Thăm nhà mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm

Thứ bảy, 06/09/2014 10:04

(Cadn.com.vn) - Kể từ khi câu chuyện về bác sĩ, Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký định mệnh  hé lộ thì ngôi nhà của gia đình cụ bà Doãn Ngọc Trâm ở số 147-Đội Cấn, Hà Nội lại bận rộn hơn vì luôn chào đón nhiều vị khách, trong đó có cả những vị khách nước ngoài. Chúng tôi cũng không thể bỏ qua ngôi nhà thơ ấu của chị khi đến Thủ đô...

Thật may mắn, hôm chúng tôi tìm đến nhà cụ bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ chị Trâm, thì cả hai mẹ con (cùng con gái Đặng Phương Trâm) vừa mới tiếp xong một đoàn khách là đại diện thế hệ trẻ một quận ở TPHCM vừa ra thủ đô. Chị Phương Trâm bảo, mấy hôm nay mẹ ốm nhưng bà vui lắm bởi khách đến thăm có ở mọi miền đất nước, ai cũng muốn được nghe chuyện về Thùy Trâm qua ký ức của một người mẹ. Trời Hà Nội đổ mưa, phòng khách trong ngôi nhà của bà Doãn Ngọc Trâm nhìn ra một hồ nước rộng phủ bèo xanh ngắt, từng giọt mưa đan nhau quấn quýt, tạo cảm giác khá thoáng mát, yên bình. Quan sát, chúng tôi thấy bàn thờ của Thùy Trâm đặt riêng gần đối diện bàn thờ chung trong gia đình, vỏn vẹn chỉ tấm ảnh tựa tấm ảnh trang bìa cuốn nhật ký, một bình nhang và một lọ hoa tươi.

Bà Doãn Ngọc Trâm (thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với các phóng viên Quảng Nam
bên bàn thờ con gái Đặng Thùy Trâm.

Trong phảng phất mùi trầm nhang mới được đốt lên, bà Doãn Ngọc Trâm vui vẻ bảo: “Mấy cháu thấy sao, nhìn ảnh Thùy Trâm trẻ vậy nhưng nó sinh cuối 1942, đến giờ tính ra đã ở tuổi 72". Biết chúng tôi là những người làm báo từ miền Trung đến gia đình cùng với niềm trân trọng, tri ân một anh hùng liệt sỹ ngã xuống ở chính trên quê hương mình và muốn biết thêm những câu chuyện bên ngoài trang nhật ký, bà cụ cảm động lắm.

Từng là giảng viên Trường đại học dược Hà Nội, bà Doãn Ngọc Trâm dẫn chuyện rất khúc chiết, dễ nhớ: Sinh ra ở Hà Nội nhưng tuổi thơ của Thùy Trâm phải trải qua nhiều lần sơ tán cùng gia đình. Điều nhiều người thân còn nhớ về Thùy Trâm là đức tính điềm tĩnh, thùy mị. Thùy Trâm là con gái cả trong gia đình có 5 chị em. Vì là chị cả nên ngay từ nhỏ, Thùy Trâm đã phải cáng đáng nhiều việc giúp bố mẹ. Sau khi Thùy Trâm có em Phương Trâm được một thời gian, gia đình phải sơ tán về Nghệ Tĩnh (cũ). Lúc này, Thùy Trâm khoảng 7 tuổi nhưng cô đã biết bắt cua, ốc để cải thiện bữa ăn gia đình, thay mẹ chăm sóc, dạy bảo các em… Thùy Trâm cũng như các em đều vừa tự học và học rất giỏi. Thùy Trâm vốn là cô gái có tâm hồn lãng mạn, rất yêu môn văn…

Câu chuyện bất chợt chùng xuống vì bà cụ lấy khăn lau nước mắt khi kể đến đoạn hai vị khách đến thăm bà: Paul Cox và Michael Ulh - hai cựu binh từng tham gia chiến trường miền Nam năm xưa. Chăm chú nghe những câu chuyện bà kể như bây giờ, bất ngờ Michael đã hỏi bà Doãn Ngọc Trâm về cảm giác những lần đến Đức Phổ, Quảng Ngãi- nơi con gái bà ngã xuống. Bà Doãn Ngọc Trâm đã không giấu được cảm xúc rất thật để trả lời, là lúc ấy bà có những cảm xúc khác nhau nhưng vẫn là nỗi buồn (…!).

Đoạn đến đây chợt chúng tôi suy nghĩ, đây không chỉ là nỗi buồn của người mẹ mất con mà còn là nỗi buồn của cuộc chiến tàn khốc đã đi qua trên quê hương, nỗi buồn cho những số phận đưa đẩy, vùi dập, tang tóc bởi đạn bom trong những năm tháng cả đất nước lên đường ra mặt trận. Tuổi xuân xanh của Thùy Trâm cũng như một lớp thế hệ tuổi trẻ lúc đó phải gác lại những yêu đương, mộng mơ đẹp đẽ… Nhưng với Thùy Trâm, chị sống đã yêu và đã cống hiến hết mình cho lẽ sống mà chị chọn lựa ngay từ  trên ghế giảng đường.

Tiếp lời mẹ, chị Phương Trâm nói như tâm sự, Thùy Trâm tốt nghiệp bác sĩ Y khoa tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, sau đó xung phong vào chiến trường miền Nam, công tác tại bệnh viện huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi, trong khi làm nhiệm vụ tại địa bàn đã bị địch phục kích và hy sinh vào năm 1970 khi chưa đầy 28 tuổi đời với 3 năm tuổi nghề và 2 năm tuổi Đảng. Nhân dân địa phương đã an táng chị ngay trên mảnh đất mà chị đã hy sinh và được gia đình cải táng về nghĩa trang liệt sĩ xã Xuân Phương, H. Từ Liêm, Hà Nội. Và như chúng ta biết, trong hành trang để lại trước lúc hy sinh của chị là 2 cuốn nhật ký đã được một cựu chiến binh Mỹ tên là Frederic Whitehurst từng tham chiến tại chiến trường H. Đức Phổ tìm thấy và cất giữ.

Yêu con vô bờ bến, đối với bà Doãn Ngọc Trâm, mỗi hành động, lời nói, cử chỉ, cá tính, mỗi giây phút sống trong đời của Thùy Trâm mãi là những kỷ niệm không bao giờ phai trong tâm trí bà. Trước khi chia tay, một lần nữa, chúng tôi lại đứng ngắm bức chân dung của chị, nghĩ về lời kể của người mẹ, càng thêm khâm phục và trân trọng hơn tấm gương hy sinh của liệt sỹ Đặng Thùy Trâm- Người con gái có cha và mẹ quê gốc Quảng Nam mãi mãi yên nghỉ trong niềm yêu thương của mọi người.

Võ Văn Trường