Thái độ đúng đắn

Thứ hai, 12/05/2014 00:02

(Cadn.com.vn) - Ngày 11-5, hàng trăm người dân các đô thị lớn, như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế... đã xuống đường tuần hành đấu tranh chống hành động xâm phạm lãnh thổ Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc, đồng thời bày tỏ thái độ ủng hộ Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đặc biệt là những lực lượng đang trực tiếp làm nhiệm vụ.

Một cuộc “tuần hành” nữa cần phải nhắc đến, đó là hàng triệu người tham gia các mạng xã hội. Có thể nói, hiếm khi nào mạng xã hội ở Việt Nam lại trở nên nghiêm túc như hiện nay, khi hầu như tất cả các thành viên đều bày tỏ thái độ rõ ràng, kiên quyết chống lại hành động ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc, tất cả đều thể hiện tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Điều đặc biệt đáng chú ý, trong các cuộc xuống đường, trong những lời kêu gọi trên mạng xã hội..., bất chấp những hành động hung hãn của tàu Trung Quốc, những phát ngôn thiếu thiện chí, thậm chí ngạo mạn, coi thường luật pháp quốc tế từ phía Trung Quốc, người dân Việt Nam vẫn cư xử hết sức chuẩn mực. Nói cách khác, chúng ta hành xử theo đúng cách thức của những người có lẽ phải và có văn hóa.

Thái độ của Việt Nam cũng đã được thể hiện trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24: Việt Nam đã hết sức kiềm chế, bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục gia tăng các hành động vi phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.

Sự ủng hộ Việt Nam đã đến mức độ khá sâu sắc, khi mà, các đại biểu tham dự Đại lễ Phật đản LHQ (Vesak 2014), đại diện cho cộng đồng Phật giáo toàn thế giới, trong Tuyên bố Ninh Bình 2014, đã đề cập những quan điểm giải quyết vấn đề theo đúng cách tiếp cận bấy lâu của Việt Nam (trái ngược hoàn toàn với hành động và các tuyên bố đơn phương của Trung Quốc): “Đôn đốc các nhà lãnh đạo chính trị giải quyết các tranh chấp liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình khác, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, để duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác thế giới”.

Đồng ý rằng, cho đến lúc này, đa phần các quốc gia, vùng lãnh thổ, định chế và nhất là nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ Việt Nam vì chính nghĩa, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, một phần quan trọng khác, chính là thái độ và cách tiếp cận vấn đề của Việt Nam. Ngay sau khi sự việc xảy ra, cả Việt Nam và Trung Quốc đều tổ chức họp báo quốc tế. Thế nhưng, kết quả, hầu như tất cả các cơ quan truyền thông quốc tế đều đứng về phía Việt Nam và lên án hành động của Trung Quốc.

Quan sát những gì đang diễn ra, có thể khẳng định, thái độ đúng đắn của Việt Nam, kể cả quá trình xử lý hàng chục năm qua lẫn trong sự việc đang diễn ra, thu hút sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Đó là một trong những lợi thế, ít nhất là về mặt tinh thần, của Việt Nam trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc. Nói cách khác, Việt Nam không cô đơn trong cuộc đấu tranh khó khăn này.

Nguyễn Lê