Thách thức cho ASEAN
(Cadn.com.vn) - Các nhà lãnh đạo ASEAN bắt đầu Hội nghị Thượng đỉnh vào ngày 26-4 và kéo dài đến 27-4 tại Malaysia với nhiều bài toán cần giải quyết, trong đó đặt trọng tâm về việc xây dựng Cộng đồng chung ASEAN và những tranh chấp ở biển Đông với Trung Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN Ngày 26-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam rời Hà Nội tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 này. Phát huy vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong ASEAN, Việt Nam tham dự Hội nghị lần này nhằm góp phần thúc đẩy ASEAN liên kết chặt chẽ hơn, hoạt động hiệu quả hơn, củng cố, tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò quan trọng của ASEAN, nhất là trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh, hợp tác, phát triển ở khu vực. |
ASEAN lên kế hoạch công bố thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay, cột mốc quan trọng cho khối 10 quốc gia Đông Nam Á. "Là quốc gia Chủ tịch ASEAN năm 2015, Malaysia chịu trách nhiệm đảm bảo, chương trình nghị sự để thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay sẽ hoàn thành", Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman tuyên bố. Malaysia sẽ tập trung vào việc thực hiện các mục tiêu đề ra đặc biệt là xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Đây là Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên Malaysia đóng vai trò Chủ tịch ASEAN. Vì thế, nước này chắc chắn sẽ nỗ lực thúc đẩy tạo ra "một ASEAN lấy dân làm trung tâm" được phản ánh trong chủ đề của hội nghị lần này "Con người của chúng ta, cộng đồng của chúng ta, tầm nhìn của chúng ta".
Cộng đồng ASEAN, khi ra đời, sẽ mang lại sự thay đổi có ý nghĩa và tích cực đến đời sống và phúc lợi của 633 triệu dân, dẫn đến tiêu chuẩn sống cao hơn và tiến bộ xã hội nhanh chóng hơn. "Điều này là rất quan trọng để đảm bảo, khu vực Đông Nam Á không chỉ sôi động về kinh tế và cạnh tranh mà còn vì chất lượng cuộc sống của các dân tộc".
Trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN, cụ thể là Cộng đồng An ninh - chính trị (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN (ASCC), AEC đóng vai trò trung tâm. AEC sẽ giúp tạo ra thị trường và cơ sở sản xuất, khu vực kinh tế cạnh tranh, phát triển kinh tế công bằng và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, theo tuyên bố chung đưa ra sau Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN diễn ra hồi tháng 3, các nước thừa nhận, việc thực hiện AEC không có nghĩa là ASEAN sẽ trở thành thực thể kinh tế duy nhất vào ngày 1-1-2016. Ngoài ra, khoảng cách phát triển giữa các thành viên ASEAN rất lớn cũng đặt ra thách thức lớn cho AEC.
Ngoài vấn đề Cộng đồng ASEAN, các lãnh đạo sẽ đặt trọng tâm về vấn đề biển Đông, trong đó có hành động của Trung Quốc như bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo trên các rạn san hô ở khu vực tranh chấp với nhiều quốc gia Đông Nam Á này. Hội nghị chắc chắn sẽ kêu gọi "kiềm chế" tại biển Đông nếu không Trung Quốc sẽ ngày càng có những tuyên bố mạnh mẽ và vô lý hơn tại vùng biển tranh chấp này.
ASEAN cũng sẽ kêu gọi thảo luận với Bắc Kinh về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) nhằm tiến tới thiết lập COC hiệu quả trong bối cảnh Philippines cảnh báo Trung Quốc thể hiện sự sẵn sàng nắm "quyền kiểm soát thực tế" biển Đông. Manila ngày 26-4 kêu gọi các nước Đông Nam Á "dứt khoát phải có phản ứng trực diện và quyết liệt" với nước láng giềng lớn này.
Thanh Văn