Thăm Bảo tàng Lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại ở Moscow

Thứ bảy, 07/10/2017 09:46

Đến với nước Nga, quê hương cách mạng tháng Mười, du khách không thể bỏ qua Bảo tàng Lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Đó là nơi lưu lại những di vật, chứng tích, những câu chuyện về một trong những cuộc chiến chống xâm lăng vĩ đại nhất của dân tộc Nga nói riêng và của thế giới nói chung.

Toàn cảnh Bảo tàng Chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Con đường đến Bảo tàng Trung ương lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại thường được bắt đầu từ Quảng trường Pobedy, đi qua Khải Hoàn môn với những bức tượng, những phù điêu tinh xảo. Đây là công trình tôn vinh cuộc chiến tranh giữ nước chống lại Napoleon năm 1812, một thắng lợi trong cuộc chiến chống xâm lược khác của người Nga, trước một trong những nhà quân sự xuất sắc nhất mọi thời đại của nhân loại. Từ Khải Hoàn môn, bỏ qua những thảm hoa rực rỡ khoe sắc dưới ánh nắng ấm áp của Moscow, nhìn về đồi Poklonnaya - một mảnh đất thiêng của Moscow, nơi đã từng chứng kiến những sự kiện quan trọng liên quan đến số phận nước Nga trong cuộc chiến năm 1812 sẽ nhìn thấy Bảo tàng Lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941 - 1945.

Bảo tàng này ghi công chiến thắng của quân dân Nga trước cuộc xâm lược của phát-xít Đức trong Thế chiến II, là nơi tôn vinh chủ nghĩa anh hùng và tinh thần dũng cảm của hàng triệu người dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đó. Theo một số tài liệu, ý tưởng lập bảo tàng để ghi công những anh hùng đã xuất hiện ngay từ khi cuộc chiến còn đang diễn ra quyết liệt. Đó là vào năm 1942, quân Đức vượt sông Volga, tiến về Stalingrad (nay là Volgograd) ở miền Tây Nam nước Nga. Tại thành phố này, cuộc chiến anh dũng của Hồng quân kéo dài từ ngày 27-7-1942 đến 2-2-1943 với hơn nửa triệu người chết, đã tạo ra một bước ngoặt cho cuộc chiến chống phát- xít Đức, cũng là tiền đề để tạo ra bước ngoặt của Thế chiến II. Trong giai đoạn này, Hội Kiến trúc sư Liên Xô công bố cuộc thi thiết kế đài tưởng niệm và bảo tàng chiến thắng, nhưng vì nhiều lý do, dự án đã bị trì hoãn gần nửa thế kỷ...  Năm 1958, chính quyền Liên Xô chính thức đặt phiến đá lưu niệm ghi dấu tích nơi sẽ xây dựng Bảo tàng và đến năm 1985 mới khởi công xây dựng. Sau 10 năm xây dựng, ngày 9-5-1995, đúng ngày kỷ niệm 50 năm chiến thắng phát-xít, Bảo tàng Lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941-1945 (được coi là bảo tàng trung ương, bên cạnh các bảo tàng khác về cuộc chiến tranh này) được khánh thành trọng thể với sự có mặt của 65 nguyên thủ quốc gia.

Xa xa, từ Khải Hoàn môn đã nhìn thấy một đài kỷ niệm hình tháp gắn các phù điêu bằng đồng đỏ cao 141,8m, tượng trưng cho thời gian 1.418 ngày đêm của cuộc chiến tranh khốc liệt trong 4 năm 1941 - 1945. Đến gần bảo tàng hơn, là một quảng trường rất rộng được lát đá granite, bên phải có rất nhiều đài phun nước, còn bên trái là những hàng cây xanh nằm dưới chân đồi, cùng các quầy hàng lưu niệm, nước uống... Không gian Bảo tàng hết sức thanh bình và thơ mộng, trong tiếng rì rào của các dòng nước là hình ảnh trẻ nô đùa bên những chú bồ câu dạn dĩ, tinh nghịch... Tiến dần về phía Bảo tàng có những cột mốc ghi số 1941, 1942, 1943, 1944, 1945, tượng trưng cho các năm nhân dân Liên Xô phải anh dũng chiến đấu chống phát-xít.

