Thái Lan trưng cầu hiến pháp mới: “Cuộc chiến” giữa quân đội và các đảng chính trị

Thứ hai, 08/08/2016 10:11

(Cadn.com.vn) - Nếu được thông qua, dự thảo hiến pháp mới lần này sẽ trao thêm quyền hạn cho quân đội, lực lượng vốn chiếm quyền kiểm soát chính phủ trong cuộc đảo chính không đổ máu năm 2014.

Ngày 7-8, tất cả các điểm bỏ phiếu trên khắp Thái Lan chính thức mở cửa đón cử tri đến bỏ phiếu về dự thảo hiến pháp mới, vốn được chính phủ mô tả là văn kiện chế định hệ thống chính trị và định hình con đường phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia Đông Nam Á này. Các đảng chính trị lớn nhất ở Thái Lan kiên quyết bác bỏ bản hiến pháp này.

Khoảng 200.000 cảnh sát đã được triển khai để đảm bảo an ninh cho các điểm bỏ phiếu, trong bối cảnh lo ngại bùng nổ biểu tình phản đối trưng cầu dân ý. Đây là cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về hiến pháp mới tại nước này và văn kiện này, nếu được thông qua, sẽ là bản hiến pháp thứ 20 kể từ khi quân đội bãi bỏ chế độ quân chủ tuyệt đối vào năm 1932.

Dự kiến, kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 10-8 tới.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha (trái) và cựu Thủ tướng Yingluck bỏ phiếu bầu tại Bangkok.
Ảnh: Reuters

Thử nghiệm chính trị đầu tiên của Thủ tướng Prayuth

Hiến pháp này, nếu được thông qua, sẽ mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017. Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi là hiến pháp này sẽ trao thêm quyền cho quân đội, lực lượng vốn đã rất quyền lực ở quốc gia Chùa Vàng. Giới phân tích cũng cho rằng, tham vọng của quân đội là làm suy yếu các đảng chính trị và bảo đảm quân đội đóng vai trò trong việc giám sát phát triển kinh tế và chính trị của đất nước.

Vì vậy, có thể xem cuộc trưng cầu dân ý lần này là thử nghiệm lớn đầu tiên cho chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, vị tướng lên nắm quyền sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Thủ tướng Yingluck Shinawatra năm 2014. Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy, đa số cử tri ủng hộ hiến pháp mới. Ngay trước thềm bầu cử, Thủ tướng Prayuth cũng đã tuyên bố sẽ không từ chức bất chấp cử tri bác bỏ hiến pháp và nhấn mạnh, một cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào năm tới. Nhưng nếu được thông qua, đây có thể xem là chiến thắng quan trọng của Thủ tướng Prayuth, có thể giúp ông tiến xa hơn trên con đường chính trị.

Thập kỷ bất ổn

Những người phản đối cho rằng, các quy định trong hiến pháp mới chủ yếu phục vụ cho quân đội, lực lượng vốn đã thất bại trong việc trục xuất cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và thương hiệu “chủ nghĩa dân túy” ra khỏi chính trường Thái Lan.

Nước này đã chứng kiến một thập kỷ bất ổn chính trị kể từ khi ông Thaksin bị lật đổ năm 2006. Cựu Thủ tướng Thaksin, hiện đang sống lưu vong, nhưng vẫn có tầm ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ ở trong nước, đặc biệt là với những người ở khu vực nông thôn phía bắc. Em gái ông, bà Yingluck lên nắm quyền sau chiến thắng long trời lở đất trong cuộc bầu cử vào năm 2011. Nhưng chính phủ của bà đã bị tướng Prayuth lật đổ vào năm 2014. Bà Yingluck, hiện bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm kể từ tháng 1-2015 sau khi bị kết tội quản lý yếu kém gây thất thoát nghiêm trọng liên quan đến chương trình lúa gạo. “Tôi hạnh phúc vì vẫn có thể thực hiện các quyền công dân”, bà Yingluck nói với các phóng viên khi bỏ phiếu ở Bangkok.

Trong khi đó, từ nước ngoài, ông Thaksin gọi các quy định trong hiến pháp là “điên rồ”, nói rằng, nó chỉ giúp duy trì quyền lực của chính quyền quân sự và không giúp gì cho người dân Thái Lan.

Khả Anh