Thắm mãi tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia

Thứ bảy, 27/08/2022 22:37
LTS: Nhân sự kiện Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia vừa tổ chức Kỳ họp thứ V phối hợp tu bổ, tôn tạo Đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 23-8 vừa qua, Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng giới thiệu bài viết về kỷ niệm đầy ấn tượng chuyến công tác sang Campuchia cách đây 5 năm của bà Phan Thị Thủy công tác Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia TP Đà Nẵng. 
Đoàn công tác của Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia thành phố Đà Nẵng thăm lại ngôi nhà của mẹ Phiumaly.
Đoàn công tác của Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia thành phố Đà Nẵng thăm và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Battambang, Campuchia.

Mùa hè năm 2017, tôi rất vinh dự được tham gia cùng đoàn công tác của Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia thành phố Đà Nẵng cùng các phóng viên của Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng sang thăm, làm việc tại một số tỉnh, thành của nước bạn láng giềng Campuchia nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao CHXHCN Việt Nam - Vương quốc Campuchia (24-6-1967 – 24-6-2017).

Đây là chuyến công tác nước ngoài vô cùng đặc biệt đối với tôi bởi cảm xúc thiêng liêng dâng trào mạnh mẽ. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống gắn bó lâu dài với Quân đội, tôi luôn thấu hiểu những hy sinh, vất vả thầm lặng mà quân nhân và người thân của họ đã phải trải qua để bảo vệ độc lập, bình yên cho đất nước. Khi cùng đoàn công tác đến thăm các Tượng đài hữu nghị tưởng niệm quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại chiến trường Campuchia, đến thăm các trận địa nơi xưa kia các cựu quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã từng chiến đấu để bảo vệ nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Pônpôt Iêngsary, được gặp những nhân chứng sống là nhân dân Campuchia và cả kiều bào ta ở Campuchia đã từng trải qua những năm tháng khốc liệt của nạn diệt chủng… tôi càng cảm thấu đến tận cùng sự khốc liệt của chiến tranh, sự tàn ác của Chế độ diệt chủng, sự hy sinh vô cùng to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả trên tinh thần ''Giúp bạn chính là giúp mình''.

Tôi đã lặng người, xúc động đến nghẹn lòng trước lời khấn nguyện của người lính già trở lại chiến trường xưa để tìm gặp đồng đội đã ngã xuống mãi mãi tuổi hai mươi trên đất nước Chùa Tháp. Đây là chiến hào, kia là bốt gác như vẫn còn đó hơi ấm của đồng đội chia nhau từng điếu thuốc, nhường nhau cả mạng sống thiêng liêng. Chợt nhớ những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Huân trong bài thơ ''Người lính già không khóc'': ''Điếu thuốc trên tay nhìn phía trời xa/ Giữa nghĩa trang người lính già không khóc/ Sao trong tim hình như nghe tiếng nấc/ Thương bạn mình hy sinh lúc tuổi xanh/ Anh ước gì nếu không có chiến tranh/ Bạn của anh được học hành tử tế/ Lấy vợ sinh con sớm hôm bên mẹ/ Chẳng lìa đời lúc tuổi trẻ hai mươi''.

Hơn 43 năm trôi qua kể từ ngày quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đặt chân lên đất nước Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế cao cả (7-1-1979), đến nay vẫn chưa thống kê được con số chính xác về số lượng quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh, thương vong trên đất nước Chùa Tháp. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Việt Nam, con số tử vong của bộ đội Việt Nam tại chiến trường Campuchia có thể lên tới năm chục ngàn, thậm chí còn cao hơn nữa. Ghi nhận những đóng góp to lớn đó, Nhà nước Campuchia đã trao tặng quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam 25 Huân chương Ăng-co, 116 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, 3 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì cho các đơn vị; 183.090 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc các hạng cho cán bộ, chiến sĩ Việt Nam cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Vươn lên từ đống tro tàn đổ nát của thảm họa diệt chủng, đất nước Chùa Tháp đã hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Những tưởng rằng lớp bụi thời gian sẽ xóa mờ ký ức, nhưng thực tế tuyệt nhiên không. Những địa danh chúng tôi đã đi qua, những người dân Campuchia lớn tuổi quen biết với các chú, các anh trong đoàn chúng tôi gặp đều thể hiện sự tôn kính Đội quân Nhà Phật mà năm xưa họ đã trìu mến gọi quân tình nguyện Việt Nam như thế. Tôi nhớ mãi như in tấm chân tình của người dân Campuchia, từ nhà lãnh đạo cao cấp cho đến những người dân bình dị nhất đã dành cho Đoàn trong suốt hành trình đặc biệt này.

