Thái Lan đau đầu vì nạn buôn người

Thứ sáu, 26/06/2015 09:13

(Cadn.com.vn) - Thái Lan hiện phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nghiêm trọng hơn, Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đưa ra danh sách đen cảnh cáo việc chính quyền Bangkok không nỗ lực chấm dứt vấn đề lao động di cư bắt buộc. Việc phát hiện hàng loạt ngôi mộ tập thể ở biên giới Thái Lan-Malaysia gây ra bức xúc trong dư luận và trở thành tiêu điểm toàn cầu. Chính phủ quân sự Thái Lan đang cho thấy nỗ lực giải quyết vấn đề này về lâu về dài. Tuy nhiên, chiến dịch đàn áp nạn buôn người gần đây của nước này đã thất bại.

Quy mô rộng lớn

Nạn buôn người và bóc lột người tị nạn và di dân kinh tế tồn tại ở Thái Lan rất lâu.

Theo thống kê của Chỉ số Nô lệ Toàn cầu, Thái Lan xếp thứ 44 trong số 167 quốc gia được nêu tên trong bảng xếp hạng các quốc gia thất bại trong việc chống lại chế độ nô lệ. Tổ chức này ước tính, khoảng nửa triệu người ở Thái Lan đang sống trong vòng nô lệ, chủ yếu trong các ngành công nghiệp dệt may, đánh bắt thủy sản và tình dục. Năm 2014, Mỹ liệt Thái Lan vào danh sách đen "các quốc gia thất bại trong việc giải quyết vấn đề buôn bán nô lệ" sau khi những cảnh báo liên tiếp bị phớt lờ.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn buôn bán nô lệ là địa lý. Lãnh thổ Thái Lan giáp với những nước cực kỳ kém phát triển như Lào và Campuchia hay thậm chí một nước giàu có hơn như Malaysia. Do vậy, Thái Lan trở thành điểm đến phổ biến của dân di cư. Nước này còn nằm trên tuyến đường thông thương trên biển đầy tiềm năng nhưng bất ổn về chính trị từ Bangladesh và Myanmar. Thái Lan mặc nhiên trở thành nguồn cung cấp, điểm đến và nơi trao đổi của các hoạt động buôn bán nô lệ.

Khi Thái Lan đẩy mạnh các cuộc càn quét ở miền nam, một tờ báo địa phương cho biết những tập đoàn tội phạm chỉ đơn giản là dời vùng hoạt động sang biên giới Malaysia.

Không có hy vọng

Ở biên giới đông nam Thái Lan, cả quân đội và cảnh sát nỗ lực giải quyết các nhóm khủng bố Hồi giáo địa phương, những kẻ tiếp tay cho các tổ chức tội phạm.

Trên thực tế, các tỉnh đông nam gần Malaysia, nơi sinh sống của đa số dân tộc thiểu số, chưa bao giờ hoàn toàn nằm trong quyền kiểm soát của nhà nước Thái Lan. Thái Lan chỉ chính thức kiểm soát khu vực này từ năm 1909 khi ranh giới hiện nay giữa nước này và Malaysia được phê chuẩn. Thái độ miệt thị của người dân các tỉnh thành lớn đối với các khu vực biên giới kém phát triển hơn gây nên bất bình trên toàn đất nước và ý định tách khỏi Thái Lan bằng bạo lực ở những vùng phía nam xa xôi khiến Bangkok rơi vào tình trạng khó khăn.

Mặc dù quân đội và cảnh sát tập trung lực lượng rất lớn để chống lại quân nổi dậy Hồi giáo, con số thống kê các trại di cư trong khu vực cho thấy không có cách nào để chấm dứt nạn buôn người. Tuy các loại vũ khí và chiến thuật của phe nổi dậy không quá phức tạp nhưng có đến gần 6.000 người thiệt mạng kể từ khi tình hình căng thẳng trở lại vào năm 2001.

Nạn buôn người vẫn tiếp tục gây khó khăn cho chính phủ Thái Lan. Ảnh: Diplomat.

Cốt lõi của vấn đề

Theo giới phân tích, có sự hợp tác giữa các nhóm buôn người với dân cư ven biển và biên giới về cơ sở hạ tầng, lính canh trại địa phương và nguồn cung cấp. Tất nhiên việc này còn có sự tiếp tay của các cơ quan địa phương bởi nếu không, đường dây buôn lậu sẽ không thể hoạt động lớn mạnh đến như vậy.

Nhân viên các cơ quan an ninh Thái Lan và các quan chức địa phương bị bắt giữ do bắt tay phối hợp với các nhóm buôn người và thậm chí bán người tị nạn chạy trốn hay giam giữ người nhập cư để trở thành nô lệ. Cuộc khủng hoảng hiện nay là hậu quả của việc Bangkok bắt đầu cấm các tàu buôn lậu chủ yếu chở người Bangladesh và người Hồi giáo Rohingya. Điều này khiến các lái buôn hoảng sợ bỏ thuyền và khách, đồng thời tuyên bố, họ không thể tiếp tục che giấu các hoạt động bất hợp pháp trên biển. Cuộc khủng hoảng thuyền nhân dẫn đến việc tìm thấy các trại buôn lậu ven biển với những ngôi mộ tập thể ghê tởm.    

Hiện nay, những người đứng đầu chính phủ đang bận tâm ổn định nền chính trị và họ không muốn truyền thống của quân đội bị ràng buộc Mỹ hay nền kinh tế Thái Lan bị hủy hoại. Và họ đang lên kế hoạch về một bản hiến pháp mới nhằm củng cố ảnh hưởng chính trị về lâu dài.

An Bình
(Theo Diplomat)