Thái Lan ban bố sắc lệnh khẩn cấp vì biểu tình

Thứ sáu, 16/10/2020 10:43

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã tuyên bố thực thi sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Bangkok có hiệu lực từ 4 giờ sáng 15-10. Động thái được đưa ra nhằm kiểm soát cuộc biểu tình đang leo thang ở Bangkok từ ngày 14-10.

Đám đông biểu tình vây quanh khi xe chở Hoàng hậu Suthida và Hoàng tử Dipangkorn Rasmijoti đi qua chiều 14-10. Ảnh: AFP

Vây xe chở Hoàng hậu

Hàng nghìn người biểu tình chiều 14-10 tập trung quanh Tượng đài Dân chủ ở Bangkok khi nghe tin đoàn xe hoàng gia chở Nhà vua Maha Vajiralongkorn và gia đình sẽ đi qua đây. Bất chấp cảnh sát yêu cầu giải tán, nhiều người biểu tình vẫn cố nán lại khu vực.

Các đoạn băng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Thái Lan cho thấy cảnh sát chống bạo động đẩy lùi người biểu tình để dọn đường cho đoàn xe hoàng gia. Chiếc xe Rolls-Royce màu vàng sau đó chậm chạp lách qua đám đông một cách khó khăn, dưới sự hộ tống của xe cảnh sát. Hoàng hậu Suthida ngồi bên trong xe cùng Hoàng tử Dipangkorn Rasmijoti. Bà nhìn ra ngoài và vẫy tay mỉm cười. Tuy nhiên, người biểu tình xung quanh đồng loạt giơ cao 3 ngón tay, biểu tượng của phong trào biểu tình chống chính phủ gần đây ở Thái Lan. "Tiền thuế của tôi!", họ hô vang. Đoàn xe chở Vua Vajiralongkorn sau đó đi qua con đường này tới buổi lễ ở Chùa Emerald Buddha gần hoàng cung nhưng không gặp sự cố gì.

Cảnh tượng trên là chưa từng có ở Thái Lan, một quốc gia theo chế độ quân chủ, nơi hoàng gia có uy quyền ở mọi khía cạnh xã hội. Vua Thái là người quyền lực nhất nước và được quân đội cùng các gia tộc tỷ phú hùng mạnh ủng hộ. Người Thái bị cấm phát ngôn tiêu cực về hoàng gia và có thể đối diện 15 năm tù vì tội khi quân. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người thể hiện những hành động, lời nói phản đối hoàng gia, bất chấp luật này.

Phát ngôn viên chính phủ Anucha Burapachaisri cho hay Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã yêu cầu cảnh sát truy tố "những người biểu tình cản trở đoàn xe hoàng gia". "Cáo buộc sẽ được đưa ra với những người có hành động phỉ báng chế độ quân chủ. Họ phải đối mặt với các hành động pháp lý mà không có ngoại lệ", ông Burapachaisri nói trong một thông cáo.

Cấm tụ tập trên 5 người

Phong trào biểu tình dâng cao ở Thái Lan từ giữa tháng 7 nhằm yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức, cải cách chế độ quân chủ do Vua Vajiralongkorn đứng đầu, xây dựng hiến pháp mới và tổ chức bầu cử. Họ cho rằng không cần bãi bỏ chế độ quân chủ ở Thái Lan, nhưng cần giảm bớt quyền lực của nhà vua theo hiến pháp.

Trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống đối, thu hút tới hàng nghìn người tham gia vẫn tiếp diễn rầm rộ ở thủ đô Bangkok, chính phủ Thái Lan đã ban bố sắc lệnh khẩn cấp. Theo Reuters, sắc lệnh khẩn cấp bắt đầu có hiệu lực từ lúc 4 giờ sáng 15-10 (giờ địa phương). Sắc lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên và cho phép nhà chức trách ngăn chặn người dân tiếp cận bất kỳ khu vực nào. Các hoạt động "đăng tải tin tức, các hình thức truyền thông khác và thông tin điện tử có chứa những thông điệp có khả năng gây sợ hãi và cố ý xuyên tạc thông tin, gây hiểu lầm và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hay hòa bình và trật tự" cũng bị cấm.

Truyền hình quốc gia Thái Lan cho phát sóng thông cáo của chính phủ giải thích, một số công dân gần đây đã kích động "các cuộc tụ tập bất hợp pháp ở nơi công cộng" và đối đầu với cơ quan thực thi pháp luật ở thủ đô, nên nhà chức trách thấy cần phải đưa ra các biện pháp khẩn cấp để thiết lập lại trật tự.

CNA đưa tin, chỉ vài giờ sau khi sắc lệnh khẩn cấp có hiệu lực, cảnh sát chống bạo động đã giải tán những người biểu tình cắm trại qua đêm bên ngoài trụ sở chính phủ. Một số người biểu tình cố gắng kháng cự bằng cách dựng hàng rào tự chế từ thùng rác, nhưng họ nhanh chóng bị trấn áp. Tới sáng 15-10, hàng trăm nhân viên an ninh đã nắm quyền kiểm soát các tuyến phố lân cận. Một luật sư cho biết, ít nhất 3 lãnh đạo biểu tình đã bị bắt giữ trong vụ việc. Trước đó, nhà chức trách cũng đã bắt giữ 21 người biểu tình khác hôm 13-10.

AN BÌNH