nông ở xa tới đây chạy thận thì việc di chuyển và điều trị trở nên vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, đối với các bệnh nhân suy thận mãn có thẻ BHYT khi điều trị tại đây sẽ được miễn giảm 100% chi phí, và giảm 80% đối với thẻ BHGD do UBND thành phố chi trả. Đây được xem là một việc làm có ý nghĩa to lớn nhằm tạo điều kiện cho các bệnh nhân và gia đình của họ an tâm điều trị. Điều dưỡng Phan Thị Thanh Vân (khoa thận nhân tạo) nói: “Đối với những bệnh nhân suy thận mãn có chỉ định chạy thận chu kỳ, việc cấp thẻ BHYT được xem như một ân huệ đối với họ. Tại BV Đà Nẵng, những bệnh nhân có thẻ BHYT được miễn giảm 100% chi phí khám chữa bệnh”.
Bà Nguyễn Thị Năm (64 tuổi, trú thôn 3, Quế Xuân, Quế Sơn, Quảng Nam) đã chạy thận 7 năm nay chia sẻ, với hoàn cảnh ngặt nghèo của bà, việc điều trị hoàn toàn phụ thuộc vào BHYT, nhưng tới nay thẻ đã trễ tới 20 ngày, khiến bà rất chật vật vì không có kinh phí để lọc máu. Bà Năm buồn bã nói: “Tôi không có chồng con, ở quá xa, một mình không thể di chuyển ra vào để điều trị thường xuyên được nên tôi đành ở lại bệnh viện. Bình thường có BHYT lo viện phí, tôi đã không đủ tiền để ăn rồi. Mấy hôm nay vì không có thẻ mà tôi phải xin chạy thận không tiền ở bệnh viện nhưng có bữa được bữa không. Tôi định Tết này không về vì không có tiền xe, hơn nữa, mồng 1 Tết tôi có lịch chạy thận nên đành ở lại luôn đây...”.
Bà Nguyễn Thị Năm đã chạy thận 7 năm nay. Tết này bà ở lại bệnh viện vì không có tiền về xe. |
Cứ Tết lại buồn
Chị Nguyễn Thị Giang (1992, trú thôn Trung Đông, Duy Trung, Duy Xuyên, Quảng Nam) kể, chị lấy chồng được 4 năm nay, tưởng chừng sẽ hạnh phúc khi có con thơ, nhưng chẳng hiểu sao 4 năm qua chị đã sảy thai đến 3 lần. Nghi ngờ, cuối năm 2015 chị quyết định đi khám bệnh và phát hiện mình bị suy thận giai đoạn cuối. Chị Giang u sầu bảo, mẹ chồng bị bệnh ung thư gan, bố chồng tuổi già còn phải chăm sóc cho vợ, phận làm con mà không giúp được gì cho ba mẹ, lại còn là gánh nặng cho chồng nên chị luôn bị dằn vặt, đau khổ. “Tôi cảm thấy mình thật vô dụng, phận làm vợ mà không thể sinh cho chồng một mặt con, phận làm con mà không chăm sóc được gì cho ba mẹ, đã thế còn trở thành gánh nặng cho gia đình...”, chị Giang rưng rưng nước mắt. Hoàn cảnh như vậy nên nhắc đến Tết chị càng buồn thêm. Cứ nghĩ cái cảnh Tết mọi người sum vầy bên gia đình, con cái, còn mình phải nằm một chỗ, chồng thì chạy ngược xuôi chăm sóc cho mẹ, cho vợ, càng buồn hơn.
Nhắc tới Tết, chị Giang rưng rưng nước mắt... |
Tương tự, bệnh nhân Lê Văn Huy (21 tuổi, trú thôn Trương Định, Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng) kể, cha em bị sỏi thân, mẹ thì bị nan thận nên sức khỏe không đủ đảm bảo cho công việc làm nông cơ cực, vì thế cuộc sống theo đó cũng thiếu thốn hơn. Hai chị gái đã có gia đình nhưng hoàn cảnh nghèo khó nên cũng không đỡ đần gì được. Trớ trêu thay khi Huy đang điều trị tại BV Đà Nẵng thì em trai đang học lớp 8 cũng nhập viện tại BV Phụ sản - nhi Đà Nẵng vì chứng hư thận. Nhìn đứa con trai ốm yếu của mình, bà Hà thở dài: “Lúc trước có mình thằng Huy đau, gia đình đã đủ khó khăn rồi, bây giờ còn cả em của nó nữa nên bế tắc trăm bề. Vợ chồng tôi thay phiên lo cho hai đứa con vì thế cũng không có thời gian đi làm để kiếm thêm tiền”.
Tết là niềm háo hức mong chờ của nhiều gia đình, bởi họ có dịp đoàn viên, quây quần bên nhau hạnh phúc. Nhưng, Tết với những bệnh nhân chạy thận chỉ là những phút giây thêm buồn, trĩu nặng lo toan. Họ không mong Tết.
Nhật Uyên