Tòa nhà Bảo tàng cao 3 tầng, trong đó hệ thống trưng bày thường trực rộng 9.543m2 giới thiệu hơn 4.000 hiện vật gốc và hàng vạn hình ảnh, tư liệu lịch sử về chặng đường đi tới chiến thắng, trong số khoảng 220.000 hiện vật (có khoảng 170.000 hiện vật gốc), đó là các chứng cứ tài liệu, ảnh, đồ dùng cá nhân của những người tham gia cuộc chiến, vũ khí, thiết bị quân sự, chiến lợi phẩm... Trong đó, có một số vũ khí của các đối thủ chính là Đức và Nhật Bản. Bảo tàng còn có phòng trưng bày nghệ thuật, sáu gian bán nguyệt tái hiện các trận đánh lớn, phòng về các vị tướng, gian vinh quang và gian tưởng niệm. Mở đầu phần trưng bày và là nơi trang trọng nhất của Bảo tàng là phòng giới thiệu về các nguyên soái, các danh tướng của Hồng quân. Tại đây, mỗi danh tướng được thể hiện bằng một tượng chân dung bán thân cao khoảng 1m bằng đồng thau, đặt trên một bệ cao 1,5m và có một bản tóm tắt tiểu sử về cuộc đời binh nghiệp...

Ở gian điện động rộng hàng trăm mét vuông, Bảo tàng giới thiệu về các chiến dịch quan trọng tạo bước ngoặt của cuộc chiến: Trận phản công của quân đội Xô viết tại ngoại ô Moscow; Trận chiến ở Stalingrad, Phòng thủ Leningrad; Vòng cung Kurks; Vượt sông Dniev(ở Kiev) và Công phá Berlin. Ở gian này, các hình ảnh tiêu biểu của các chiến dịch được tái hiện sinh động với các quân trang, quân dụng, vũ khí, trận địa giống như thật. Đứng trước các cảnh này, người xem tưởng như mình được xem một ảnh 3D khổ lớn về một khoảnh khắc tiêu biểu nhất của chiến trận.

Tượng Bi thương, khắc họa nỗi đau của người mẹ có con hy sinh vì đất nước Xô viết.

Ở phòng Vinh quang có bức tượng Người lính chiến thắng bằng đồng đỏ, phía trước tượng, trong một tủ kính nằm sát nền nhà trưng bày một thanh kiếm do những người lính quân giới vùng Tula (quê hương có truyền thống rèn, đúc vũ khí lâu đời) chế tạo. Xung quanh tường ốp đá hoa cương trắng được khắc họ, tên của 11.800 anh hùng Xô viết được tuyên dương trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại cùng các biểu trưng Vinh quang của Hồng quân. Người xem đều xúc động khi dừng lại ở phòng Tưởng niệm, nơi tưởng nhớ 27 triệu người Liên Xô (trong đó có khoảng 18 triệu dân thường) đã hy sinh và mất tích trong chiến tranh. Có rất nhiều tập sách ghi lại tên tuổi của người đã mất, như một sự ghi nhớ một giai đoạn bi thương mà hào hùng của đất nước Liên Xô anh hùng. Nhiều người dừng lại khá lâu trước tượng Bi thương bằng đá cẩm thạch trắng - thể hiện nỗi đau bất tận của người mẹ bên thi thể người con trai vừa ngã xuống trên chiến trường. Trên trần nhà buông rủ xuống hàng vạn dây pha lê trong suốt, được chiếu sáng lấp lánh, tượng trưng cho những giọt nước mắt tiếc thương của những người đang sống. Bên ngoài, trên nền đá đỏ sẫm là tên và các phiên hiệu của tất cả các phương diện quân, các quân đoàn, sư đoàn, trung đoàn đã từng tham chiến trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại...

Mặc dù, hiện nay ở Moscow có rất nhiều bảo tàng và nhiều địa điểm tham quan thú vị nhưng Bảo tàng Lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941-1945 vẫn thường được chọn, cùng với Quảng trường Đỏ và Lăng Lenin, những nơi ghi dấu đậm nét của quê hương cách mạng vô sản với Cách mạng tháng Mười Nga đã mở ra thời đại mới cho nhân loại, là thành trì của khối xã hội chủ nghĩa, nơi đã góp công lớn vào việc đánh bại chủ nghĩa phát-xít, giúp nhân loại vượt qua một cuộc diệt chủng với quy mô lớn. Hàng năm bảo tàng đón khoảng nửa triệu khách tham quan từ mọi miền đất nước Nga và du khách của nhiều quốc gia trên thế giới.

Sau những phút lặng ở bên trong Bảo tàng, bước ra ngoài là một mảng xanh tưởng như bất tận, được điểm những cánh hoa bồ công anh vàng tươi của quần thể Bảo tàng. Chính không gian đó, môi trường đó cho người xem thấy Bảo tàng không chỉ là nơi ghi dấu lịch sử mà còn là một nơi gắn với cuộc sống bình thường, giúp cho quần thể Bảo tàng như là một công viên rộng lớn, một nơi vừa học tập truyền thống vừa vui chơi, giải trí!

NGUYỄN MINH HẢI