Thác đẹp hút hồn ở miền tây Quảng Trị

Thứ ba, 06/04/2021 18:29

Thác Ba Vòi và Tà Puồng là 2 địa điểm du lịch vừa được UBND tỉnh Quảng Trị đưa vào quy hoạch phát triển loại hình du lịch sinh thái mạo hiểm sau chuyến khảo sát mới đây. Theo đó, quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 sẽ hoàn thành trong năm 2021 này trên cơ sở tôn trọng tự nhiên, không can thiệp sâu vào hệ thống sinh thái tự nhiên và mời gọi các nhà đầu tư có đủ năng lực để khai thác hiệu quả.

Thác Tà Puồng

Tháng 4, phía tây Quảng Trị đúng mùa hoa rừng bung nở, bướm vàng dập dờn từng đàn khiến bức tranh thiên nhiên đầy sắc màu như chuyển động, mềm mại. Trước khi băng rừng để chạm kỳ quan 3 tầng thác Ba Vòi dưới đỉnh Voi Mẹp (đỉnh núi cao nhất Quảng Trị với độ cao 1.700m) thì cứ rong ruổi ra xã Hướng Việt (H.Hướng Hóa) để đến thác Tà Puồng. Nếu xuất phát từ Đông Hà, sẽ qua 63km đường đèo QL9 rồi rẽ vào đường Hồ Chí Minh nhánh tây hướng Khe Sanh - Quảng Bình. Chặng đường nối tiếp hơn 50km này cũng đủ đèo dốc, uốn lượn giữa đại ngàn Trường Sơn mang lại cảm giác thú vị, nhất là các phượt thủ.

Ở bất kỳ điểm dừng nào trên đèo Sa Mù cũng có thể “bấm” thả tay mọi khoảnh khắc thiên nhiên hùng vĩ ấy. Cảm xúc đó khi đến với Tà Puồng càng được đẩy cao hơn. Từ trung tâm xã Hướng Việt, đi thêm vài ki-lô-mét đến thôn Trăng là tới động Tà Puồng. Động có cửa rộng, trần cao, lòng rộng, khối lượng thạch nhũ kiến tạo nên nhiều hình thù rất đặc sắc, độc đáo. Từ cửa động, men theo suối về hạ nguồn khoảng 10 phút là đến thác Tà Puồng. Thác nước có độ cao 30-35m, có lưu lượng nước lớn, duy trì quanh năm. Trước vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ  mà thiên nhiên ban tặng, Tà Puồng đã được “chấm” là điểm du lịch, nghỉ dưỡng không thể bỏ qua khi đến phía tây Quảng Trị.

Nếu như đường đến thác Tà Puồng lôi cuốn chưa dứt thì trở về Hướng Hiệp (H.Đakrông) để đến với thác Ba Vòi lại khiến du khách hào hứng chinh phục hành trình gian nan, địa hình hiểm trở để đến cảnh quan đẹp khôn tả. Từ QL9 ở km36, từ thôn Khe Van, đoàn khảo sát do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam dẫn đầu tiếp tục đi hơn 3 giờ băng 5km đường rừng. Trước vô vàn cảnh đẹp thiên nhiên là 3 tầng thác Ba Vòi không nơi nào có. Mỗi tầng đều có khu hồ tắm rộng lớn, trong đó thác nước tầng 3 có độ cao kéo dài hàng chục mét rất hùng vĩ với 3 vòi nước đổ xuống. Theo đồng bào địa phương, nguồn gốc tên thác Ba Vòi cũng bắt nguồn từ hình thái đặc biệt đó. Trước cảnh quan tuyệt đẹp, nhiều người bắt đầu liên tưởng đến những tour du lịch khám phá, mạo hiểm sắp tới. Tại sao lại không?

Sau chuyến khảo sát ý nghĩa này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam nhấn mạnh để sớm đầu tư và khai thác Ba Vòi và Tà Puồng, đặc biệt là ưu tiên đầu tư xây dựng đường giao thông tiếp cận khu danh thắng, trên cơ sở tôn trọng tự nhiên, không can thiệp vào hệ sinh thái tự nhiên, UBND tỉnh giao Sở VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với các sở ngành khẩn trương tổ chức khảo sát, lập quy hoạch. Theo đó, thác Ba Vòi là loại hình du lịch sinh thái mạo hiểm, thác Ta Puồng là loại hình tham quan du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái mạo hiểm. Riêng đối với thác Ba Vòi, nghiên cứu xây dựng tuyến đường giao thông nối điểm bản Đá Ngồi, bản Gia Giã lên điểm chốt kiểm tra của Đội Kiểm soát Kiểm lâm cho đến khu vực điểm đầu từng rừng đầu nguồn. Đối với thác Tà Puồng, nghiên cứu xây dựng bãi đỗ xe và tuyến đường giao thông. Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh việc làm đường và các hạ tầng liên quan không được xâm phạm rừng phòng hộ.

 Ba Vòi, Tà Puồng sẽ thổi làn gió mới vào du lịch miền tây Quảng Trị, không những thế sẽ góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương. Trong khi chờ quy hoạch bài bản và phương án khai thác du lịch hợp lý, dân phượt khắp nơi dường như đã thấy nóng lòng, phấn  khích lắm rồi.

Bảo Hà