Đoàn công tác của Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia thành phố Đà Nẵng thăm lại ngôi nhà của mẹ Phiumaly.

Sự đón tiếp trọng thị về mặt ngoại giao và tình cảm đặc biệt trân quý của lãnh đạo tỉnh Battambang đối với Đoàn là kỷ niệm rất đáng nhớ. Lãnh đạo tỉnh cho xe cảnh sát đón Đoàn từ địa giới tỉnh Pôsách cách Battambang 100km. Sau đó đưa đoàn về nghỉ tại Nhà khách Tỉnh ủy. Do có công việc đột xuất, Tỉnh trưởng phải làm việc với Thủ tướng Hunsen nên không trực tiếp tiếp đoàn, ủy quyền cho Phó Tỉnh trưởng cùng Chủ tịch Hội đồng tỉnh, 5 vị đại biểu Quốc hội, đại diện Bộ Quốc Phòng, Tư lệnh Quân khu IV, các cơ quan ban ngành của tỉnh tiếp đoàn. Chiều hôm đó, Tỉnh trưởng về lại Battambang thì Đoàn đã rời Battambang đi Siêm Riệp. Tỉnh trưởng đã điện cho anh Trịnh Thanh Sáu, lúc đó là Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, kiêm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia TP Đà Nẵng rằng tối nay ông sẽ đến Siêm Riệp để gặp mặt, chiêu đãi Đoàn. Xúc động trước tấm chân tình của Tỉnh trưởng dành cho Đoàn nhưng thấy quãng đường từ Battambang đi Siêm Riệp là 180km, cả đi lẫn về gần 400km nên anh Sáu ái ngại, tìm cách từ chối. Thế nhưng Tỉnh trưởng vẫn tha thiết muốn gặp Đoàn. Và ông đã vượt đường xa đến Siêm Riệp để gặp mặt, tổ chức cho bằng được tiệc chiêu đãi và tặng quà cho các thành viên trong Đoàn.

Những cuộc gặp gỡ chân tình, ấm áp, đầy xúc động với gia đình mẹ Phiumaly - người mẹ đã chở che, bảo bọc cho biết bao cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam thoát khỏi vòng vây của kẻ thù; những cuộc hội ngộ đầy nước mắt và nụ cười với những người dân Strưngtreng khi gặp lại các anh bộ đội Cụ Hồ, ân nhân của họ năm xưa để cùng nhau ôn lại một thời khói lửa... Đặc biệt, ấn tượng nhất đối với đoàn là tình cảm của hai chị em gái Thia-Ri, Ní-nị ở tỉnh Strưngtreng (khi bộ đội Việt Nam đóng quân ở nhà họ thì lúc đó hai chị em mới khoảng 7-8 tuổi). Nghe tin đoàn công tác sẽ đến Thủ đô Pnôm Pênh, hai chị em từ Strưngtreng lên Pnôm Pênh giải quyết việc riêng đã quyết định ở lại Pnôm Pênh thêm một ngày nữa chờ gặp Đoàn và mời cơm chiêu đãi. Tiệc chiêu đãi xong đến chín giờ tối, hai cô mới tự lái xe về lại Strưngtreng lúc một giờ sáng. Ba ngày sau, biết tin Đoàn sẽ về nước đi qua tỉnh Strưngtreng, hai cô đã tha thiết mời Đoàn dừng chân nghỉ lại Khách sạn của gia đình để tổ chức tiệc liên hoan, múa hát, ôn cố tri ân đến tận khuya. Buổi chia tay tiễn Đoàn về nước sáng hôm sau diễn ra trong bịn rịn, luyến lưu, có cả những giọt nước mắt như không muốn chia xa.

Qua chuyến đi, tôi thêm vững niềm tin về tình cảm son sắt, tốt đẹp, thủy chung giữa các chiến sỹ QĐND Việt Nam và nhân dân Campuchia. Tình cảm đó xuất phát từ trái tim mà không một kẻ thù nào, không một thế lực thù địch nào có thể xuyên tạc, bóp méo lịch sử bởi giá trị lịch sử bao giờ cũng là sự thật - ''Không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên'' đúng như Tiến sỹ Yi Heang - Cố vấn Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã khẳng định: “Việc nhân dân, Chính phủ và quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Pônpôt Iêngsary và hồi sinh dân tộc là một sự nghiệp cao cả, sáng ngời chính nghĩa trong thế kỷ XX”. Nhìn lại lịch sử để thêm trân trọng, thêm nỗ lực gìn giữ và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp với nhân dân các nước, nhất là các nước có quan hệ chính trị lịch sử đặc biệt với chúng ta.

Phan Thị Thủy